Bên bờ hạnh phúc

Vũ trụ vẫn là cái gì đó vô cùng lớn lao và bí ẩn. Trong muôn vàn thiên hà, có mấy hành tinh mang sự sống như Trái đất? Đó vẫn là câu hỏi chưa ai giải đáp được và có lẽ muôn đời là bí mật vĩnh hằng với con người. Hành tinh xanh nơi chúng ta sống, cho đến hôm nay, thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XXI vẫn chứa ẩn những điều chưa biết.

Thiên nhiên mang trong nó sức mạnh khổng lồ, nếu như không muốn nói là toàn năng, mà con người – những cây sậy biết suy nghĩ như ai đó đã ví – khó nắm bắt hết và làm chủ được. Thiên nhiên đứng trên cả Chúa, Phật, Thánh Ala vốn cũng chỉ là người được thêu dệt huyền thoại hóa. Quyền lực thiên nhiên là vô hạn, khóc cười của Ngài mới thực sự bạo liệt gớm ghê và cũng thật sòng phẳng. Vui buồn của Ngài phải chăng là ban phát và trừng phạt của Đấng toàn năng đối với con người? Thương – giận của Ngài không nằm ngoài sự an ủi và quở trách của vũ trụ đối với loài người thông minh và ích kỷ, thận trọng và bất cẩn.

Tôi nghĩ : Con người nói chung là tham. Tham sống. Tham lớn. Tham giàu. Tham danh… Tham tham lắm lắm! Bởi thế mới có chiến tranh. Bởi thế mới có hiệu ứng nhà kính. Bởi thế mới bị cạn kiệt tài nguyên. Bởi thế mới bị sa mạc hóa. Bởi thế mới trơ trọc rừng đầu nguồn… Thiên nhiên không bằng lòng với cách ứng xử thô bạo của con người đối với mình, không chấp nhận lòng tham vô độ của những “sinh vật có ý thức” này và Ngài quyết dạy cho nó những bài học đau đớn. Ngài không khuyên chúng ta sống tạm bợ, nhưng Ngài nhắc nhở cho mọi người biết cuộc sống này mong manh lắm. Không có gì vững chãi muôn năm cả. Không có gì không bất biến đổi thay cả. Trong cơn rùng mình của Ngài, mọi số phận đều như nhau. Kẻ giàu người nghèo đều có thể chết kẹt, chết bầm dập, chết ngột ngạt, chết không nguyên vẹn trong những ngôi nhà bị sụp đổ vì những cơn địa chấn hung hãn. Kẻ nghèo người giàu đều bất lực và cùng chết trôi nổi, chết tơi tả, chết tím tái, chết vất vưởng, chết lấm láp trong cơn sóng thần ào ạt băng vào thành phố, làng quê. Cho và phá là bản chất của thiên nhiên thất thường. Xưa đã vậy. Nay cũng thế. Có thể, Ngài chỉ động lòng để hiền hoà khi con người biết tử tế với thiên nhiên và với đồng loại. Trái ngược điều đó là “đổ lửa vào dầu”, càng làm cho sự thịnh nộ của Ngài lớn hơn, thường xuyên hơn.

Tôi linh cảm thiên nhiên đang cau có. Hơn thế nữa, hình như Ngài đang giận dữ. Cau có và giận dữ vì con người ngạo mạn đang coi thường mình. Con người đang ngoạm vào thiên nhiên bằng những móng vuốt và hàm răng nhọn sắc, với sự câu thúc ngu muội của chiếc dạ dày thủng đáy. Ngài cảnh báo bằng thiên họa. “Hỡi con người, không biết chừng mực sẽ bị tận diệt. Ngày tận thế không chỉ có trong véo von Kinh Thánh, mà sẽ là sự thật hiển nhiên nay mai đó!”. Cơn giận có cơ bùng nổ dữ dội nếu ta – con người – không biết tử tế để Ngài phải động lòng. Nên nhớ, sức mạnh vô địch không thuộc về ta; đưa tối hậu thư cho loài người chính là thiên nhiên – Ngài đó. Phải biết sống hài hòa với thiên nhiên, thân thiện đến bao nhiêu cũng không thừa, chừng mực mới là sự lựa chọn tỉnh táo của hôm nay và mai sau. Quy luật của tồn tại là phải biết dung hòa, chung sống chứ không phải đối đầu, tranh chấp.

Núi lửa, động đất không phải chuyện mới, chuyện lạ. Nhưng sức tàn phá khủng khiếp của nó thì bao giờ cũng bất ngờ và sau đó thường đính kèm theo những dư chấn phụ. Những rung lắc này tác động vào lòng người, dù có ở nơi bị tai họa hay không. Người ta “biết sợ” hơn để bớt ngạo nghễ, ngang tàng, phá phách. Người ta cảm nhận sự bất an, bất ổn và rất mong manh của kiếp người để thức tỉnh, bừng khởi làm cuộc tu tâm đích thực. Cuộc sống bớt dần những mưu mô thâm hiểm, những đảo lừa lường gạt, những giành tranh cấu xé, những bớt xén vô lương. Nói cụ thể hơn, ít nhất thì người ta cũng phải chần chừ suy tính khi định ăn bớt vật tư, vật liệu khi xây dựng những nhà cao tầng. Những người lãnh đạo đất nước biết lo cho dân cho nước xa hơn, dài hơn. Và không thể không nói đến chiến lược trang bị kiến thức kỹ năng sống cho mọi người từ khi còn tấm bé. Ví dụ : Khi xảy ra động đất, ta phải xử trí thế nào? Với người Việt mình thì đó còn là những bài học vỡ lòng nhưng chưa được phổ cập toàn dân.

Lâu nay, chúng ta thích nói những điều cao cả lớn lao mà quên thấp giọng dặn dò những điều bé nhỏ vụn vặt nhưng rất cần thiết với đời sống. Một lời khuyên đôi khi cứu sống một mạng người, vô số mạng người. Khi nghe tin động đất ở Nhật, ở Myanma và sau dư chấn vừa rồi ở Hà Nội, Sơn La, Thanh Hóa, người ta mới rầm rĩ bàn về động đất, mới đề cập đến các cách phòng chống. Bấy lâu nay, ta bỏ lơ hay cái thói dân Việt mình nước đến chân mới nhảy. Thế mới hốt hoảng chen chúc. May mới chỉ là rung lắc, rung rinh, may chưa xảy ra sụp đổ. Nếu không thì chắc tai họa không lường hết. Chậm còn hơn không. Cần phải đưa bài học về phòng chống động đất vào trường học và vào cuộc sống. Những bài học về xử trí tình huống tại chỗ và những bài học về tình người lâu dài. Chống thói vô cảm đang phổ biến đại trà. Những động lòng trước mất mát đau thương đồng loại là dấu hiệu của sự phục sinh nhân phẩm đã bị mất đi rất nhiều. Bài học về ứng xử với thiên nhiên. Thân thiện thay thế phá phách. Hài hòa thay thế bức tử.

Những bài học sau dư chấn Hà Nội, như thế, nên chăng?

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý  – Theo VNQĐ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *