Bên bờ hạnh phúc

 “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…” – Lời bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” của cố nhạc sĩ Thuận Yến như thay lời muốn nói cho hàng triệu trái tim của bao thế hệ người Việt Nam đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bác đã đi xa, nhưng mãi còn đây hình ảnh một con người vĩ đại mà muôn nhịp đập của trái tim đều dành trọn vì dân, vì nước…

 

 

Bác Hồ với các cháu học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội, năm 1956.

 

1. Lẽ thường, người đời chỉ “yêu những người yêu mình”. Thế nhưng, với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình yêu thương của Người đã vượt qua mọi giới hạn để trở thành một phẩm chất đạo đức cao đẹp. Tình yêu thương của Bác luôn rộng mở, không phân biệt miền xuôi hay miền ngược, già hay trẻ, gái hay trai, hễ là người Việt Nam yêu nước đều có chỗ trong trái tim và tấm lòng nhân ái của Người. Bác cũng dành tình yêu đặc biệt cho những người cùng khổ, những người bị áp bức, bóc lột ở các nước trên thế giới. 


Tình cảm ấy, không đơn thuần là do truyền thống “yêu nước, thương dân” được thừa hưởng từ dân tộc, nó còn là sự lắng đọng sâu sắc của tất cả những gì Người đã chịu đựng và chứng kiến về nỗi đau đẫm máu và nước mắt khi bôn ba tìm đường cứu nước cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc sau này.

Ngày 5-6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết định rời quê hương ra đi tìm đường cứu nước. Với nghề làm phụ bếp trên chiếc tàu biển Latouche-Tréville của Pháp, Người đã trải qua hành trình từ Châu Phi đến Châu Mỹ. Ở nước Mỹ, thời gian đầu, Người thường lui tới khu vực Harlem, nơi ở của người nghèo, chủ yếu là người da đen. Khi trả lời một nhà báo sau này, Bác kể: “Khi ấy tôi chưa hiểu lắm về chính trị, nhưng tôi cảm thấy họ đều là những người nghèo khổ đang mong muốn được tự do. Họ có bao nhiêu tiền cũng bỏ ra trong lúc quyên góp, thế là tôi dốc cả tiền túi của mình ra góp vào đấy”.

“Dốc lòng với người nghèo” – đó là ý nghĩ, là hành động thường trực theo nhịp đập của con tim đầy nhân ái sẻ chia mà những năm sau đó – dù ở Mỹ hay sang Anh, Pháp… Nguyễn Tất Thành đều dành cho những người cùng khổ một cách tự tâm, tự nguyện. Những năm tháng làm thuê ở khách sạn Carlton (Anh), mỗi lần phục vụ bữa tiệc lớn của những người giàu có, thức ăn thừa nhiều, Người không vứt những thức ăn còn có thể dùng được, mà gói lại mang ra đường cho những người nghèo.

Trở về nước, cùng toàn Đảng, toàn dân giành độc lập cho đất nước, xây dựng chính quyền cách mạng, tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng rộng mở hơn với những sẻ chia thiết thực. Ngay những ngày đầu làm Chủ tịch nước, trước nạn đói xảy ra, Bác rất đau xót và đã kêu gọi: “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước cứ mười ngày thì nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn ăn ba bữa, lấy gạo đó mỗi bữa một bơ để cứu giúp dân nghèo”. Và Người đã nêu gương sáng khi thực hiện việc này.

Năm 1946, khi tham dự cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”, Bác đã cởi ngay chiếc áo len đang mặc để gửi cho các chiến sĩ ngoài mặt trận. Sau này, còn rất nhiều việc làm sẻ chia đầy xúc động khác của Bác như: Dành cả tiền lương tháng, tiền nhuận bút, cả quần áo, khăn mặt để tặng cho các chiến sĩ và gia đình thương binh, liệt sĩ. 

Nhịp đập yêu thương của trái tim Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện ở hành động sẻ chia vật chất. Khi biết con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng hy sinh, Bác đã gửi đến ông một bức thư. Trong thư có đoạn: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột”. Đọc xong thư Bác, bác sĩ Vũ Đình Tụng đã vô cùng xúc động vì không dám nghĩ rằng, giữa lúc Bác Hồ bận trăm nghìn việc quốc gia đại sự, ngay cả họ hàng thân thuộc cũng không có thì giờ thăm hỏi, nhưng Bác vẫn nghĩ đến ông – một gia đình bé nhỏ đang có tang đau lòng. 

Dù là “ông Ké”, “già Thu” ở chiến khu xưa, hay làm Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước sau này, Hồ Chí Minh luôn gần gũi nhân dân bằng tình cảm sẻ chia chân thành. Bác tắm cho trẻ, chữa ghẻ, chốc cho các cháu thiếu nhi. Bác dạy các cháu phải luôn vâng lời ông, bà, cha mẹ, cố gắng học hành. Hầu như Tết Trung thu nào Bác cũng gửi quà và viết thư chúc Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên nhi đồng với những tình cảm yêu mến thiết tha.

Hồ Chí Minh là vậy – “nâng niu tất cả chỉ quên mình!”.

2. Với đất nước, trái tim Hồ Chí Minh cũng dâng trọn cho những gì thiêng liêng sâu sắc nhất. Chỉ một thời gian ngắn làm Chủ tịch nước, ngày 21-1-1946, qua báo chí nước ngoài Người đã gửi thông điệp: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. 

Sự tận hiến của trái tim Hồ Chí Minh nhiều lần được Người thể hiện qua bản lĩnh và ý chí cách mạng đến cùng. Bản lĩnh ấy đã được rèn luyện qua những chặng đường cách mạng hết sức khó khăn, gian khổ, được thử thách ở những thời điểm lịch sử gay gắt, có tính bước ngoặt quyết định vận mệnh dân tộc. Vì thế, những lời nói, việc làm của Người tiêu biểu cho giá trị kết tinh của truyền thống yêu nước, khí phách anh hùng, bất khuất của dân tộc. Lời Bác là lời hịch dẫn đường cho đất nước đi tới tương lai. Hồ Chí Minh là tấm gương trong sáng tuyệt trần về tư cách của người cộng sản, về vị trí “người công dân số 1” của đất nước. Đi theo con đường của Người, sự nghiệp cách mạng của đất nước ta đã cập hết bờ bến thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Năm 1945, khi thời cơ cách mạng đã đến, Người chỉ thị: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Với ý chí này, toàn Đảng, toàn dân đã nhất tề đứng lên giành được độc lập và lập ra nhà nước cách mạng.

Tháng 12-1946, trước giờ phút quyết định vận mệnh dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến với tuyên bố đanh thép: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Ý chí này như hồi kèn xung trận, để rồi 9 năm sau đất nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ngày 17-7-1966, giữa lúc đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam và tăng cường không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, Người vẫn thể hiện quyết tâm và khí phách của toàn Đảng và toàn dân ta: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đi theo quyết tâm son sắt này của Người, đất nước đã làm nên một Đại thắng mùa Xuân 1975 vĩ đại, thống nhất non sông.

Với đất nước – Hồ Chí Minh “Trung với nước, hiếu với dân”; “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Bằng sự thực hành đạo đức này, Người đã nêu một tấm gương sáng – “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.

Hồ Chí Minh là vậy – “Người là niềm tin tất thắng!”.

Xuân Đinh Dậu đang ùa về…

Một mùa xuân đầy sức sống mới khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bước sang năm thứ hai đưa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đi vào cuộc sống. Đặc biệt là đẩy mạnh triển khai, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Sau 30 năm đổi mới, đất nước ta hội nhập ngày càng sâu sắc và toàn diện với thế giới. Đón nhận thêm nhiều giá trị của nền kinh tế thị trường, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật của nhân loại, nhiều thời cơ hợp tác làm ăn mới… đã giúp đất nước đạt được những thành tựu vĩ đại chưa từng có. Nhưng quá trình mở cửa cũng buộc chúng ta phải tiếp nhận theo nhiều mặt trái của nền kinh tế thị trường. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Quên mất mình là “đày tớ phục vụ nhân dân” như lời Bác đã dạy, cũng đồng nghĩa rơi vào con đường suy thoái.

Bởi thế, soi mình vào tấm gương của Bác để cảm nhận sâu sắc hơn về tình thương yêu bao la trọn một đời vì dân, vì nước. Từ đó, không chỉ là cảm nhận sâu sắc hơn tầm vóc vĩ đại của Người, mà còn thêm quyết tâm tự giác làm theo tấm gương đó với một tinh thần nỗ lực phấn đấu cao nhất, đóng góp sức lực và trí tuệ vào phát triển đất nước theo mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Hồ Chí Minh là vậy – “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn!”.

Nguồn: Hoàng Long ( Hà Nội mới )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *