Bên bờ hạnh phúc

Lòng nhân ái và sự bao dung là cốt cách nghệ sĩ hằng có ở Trịnh Công Sơn; như là một giải pháp cứu vãn, để đối diện với chiến tranh, thù hận và sự hữu hạn của phận người.

Có lần tôi được nghe nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường kể, thuở còn ở Blao (Lâm Đồng), Sơn làm "truởng giáo" của một ngôi trường ấp chiến lược cốt để được hoãn quân dịch. Nơi thị trấn chiến tranh heo hút đó, mỗi ngày anh thường băng qua một nghĩa trang đầy quạ đen; chiều về nghe tiếng chuông báo tử vang lên từ ngôi giáo đường nhỏ; đêm đến ngồi uống cà phê ở quán Le Cap Oral nghe lão người Tây già nhại tiếng kêu thê thiết của con chim báo hiệu chiến tranh.
 
Đêm ở Blao, Sơn thường đi lang thang. Và để đánh lừa kẻ vào nhà, Sơn dùng chiếc drap trắng trùm kín cây đàn ghita để trên gường, giả vờ người nằm bệnh. Từ đó qua suốt thời tuổi trẻ, Sơn vẫn hát về cuộc đời như một "cơn đau vùi".

Những năm vào đời của một tài năng, Sơn đã khám phá ra âm hưởng là thứ dịu dàng của dòng sông xứ Huế (Ướt mi, Nắng thuỷ tinh), nỗi cô đơn ở Ghềnh Ráng eo biển Qui Nhơn (Biển nhớ, Lời buồn thánh) và ở thị trấn Cao Nguyên kia, là chiến tranh và cái chết (Phúc âm buồn, Gọi tên bốn mùa, Tình ca người mất trí)…. Điều này đã lặp đi lặp trong rất nhiều ca khúc của kể cả khi cất lên những lời yêu thương ngọt ngào, cháy bỏng như trong Rơi lệ ru người, Đoá hoa vô thường, Bên đời hiu quạnh, Ở trọ
 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Một hình ảnh rất xúc động của Sơn, trong mùa nghỉ hè về Huế, các anh thường ngồi quán cà phê Tôn ở Thành Nội. Hôm ấy, bé gái phục vụ lỡ tay đánh vỡ tách cà phê làm bẩn áo anh. Bà chủ quán chạy lên giận dữ khiến con bé rúm người, sợ hãi. Sơn đứng dậy che đòn cho con bé, ôn tồn nói với chủ quán: "Chính tôi làm vỡ, không phải lỗi nó" và anh thản nhiên rút túi bù tiền, cười với con bé rồi đi. Nhiều năm sau, anh Tường gặp lại cô bé trên rừng, nay đã lớn làm giao liên.

Lòng nhân ái và sự bao dung là cốt cách nghệ sĩ hằng có ở Trịnh Công Sơn; như là một giải pháp cứu vãn, để đối diện với chiến tranh, thù hận và sự hữu hạn của phận người ( "Sống trong đời sống- Cần có một tấm lòng- để làm gì em biết không- Để gió cuốn đi !" . (Để gió cuốn đi).

Dù đề cập đến bất cứ điều gì trong cuộc sống, Trịnh Công Sơn cũng chỉ chọn một người để nói, đó là người tình. Kể cả cái chết, mọi bài hát của Trịnh Công Sơn đều là tình ca, với giai điệu dịu dàng và thành thật đến kỳ lạ.

Theo Hoàng Hữu Quyết ( Đất Việt)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *