Bên bờ hạnh phúc

“Thần đèn” Tư Lũy, người được xem là “ông tổ” của nghề dời nhà ở miền Tây đã qua đời do xuất huyết não khi anh vừa bước qua tuổi 55. Xuất thân là một nông dân chỉ học hết lớp 4 trường làng, nhưng Tư Lũy đã di dời được hàng trăm công  trình…

Tư Lũy bên cạnh chùa Vạn Linh trên đỉnh Núi Cấm, công trình đang được di dời.

 Tin bất ngờ làm chúng tôi hối tiếc. Một phần vì chúng tôi không còn cơ hội để ghi hình và phỏng vấn anh tại hiện trường và càng tiếc hơn khi anh bỏ lại phía sau một sự nghiệp lớn mà anh được xem là “ông tổ” của nghề dời nhà ở miền Tây.

Vốn xuất thân là một nông dân chỉ học hết lớp 4 trường làng, nhưng Tư Lũy di dời được những công trình nặng đến vài ngàn tấn. Tư Lũy kể: “Tui theo nghề đóng xuồng ghe, mỗi chiếc nặng vài chục tấn mà kéo xuống sông khỏe re, vậy tại sao nhà không di dời được!”. Thế là Tư Lũy lao vào mày mò nghiên cứu dùng con đội nâng cột, thân gỗ làm ống lăn và đào rãnh để dịch chuyển nhà sang nơi khác.

Khởi nghiệp dời nhà của Tư Lũy vào năm 1990 và từ đó đến nay anh đã di dời thành công hàng trăm công trình lớn nhỏ, như: chùa Liên Hoa, chùa Nam Tông (huyện Bình Chánh, TP. HCM), hàng rào chùa Vĩnh Tràng (thành phố Mỹ Tho), đình Long Hưng (huyện Châu Thành, Tiền Giang)… mà không để xảy ra sai sót. Gần đây nhất, Tư Lũy di dời chùa Vạn Linh (khoảng 1.500 tấn) trên đỉnh Núi Cấm (huyện Tịnh Biên, An Giang) với góc quay 90 độ.

Cũng từ “lò” của Tư Lũy mà ở huyện Chợ Mới hiện có khoảng 30 doanh nghiệp, hộ gia đình chuyên thực hiện việc dời nhà, thu hút hàng trăm thợ tham gia mà người ta gọi là làng “thần đèn” Chợ Mới.

* Ghi chú: Tại Đồng Tháp, cũng có “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy. Ông này hiện là chủ doanh nghiệp Dời nhà, đặt trụ sở tại phường An Lạc, quận Bình Tân, TP. HCM. Nhưng thời gian vào nghề của ông Cẩm Lũy sau Tư Lũy, và chính Tư Lũy xác nhận là Cẩm Lũy đã từng qua học nghề tại Tư Lũy.

Theo Hiếu Thảo – Đăng Phúc ( SGTTO)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *