Bên bờ hạnh phúc

Mùa xuân đã rộn ràng ở khắp mọi nơi. Xuân về từ cành mai vàng trước ngõ, từ bữa cơm gia đình với nồi thịt kho, có dưa hấu, bánh tráng, củ kiệu, củ hành…Thế nhưng, khi nhà nhà đang quây quần bên mâm cơm đoàn viên thìtại những làng nghề làm ra những món ăn đậm đà hương vị này, người dân vẫn đang tất bật mưu sinh

Video clip chương trình Chuyến xe nhân ái – Kỳ 295: Tỉnh Bến Tre, tỉnh An Giang, tỉnh Long An và tỉnh Sóc Trăng.

Gia đình bà Phạm Thị Thu Mai, ấp Nghĩa Huấn, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre

Xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre là quê hương của bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng. Gia đình chị Phạm Thị Thu Mai ở ấp Nghĩa Huấn là một trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của địa phương khi chồng chị bị tai biến 8 tháng nay, đứt mạch máu não và liệt nửa người. Biến cố chẳng may ập tới mái gia đình này khiến người phụ nữ như bà Mai phải một mình gồng gánh tất cả, từ chỗ chạy nợ lo chữa trị cho chồng tới lo cho 2 đứa con đi học.

Chồng bệnh nặng, chỉ còn một mình vun vén trong ngoài nên chị Mai vẫn trông nhờ vào từng mẻ bánh tráng với thu nhập chẳng là bao, bấp bênh theo mùa vụ. Vậy nên, có vốn để ổn định nghề làm bánh tráng – kế sinh nhai duy nhất của gia đình lúc này – là mong ước lớn nhất của chị Mai. 

Gia đình bà Nguyễn Thị Lệ, ấp Thị 2, xã Hội An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang

Hoàn cảnh thứ 2 đến từ làng nghề trồng kiệu ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang – gia đình chị Nguyễn Thị Lệ ở ấp Thị 2. 4 tháng nay, vợ chồng chị cùng lúc phát bệnh vôi cột sống, anh Ken – chồng chị – còn bị sỏi mật 14 li, nhưng gia đình chưa xoay sở đủ tiền để cho anh đi mổ. Chị Lệ trở thành trụ cột gia đình với nghề nhổ kiệu thuê.

Từ khi chồng mang bệnh tới giờ, chị Lệ phải gánh vác nhiều hơn để có thể lo cho gia đình và nuôi con ăn học.

Cố gắng làm lụng vì chồng con nên vừa xong mùa kiệu tết, chị Lệ lại đi giúp việc nhà, kiếm thêm chút tiền công xoay sở trong gia đình và dành dụm để sửa sang lại ngôi nhà đã trống trước hở sau.

Gia đình ông Nguyễn Văn Ven, ấp Hòa Thạnh, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An

Hoàn cảnh thứ 3 là gia đình anh Ven ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Vợ bị nhiễm chất độc màu da cam bẩm sinh, sức khỏe anh Ven cũng đã suy yếu sau nhiều năm gồng gánh gia đình. Con trai út hiện đang là trụ cột gia đình với công việc làm thuê ở ruộng dưa hấu.

Lao vào đời mưu sinh khi mới 15 tuổi đầu, Phơi – con trai của anh Ven – đã gắn bó với nghề trồng dưa hấu thuê đến nay đã gần 3 năm. Làm nặng trong thời gian dài, em bị giãn tĩnh mạch mà vẫn chưa có tiền đi mổ

Gia đình anh Thạch Tùng, ấp Trà Sết, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng

Hoàn cảnh cuối cùng gắn liền với làng nghề trồng hành tím ở Sóc Trăng – anh Thạch Tùng, ở xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu. Vợ chồng anh Tùng đều là người Khmer. Chị Hol – vợ anh – bị khuyết tật 2 chân, không làm lụng được nhiều, nên chặng đường khởi nghiệp của 2 vợ chồng rất gian nan.

Cố gắng bươn chải làm lụng suốt năm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, vợ chồng anh Tùng càng trăn trở nhiều hơn về một công việc làm ăn ổn định để lo cho 2 con được học hành đến nơi đến chốn

Hồng Ngân

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *