Bên bờ hạnh phúc

 

Vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ là vẻ đẹp thiêng liêng và bí hiểm. Một vẻ đẹp mà từ đó không biết bao nhiêu những cảm hứng thi ca, hội họa, cảm hứng sống  đã được hình thành và tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử con người  

Tôi từ lâu đã nghĩ, vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ là vẻ đẹp thiêng liêng và bí hiểm. Một vẻ đẹp mà từ đó không biết bao nhiêu những cảm hứng thi ca, hội họa, cảm hứng sống  đã được hình thành và tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử con người.

Thế rồi bỗng một ngày có ai đó mang cái bí hiểm đó ra bày biện giữa nắng trời, xoay ngang xoay ngược, đảo lên đảo xuống thì còn gì là linh thiêng nữa. Nó sẽ trở nên trần trụi, buông tuồng, suồng sã, nó sẽ phá vỡ cái cảm hứng tò mò thẩm mỹ mang giới tính muôn đời của con người và khi đó, chao ôi, khoảnh khắc ấy sao bỗng cảm thấy cuộc đời, con người nó trồi lên cạn cợt dường này.
 
Vâng! Người nghệ sĩ có thể vận dụng cái vẻ đẹp thánh thần tuyệt mỹ đó để muốn nói, muốn gửi một thông điêp gì cho mai hậu, cho hôm nay, kể cả thông điệp bảo vệ môi trường nhưng giữa cảnh sắc môi trường và thân thể cô gái không một mảnh lá che thân sao có cái gì cứ chống đối, cập kênh, đối chọi như chẳng ăn nhập gì vào nhau cả.
 
Vâng! Non sông, cảnh sắc nước ta cẩm tú thật, một vùng sơn cước Mộc Châu lại càng phiêu bồng nhưng người dễ tính nhất, đa tình nhất khi xem những bức ảnh cô  gái trần trụi oằn oại, vặn vẹo trên cái nền xanh mướt mát đó lại chả thấy gợi lên một chút bảo vệ môi trường nào. Ai lại bảo vệ kiểu đó, thiếu gì hình ảnh, biểu tượng có thể đánh thức cảm hứng bảo vệ, cứ gì cứ phải nồng nàn, soi sói màu da thịt đó.
 
Chính thế mà người và cảnh phá nhau. Cảnh bị chìm đi, người thì trồi lên nhưng nhức, để rồi sau đó là những cái chau mày khó chịu.
 
Phá cách ư? Một kiểu thời trang ư? Người thực hiện biện luận như thế nhưng người xem lại không cho là như thế, có cái gì như đi trái với các định đề về bản chất cái đẹp, về những suy nghĩ lành sạch tinh khiết vốn đã ấp ủ trong mỗi cảm nhận con người. Có cái gì như chạm đến một chút lòng tự trọng của nữ giới và tóm lại là gây một sự phản cảm không thanh minh được.
 
Cái lỗi này tại nguyên mẫu một phần nhưng lỗi tại người cầm máy ảnh lại nhiều hơn. Bởi con người có muôn nẻo cách tiếp cận đời sống nhưng tiếp cận méo mó, buông tuồng, tự nhiên chủ nghĩa thì đó lại không phải là một cách ứng xử mang tính tôn trọng con người, tôn trọng đạo lý, nếp sống Việt Nam có tự ngàn xưa.
 
Giống như trong văn chương, anh có thể mặc sức đi vào sân chơi dục tính, nhưng đi như thế nào để nâng con người lên chứ không phải dìm con người xuống.
 
Nhà văn Chu Lai (Người Lao động)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *