Bên bờ hạnh phúc

Ngày 7/4 hàng năm được chọn làm ngày “Toàn dân hiến máu nhân đạo”. Thời gian qua, nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể, học sinh – sinh viên và nhân dân đã nhiệt tình hưởng ứng ngày này. Đó là một việc làm rất đáng trân trọng, một nghĩa cử cao đẹp, góp phần tăng cường lượng máu dự trữ trong ngân hàng máu để phục vụ cho nhu cầu chữa bệnh của nhân dân.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít người chưa hiểu nhiều về những nguyên tắc khi hiến máu, không biết độ tuổi nào được hiến máu, hiến bao nhiêu là vừa, hiến máu có hại cho sức khỏe hay không, vân vân… Những gợi ý sau đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về hiến máu nhân đạo.

1. Vì sao phải hiến máu nhân đạo?

Máu và các chế phẩm của máu chưa có loại dược phẩm nào thay thế được. Giọt máu nhân đạo của bạn sẽ góp phần cứu sống sinh mạng của con người.

2. Hiến máu như thế nào mới đúng?

Trong cơ thể, trung bình có khoảng 77 ml máu/ kg cân nặng đối với nam và 66 ml máu/ kg cân nặng đối với nữ. Như vậy, một người Việt Nam trưởng thành trung bình có khoảng từ 3,5 – 5 lít máu (tương đương 1/13 trọng lượng của cơ thể).

+ Người khỏe mạnh : mỗi lần hiến 250 ml, 350 ml hoặc 450 ml tuỳ theo trọng lượng, không được hiến nhiều hơn.

+ Đối với nữ không quá 3 lần/ năm, đối với nam không quá 4 lần/ năm.

3. Hiến máu có hại cho sức khoẻ không?

– Không. Hiến máu theo hướng dẫn của thầy thuốc không có hại cho sức khoẻ.
 

– Máu có nhiều thầnh phần, mỗi thành phần chỉ có đời sống nhất định và luôn luôn được đổi mới hằng ngày. Do đó, ngay sau khi hiến máu, các cơ quan sinh máu sẽ được kích thích và quá trình sinh tạo máu sẽ hoạt động với tốc độ gấp 8 – 10 lần so với bình thường. Hoạt động này nhằm nhanh chóng lấy lại sự cân bằng của cơ thể. Sau khi hiến máu khoảng 3 – 4 tuần, các thành phần trong máu phục hồi lại gần như bình thường.
 

– Những ngày đầu sau khi hiến máu, các chỉ số máu có thay đổi chút ít nhưng vẫn nằm trong giới hạn sinh lý bình thường, không hề gây ảnh hưởng đến các chức năng sống của cơ thể.
Như vậy, nếu sức khoẻ tốt, không có các bệnh lây nhiễm qua đường truyền máu, đạt tiêu chuẩn hiến máu thì một người có thể hiến máu từ 3 – 4 lần trong một năm, vừa không ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của bản thân, vừa có máu có chất lượng tốt và an toàn cao cho người bệnh. Giá trị nhân văn ở đây là rất đáng kính trọng.

4. Ai cho được, ai không cho được?

+ Người cho máu được

– Người hiến máu khỏe mạnh, không có tiền căn bệnh tật

– Nam tuổi từ 18 – 60

– Nữ tuổi từ 18 – 55

– Huyết áp không thấp, không cao (tối đa > 100 mHg và < 140 mHg)

– Mạch từ 60 – 90 lần/ phút.

– Cân nặng > 45 kg. Với người đã hiến máu an toàn hoặc cân nặng > 50 kg có thể hiến 350ml máu/ lần
– Với người hiến máu nhắc lại thì phải đảm bảo khoảng thời gian cách lần hiến máu trước tối thiểu là 84 ngày

+ Người không cho máu được

– Người quan hệ với gái mại dâm, có quan hệ với nhiều bạn tình

– Người nghiện ma tuý

– Người bị nhiễm HIV/AIDS

– Người nghiện rượu

– Người bị nhiễm viêm gan siêu vi  B, C

– Người sống lang thang không nơi cư trú rõ ràng

5. Người hiến máu được quyền lợi gì?

– Bản thân người hiến máu sẽ được hoàn trả lại đơn vị máu của mình khi cần truyền máu.

– Về vật chất : Tiền đi đường 20.000 đồng/ lần, quà lưu niệm 50.000 đồng/ lần, ăn nhẹ tại chỗ 10.000 đồng/ lần

– Về tinh thần : Người hiến máu 03 lần được Giấy khen của Hội hoặc UBND huyện – thị

– Người hiến máu 06 lần được Giấy khen của Ban vận động tỉnh, 10 lần được Bằng khen của UBND tỉnh.

– Ngoài ra, người hiến máu còn được tham gia vào các tổ chức, các hoạt động có ý nghĩa dành cho người hiến máu…

6. Những điều cần biết trước, trong và sau khi hiến máu

– Đêm hôm trước ngày hiến máu không thức quá khuya, nên ăn nhẹ và không uống rượu bia.
 

– Trong khi hiến máu : Không nên lo sợ, giữ tư thế, tâm trạng thoải mái

– Sau khi hiến máu : Nằm nghỉ 15 phút, giữ băng nơi tiêm chích 12 giờ

– Trong 2 – 3 ngày đầu sau hiến máu nên sinh hoạt nhẹ nhàng, nghỉ ngơi nhiều hơn bình thường, tránh các hoạt động gắng sức, các trò chơi mang tính đối kháng đòi hỏi tốn nhiều thể lực như đá bóng, tập tạ, không leo trèo cao… không thức quá khuya, không uống rượu bia.
 

– Nếu thấy cơ thể hơi mệt mỏi, nên nghỉ ngơi, tránh hoạt động quá nhiều. Nên bình tĩnh và yên tâm, đây chỉ là một phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể biểu hiện đang trong quá trình phục hồi và tái tạo máu. Nếu yên tâm, tinh thần thoải mái và nghỉ ngơi tốt thì những biểu hiện này sẽ nhanh chóng qua đi.
 

– Tiếp tục giữ gìn sức khỏe và tham gia hiến máu nhắc lại. Những đơn vị máu của những người hiến máu nhắc lại sẽ có chất lượng và an toàn hơn rất nhiều cho người bệnh nhận máu.

Thu Anh (tổng hợp từ Báo Người thầy thuốc và tài liệu do bạn Nguyễn Thành Thượng Trường Trung cấp Y tế Vĩnh Long – cung cấp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *