Bên bờ hạnh phúc
Đường dây nóng hỗ trợ trẻ em đã hoạt động sáu năm nay nhưng không được nhiều trẻ em biết đến. Sắp tới, Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) sẽ có nhiều cách làm mới để trẻ em, nhất là trẻ đường phố tiếp cận nhiều hơn với dịch vụ này.

Bất kỳ trẻ em nào ở Việt Nam gặp rắc rối về tâm lý, bị bạo hành hoặc cần được tư vấn đều có thể gọi miễn phí về tổng đài 18001567. Trong vòng ba hồi chuông, các em sẽ được nghe giọng nói của nhân viên tư vấn. Cần hỗ trợ việc gì, các em cứ giãi bày. Mọi thông tin về các em sẽ được giữ bí mật… Cứ thế, đường dây nóng hỗ trợ trẻ em đã can thiệp, hỗ trợ thành công cho nhiều trẻ em gặp rắc rối. Tuy nhiên, không nhiều trẻ đường phố – đối tượng mà đường dây nhắm đến – biết về dịch vụ này.

Can thiệp kịp thời khi trẻ gặp nguy

Ngày 10-12-2010, một người dân ở huyện Hóc Môn, TP.HCM gọi điện thoại báo cho đường dây biết cháu bé tên B. đang bị đánh đập dã man. Cha mẹ mất sớm nên B. ở với bà ngoại và dì. Người chồng của dì thường xuyên bỏ đói và hành hạ cháu. Người hàng xóm mong đường dây có biện pháp giúp đỡ vì họ không dám can thiệp. Nhân viên tư vấn đã liên lạc với công an xã nơi cháu bé cư trú báo tin đề nghị can thiệp khẩn cấp. Đồng thời, nhân viên kết nối với cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội của huyện để có biện pháp hỗ trợ. Ngày 14-12, cháu được đưa vào nuôi dưỡng tại Làng SOS Gò Vấp.

Trước đó, cháu C.V.Toàn (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), một trẻ đường phố, đã gọi điện thoại tới đường dây cho biết em gặp một em trai sống lang thang dưới chân cầu Long Biên. Toàn đưa em về nhà trọ và được bác chủ nhà trọ cho ăn mặc đầy đủ. Tuy nhiên, em trai này không hề cho biết tên tuổi, quê quán nên Toàn gọi đến đường dây nhờ giúp đỡ. Ngay sau đó, nhân viên tư vấn liên hệ với cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm để cùng xuống địa bàn phường Phúc Tân khảo sát. Bằng nghiệp vụ, các cán bộ tư vấn biết được nhân thân của em và đã đưa em hồi gia.

Nếu biết cách sử dụng 18001567, trẻ đường phố sẽ tránh được nhiều cạm bẫy. (Ảnh: Hai bé gái xin ăn được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM) Ảnh: TM

 

Ngoài ra, với các cuộc gọi cần sự can thiệp hỗ trợ khẩn cấp (các ca trẻ lạc, trẻ có ý định tự tử, trẻ gặp nguy hiểm…), nhân viên tư vấn thu thập đầy đủ thông tin về trẻ, thảo luận nhanh với đồng nghiệp, cố vấn để lên kế hoạch trợ giúp trẻ trong thời gian sớm nhất.

 

Ít trẻ biết đến 18001567

Từ cuối năm 2005, đường dây đã liên hệ với các cơ quan, trường học, nhà dân ở Hà Nội để trẻ em có thể đến 1.000 điểm điện thoại gọi tới đường dây miễn phí khi cần. Tuy nhiên, số trẻ gọi đến đường dây không nhiều.

Ông Đặng Nam, Cục phó Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, cho biết: “Đa số các điểm điện thoại trong trường học thất bại vì địa điểm không thuận lợi. Chúng ta tạo điều kiện nhưng cũng cần phải khảo sát nhu cầu của các em; có thể nơi đó chưa thân thiện, chưa riêng tư, các em còn nhút nhát…”.

Nhóm mục tiêu quan trọng của dự án đường dây tư vấn là trẻ em đường phố, trẻ lao động sớm, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Nhóm này bao gồm các em không nơi nương tựa, bỏ học, nghiện hút, bị xâm phạm tình dục… Tuy nhiên, số trẻ em đường phố gọi tới trung tâm chỉ hơn 1%. Có thể do các em chưa nhận thức được quyền được bảo vệ để nhờ tư vấn khi cần thiết. Nhóm này có những đặc điểm khác biệt về tâm lý và không dễ dàng chia sẻ. Cũng có thể các em không có sẵn điện thoại như những em sống cùng gia đình.

Sẽ mở rộng hình thức tiếp nhận

Đường dây và nhân viên luôn sẵn lòng chào đón những đứa trẻ cần sự trợ giúp. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao để nhiều trẻ biết đến.

Ông Vũ Dũng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, đơn vị trực tiếp thực hiện đường dây, cho biết mới đây đã tổ chức tập huấn để nhân viên đi khảo sát nhu cầu trẻ em tiếp cận dịch vụ này. “Có thể tháng 6 tới sẽ có kết quả khảo sát, từ đó có cách làm phù hợp với từng khu vực” – ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, trong tương lai, để nhiều trẻ em biết đến đường dây hơn, cùng với việc đặt các trạm điện thoại ở cộng đồng, nhân viên tư vấn sẽ đến một số trường học để truyền thông trực tiếp. Đồng thời, đường dây sẽ đặt hộp thư ở một số trường học. Một kênh tiếp nhận và hỗ trợ khác là qua email, tin nhắn.

Trả lời câu hỏi số 18001567 khiến trẻ khó nhớ để gọi đến (nhất là trong lúc khẩn cấp), ông Dũng cho biết đây là dịch vụ miễn phí cho người gọi nhưng Nhà nước vẫn phải trả tiền. Trong dự án mở nhánh mới của tổng đài, trung tâm có kế hoạch xin số điện thoại ngắn (từ ba đến bốn số). Tuy vậy, phải qua nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành mới biết được đường dây có thể có số điện thoại ngắn hay không.

 

18001567 – Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em miễn phí tại Việt Nam – là thành viên thứ 52 của Tổ chức Điện thoại tư vấn hỗ trợ trẻ em quốc tế (CHI). Đường dây hoạt động từ năm 2004 dưới sự quản lý trực tiếp của Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

Tại đây hiện có 18 nhân viên tư vấn, hai cố vấn và bốn cộng tác viên thuộc các chuyên ngành: tâm lý, công tác xã hội, luật. Trung bình một ngày có khoảng hơn 300 ca gọi đến nhờ tư vấn về quan hệ ứng xử bạn bè, gia đình, nhà trường, sức khỏe thể chất, tinh thần, tai nạn thương tích, pháp luật liên quan đến trẻ em, tư vấn các ca về trẻ tự kỷ, các ca liên quan đến xâm hại, bạo lực trẻ em… Cuộc gọi về tình trạng bạo hành trẻ em chiếm khoảng 1% tổng số ca được tư vấn.

__________________________________________________

Tại nhiều nước, các doanh nghiệp in số đường dây tư vấn quốc gia vào các sản phẩm bán cho trẻ em như bìa vở, hộp sữa, hộp bút… Đây cũng là một hình thức quảng cáo sản phẩm vì khi người tiêu dùng cầm sản phẩm, họ thấy rằng doanh nghiệp này vì cộng đồng. Tuy nhiên, ở ta chưa thấy doanh nghiệp nào vào cuộc.

Theo tôi, tốt nhất là sử dụng các post điện thoại công cộng. Có thể chúng tôi sẽ vận động các doanh nghiệp trực tiếp cung cấp dịch vụ viễn thông như Viettel, VNPT… để cung cấp thẻ điện thoại đặc biệt. Ví dụ họ sản xuất loại thẻ đưa vào bất cứ điểm điện thoại nào cũng chỉ gọi được một số nhất định là 18001567 thôi, không gọi được số khác. Muốn làm được như thế thì phải có một giải pháp kỹ thuật đồng bộ. Đây mới chỉ là ý tưởng từ phía chúng tôi, hy vọng là các doanh nghiệp cùng vào cuộc.

Ông ĐẶNG NAM, Cục phó Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em

 

Theo Thanh Mận (PLO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *