Bên bờ hạnh phúc

Hôm qua, báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết Chính phủ đã quyết định sẽ chính thức khởi động ngay trong năm 2011.

Khởi công nhà máy năm 2014

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Dự án điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận được Quốc hội chấp thuận đầu tư tại Nghị quyết 41 ngày 25.11.2009. Sau đó, Chính phủ đã tập trung ban hành 5 văn bản từ các nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Năng lượng nguyên tử; Định hướng quy hoạch ĐHN đến năm 2030; Quyết định thành lập Ban chỉ đạo nhà nước Dự án ĐHN Ninh Thuận và Ký hiệp định hợp tác liên chính phủ với Chính phủ Nga vào ngày 31.10.2010.

Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục đàm phán về hiệp định tín dụng, thành lập Trung tâm Nghiên cứu công nghệ hạt nhân và Nhà máy ĐHN Ninh Thuận. Cho đến nay, Bộ Công Thương đã có phê duyệt địa điểm nhà máy và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã dự thảo điều kiện tham chiếu chọn tư vấn gửi cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để được hướng dẫn, nhất là các điều kiện đảm bảo an toàn.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua các dự án luật chiều 29.3.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, Chính phủ Nhật Bản đã cam kết khoản tín dụng 2 tỷ yên (tương đương 2,5 tỷ USD) viện trợ và EVN đang đàm phán chọn tư vấn Nhật. Về Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1, Chính phủ quyết định sẽ khởi động từ quý 3/2011. Việc phê duyệt hồ sơ địa điểm và báo cáo khả thi được tiến hành vào tháng 7.2013. Năm 2014, sẽ chính thức khởi công và tổ máy số 1 sẽ vận hành vào năm 2020.

Đối với các dự án liên quan, theo Phó Thủ tướng, Chính phủ Nga đã đồng ý cung cấp tín dụng cho Trung tâm Nghiên cứu công nghệ hạt nhân. Riêng đối với Trung tâm Quan hệ công chúng về ĐHN, hiện EVN đang làm việc với Nga, Nhật đề nghị hỗ trợ vốn cho dự án. Về nhân lực cho công nghệ hạt nhân, hiện nay, Chính phủ đã bắt đầu cử sinh viên đi đào tạo ĐHN ở nước ngoài cũng như tổ chức đào tạo ngắn hạn.

Lập kế hoạch ứng phó sự cố

Liên quan đến việc ứng phó sự cố hạt nhân, nhất là sau sự cố tại Nhà máy tại Fukushima (Nhật Bản), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết Chính phủ đã giao EVN lập kế hoạch ứng phó trong nội dung của dự án. Bộ KHCN phối hợp với tỉnh Ninh Thuận nghiên cứu xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia.

Chính phủ cho rằng: Việc lựa chọn địa điểm và công nghệ cần thận trọng, đảm bảo an toàn cao nhất cho nhà máy ĐHN.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu ngắn sau đó đã cho rằng: Chủ trương của Quốc hội xác định chọn công nghệ hiện đại nhất là công nghệ lò nước nhẹ cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 đã được kiểm chứng, và phải đảm bảo tuyệt đối an toàn. Quốc hội cũng yêu cầu phải tính toán ảnh hưởng của các vành đai lửa, đứt gẫy, nguy cơ động đất sóng thần ảnh hưởng đến dự án.

Theo Dân Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *