Bên bờ hạnh phúc

Xứ dừa Bến Tre không phải chỉ có nghề trồng dừa hay làm kẹo dừa nổi tiếng cả nước mà nơi đây còn có làng nghề làm lu xi măng chứa nước cũng khá nổi tiếng ở xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú, bởi nhiều sản phẩm của làng nghề này được người dân vùng ven biển Tây Nam bộ và miền Đông Nam bộ ưa chuộng.

Anh Nguyễn Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lợi, huyện Thạnh Phú ví rằng, nơi vạc đất ven sông Cổ Chiên và tiếp biển này, mùa khô trồng mía, mưa tới là mùa bắp, lúa. Mưa có nước ngọt dùng cho tưới tiêu, nhưng giông bão lại hoành hành. Nhưng khi vào mùa khô, thời tiết ban ngày rất nóng, mọi thứ sinh hoạt, ăn uống, tắm gội…. đều lấy từ nước giếng.

Trước đây, khi mùa nắng, hạn, mặn xâm nhập sâu vào đất liền thì tại Hòa Lợi, một số người dân đào giếng, lấy nước ngọt bán cho các xe bồn và mang đi cung cấp cho những hộ dân có nhu cầu. Nhưng những năm gần đây, trên địa bàn xã, nguồn nước giếng cũng bị nhiễm mặn.

Làng nghề làm lu chứa nước xi măng ở xã Hòa Lợi

Sống ở vùng ven sông, tiếp biển nên phần đông người dân xã Hòa Lợi đã có cách trữ nước mưa để sử dụng. Ở xã này, hầu như nhà nào bà con cũng đúc, đổ các lu, ống chứa nước mưa để dự trữ. Vào mùa nắng, nguồn nước dự trữ này sẽ được dùng để nấu ăn, làm nước uống cho đến mùa mưa năm sau. Đây cũng là lí do để hình thành và phát triển làng nghề truyền thống – làng lu Hòa Lợi.

Giờ đây, ngoài nguồn thu nhập từ kinh tế nông nghiệp, Hòa Lợi còn có một nghề truyền thống khác, đó là nghề làm lu chứa nước. Tuy không phải thuận lợi hoàn toàn nhưng nghề làm lu này cũng góp một phần rất lớn vào kinh tế và đời sống của người dân quê biển vốn nghèo khó, lam lũ. Làng lu hình thành trên 48 năm, qua biết bao thăng trầm, giờ đã sôi động. Dường như mỗi nhà, mỗi người dân đều tham gia và làng nghề cũng không ngừng sáng tạo để duy trì, phát triển bền vững.

Kể về việc “ăn nên, làm ra” từ đúc lu, ai ai trong xã Hòa Lợi cũng phải khâm phục cho sự chịu khó, năng động của gia đình ông Hai Đây (tên đầy đủ là Đỗ Văn Đây). Năm nay ông 75 tuổi và là một trong những người “cố cựu” trong việc phát triển nghề làm lu chứa nước ở địa phương. Hiện, gia đình ông có 9/10 người làm lu. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông xuất bán khoảng 10.000 lu, thu lãi khoảng 60 triệu đồng.

Từ kinh nghiệm đúc kết được qua nhiều năm, cứ đến tháng Giêng, tháng Hai – mùa chính vụ lu, ông lại đầu tư 300 – 400 triệu đồng để mua xi măng, cát về dự trữ. Không chỉ sản xuất loại lu 180 lít, 200 lít, gia đình ông còn sản xuất thêm ống xi măng chứa nước, mỗi ống chứa 100 đôi nước, tương ứng 4.000 lít. Về sau, ông còn làm thêm các mặt hàng khác như: bàn xi măng tròn, dài; ghế đôn; bếp đun củi, trấu v.v… Nhờ chịu khó và nắm bắt được nhu cầu của thị trường, cải tiến mẫu mã…cơ sở của ông ngày càng phát triển.

Ở Hòa Lợi, nhiều hộ dân, ban ngày đi ra đồng làm nông nghiệp, tối về tranh thủ làm lu. Cũng có hộ vừa làm lu, vừa mua sắm ghe có trọng tải lớn, chuyên chở lu đi bán khắp nơi.

Trải qua nhiều thế hệ, những người thợ làng lu Hoà Lợi đã sáng tạo ra những công cụ phục vụ cho nghề như: cỡ lu (hình chữ C, có hai điểm cố định, khi xoay một vòng sẽ làm cho lu cân đối), cỡ miệng, bay làm láng da lu… Nhờ vậy mà sản phẩm của làng lu Hòa Lợi "trăm chiếc như một".

Năm 2010, ấp Quý An Hoà, xã Hòa Lợi có 175 hộ làm lu. Hàng năm, làng nghề sản xuất từ 400 – 480.000 chiếc. Tổng doanh thu hàng năm đạt khoảng 10 tỷ đồng, lợi nhuận 5 tỷ đồng. Những con số trên đã cho thấy rằng, nghề làm lu đã mang lại cho người dân nơi đây cuộc sống khá sung túc.

Tuy nhiên, làng nghề Hoà Lợi phát triển chưa ổn định do chưa tạo được nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định; đa số các hộ đều thiếu vốn đầu tư để cải tiến sản xuất; quy trình sản xuất thủ công nên chất lượng sản phẩm chưa cao, năng suất thấp; việc buôn bán còn tự phát, nhỏ lẻ, nên thị trường và giá cả không ổn định.

Để làng nghề phát triển mạnh, địa phương cần tập trung kêu gọi đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, các hộ sản xuất cần mạnh dạn cải tiến quy trình sản xuất, có kế hoạch đổi mới sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để cạnh tranh. Vấn đề cần quan tâm đặc biệt hiện nay là phải xây dựng một thương hiệu cho làng nghề, tạo điều kiện đưa sản phẩm làng nghề ngày một vươn xa.

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *