Bên bờ hạnh phúc

Sake được coi là quốc tửu ở xứ sở Mặt trời mọc, thường dùng để tẩy trần tại các ngôi đền thiêng.

Đối với người dân Nhật Bản, sake được coi như thức uống của các vị thần. Nó là một phần trong nghi lễ cổ xưa, khi được dùng để tẩy trần trong các đền thờ. Sake được ủ từ những năm 300 trước Công nguyên, một vài thế kỷ sau khi nền văn minh lúa nước xuất hiện tại Nhật Bản.

Trong phần lớn lễ hội ở Nhật Bản, người dân thường dâng cúng các thực phẩm đến từ biển và núi. Một trong những thực phẩm quan trọng nhất trong các lễ hội này là Sake, thức uống được sản xuất từ gạo, có lượng cồn thấp.

Nguyên liệu làm rượu

Rượu Sake được làm từ gạo và nước, dưới sự tác động của một loại vi khuẩn gọi là koji và men rượu Sake.

Gạo để làm rượu phải được xây xát kỹ. Tại Nhật có hai loại gạo, loại gạo thường, dùng để nấu ăn, và loại gạo Sakamai dùng để nấu rượu Sake. Gạo Sakamai có hạt lớn hơn và mềm hơn, và chỉ được trồng ở một số vùng nhất định, với kỹ thuật canh tác phức tạp hơn.

Nước cũng đóng vai trò quan trọng trong công việc làm rượu Sake. Loại nước nửa cứng là phù hợp nhất vì hàm lượng thấp của chất sắc và chất ma nhê. Hầu hết xưởng sản xuất sake của người Nhật thường làm vào mùa thu, kéo dài hết mùa đông, bởi nhiệt độ lạnh rất phù hợp với việc làm ra loại đồ uống này. Việc tạo ra hương vị độc đáo, đặc biệt rất quan trọng đối với mỗi xưởng sản xuất. Do vậy, phần lớn hãng sake ở Nhật đều do cha truyền con nối và có truyền thống hơn 100 năm.

Lịch sử rượu Sake

Người Nhật bắt đầu làm rượu Sake vào khoảng thời gian sau khi người ta bắt đầu trồng lúa nước vào thế kỷ 3 trước Công nguyên. Tài liệu đầu tiên viết về việc uống rượu Sake là vào khoảng năm 300 sau Công nguyên.

Trong thời cổ Nhật Bản, việc sản xuất Sake có liên quan mật thiết tới cung đình và những đền thờ. Đó là lý do tại sao Sake thường kết hợp với những nghi thức và lễ hội tôn giáo. Ngay cả ngày nay, Sake vẫn được sử dụng trong các nghi thức truyền thống tại Nhật.

Sake đối với người Nhật còn hơn là một thứ thức uống. Ngay từ thời cổ, Sake đã được trân trọng cao độ. Những món đồ sứ được trang trí đầy tính nghệ thuật hoặc những món đồ bằng gỗ dùng để uống rượu đã cho thấy giá trị mà người Nhật đặt lên loại thức uống này.

Thưởng thức rượu Sake

Rượu Sake có thể uống nóng hoặc uống lạnh. Người ta cũng có thể uống rượu Sake một cách tuyệt hảo với nhiệt độ trong phòng. Hương và vị của rượu sẽ thay đổi tùy theo nhiệt độ. Người ta có thể chọn nhiệt độ cho rượu tùy thuộc vào mùa hoặc thức nhắm. So với bia hoặc rượu vang, Sake được uống ở một dải nhiệt độ rộng hơn nhiều, từ 5 độ C đến 55 độ C. Không nên hâm nóng lên quá 60 độ C và cũng không nên nấu sôi. Nhiệt độ cũng tùy thuộc vào loại rượu Sake đang uống. Chẳng hạn như loại rượu có mùi thơm và nhẹ, êm nên uống lạnh.

Thời nay, khi sake được sản xuất hàng loạt kiểu công nghiệp và người ta có thể mua sake từ các siêu thị, thì sake thường được đựng trong các chai thủy tinh dung tích 0,5 lít hay 1,7 lít. Sake cũng có thể được chứa trong các bình gốm và bình hộp bằng giấy. Ở các chùa, đền và nhiều quán rượu truyền thống ở Nhật Bản, sake được chứa trong các thùng to.

Sake được đựng trong một thùng to ở các đền, chùa

Để hâm nóng sake, người ta chuyển sake sang chứa trong các chai bằng gốm, rồi ngâm chai trong nước sôi.

Về dụng cụ để uống, rượu Sake có thể được uống bằng bất kỳ loại nào. Người ta có thể uống Sake bằng tách, bằng ly, hoặc bằng những loại khác nhau, bất kể hình dáng và chất liệu. Nhiều người Nhật thích uống Sake bằng tách sứ hoặc tách gỗ.

Sake cũng có thể hòa chung với cốc tai trái cây để uống. Người ta vẫn thường thưởng thức một ly cốc tai có Sake. Ngoài ra, Sake cũng có thể hòa chung với các loại rượu mùi khác để có một thứ hương vị tổng hợp, đa dạng.

Chén uống sake có nhiều loại. Khi uống sake theo cách tương đối trang trọng và mang tính truyền thống, người Nhật có thể dùng một cái đĩa nhỏ và nông gọi là sakazuki, hoặc một chiếc chén nhỏ không có quai gọi là ochoko. Trang trọng hơn nữa và đậm nét truyền thống hơn nữa, người Nhật dùng cốc bằng gỗ gọi là masu. Masu thường có hình dạng như một chiếc hộp, hình vuông, có thể phủ sơn hoặc không. Ở gia đình và ở nước ngoài, sake có thể uống bằng ly thủy tinh.

Các loại cốc dùng để thưởng thức rượu sake. Từ trên xuống là sakazuki, ochoko và masu

Với người Nhật Bản, uống sake khiến họ có cảm giác đặc biệt như đang được dịch chuyển đến một thế giới khác, thoát tục và tâm hồn thanh thản. Sake cũng được coi là thức uống hấp dẫn các vị thần.

Ban đầu, sake được sản xuất để phục vụ cho cá nhân các hộ gia đình trong làng. Sau đó, nó trở thành một sản phẩm nông nghiệp được người dân cả nước và thế giới ưa chuộng. Sake trước đây được tiêu thụ phần lớn bởi tầng lớp thượng lưu và trong đám cưới. 

Rượu sake được dùng làm rượu lễ trong một đám cưới

Một trong những truyền thuyết nổi tiếng gắn liền với rượu sake chính là huyền thoại về Kojiki. Truyện kể rằng có một con rồng quỷ 8 đầu hàng năm thường tấn công các ngôi làng ở Nhật Bản. Mỗi lần như thế con rồng lại bắt đi một cô gái. Trước sự việc đó, Susanoo, vị thần bão và biển cả trong tín ngưỡng Shinto, đã tìm ra một giải pháp. Ông yêu cầu dân làng chuẩn bị rượu sake và đổ đầy vào 8 chiếc cốc. Khi con rồng đến, nó uống hết rượu trong cốc và ngủ say. Susanoo đã dùng gươm chém chết con quái thú và kết hôn với cô gái – vốn sắp bị trở thành vật hiến tế cho con rồng.

Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *