Bên bờ hạnh phúc

Thế giới tủ gỗ gia dụng sashi-mono rất đa dạng, từ tủ nhỏ đến tủ lớn, dùng cho những chuyến hải hành hay phòng tránh hỏa hoạn. Tất cả đều được chăm chút tỉ mỉ từ hình thức bề ngoài đến tiện ích bên trong.

Tại Tokyo, Nhật Bản, từ thời Edo, giới võ sĩ và thương gia giàu có rất thích dùng đồ nội thất bằng gỗ làm từ kỹ thuật Edo sashi-mono – một kỹ thuật đóng đồ gỗ hoàn toàn không dùng đến đinh.

Sashi-mono là một kỹ thuật đóng đồ gỗ hoàn toàn không dùng đến đinh

 

Qui tắc hình học có tính hiệu quả rất cao trong kỹ thuật đồ mộc Edo sashi-mono, nó giúp các chỗ nối vừa khít và cứng cáp.

Một món đồ chỉ dựa trên sự gắn kết giữa gỗ với gỗ không phải là điều mà bất kỳ người thợ mộc nào cũng làm được. Đó là kết quả của một quá trình tìm tòi, sáng tạo và không ngừng phát triển. Kỹ thuật chế tạo đồ gỗ edo sashi-mono không chỉ là sự gắn kết giữa những phiến gỗ mà ở đó, người thợ thủ công còn chú trọng đến yếu tố kích thích thị giác.

Khu chánh điện của chùa Todaiji ở tỉnh Nara được đánh giá là một trong những kiến trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới. Công trình Phật giáo này được xây dựng dựa trên kỹ thuật dùng gỗ gắn kết với gỗ, hoàn toàn không có sự hiện diện của đinh. Giới nghiên cứu cho rằng, đây là kỹ thuật được du nhập từ Trung Hoa đại lục vào Nhật Bản khoảng thế kỉ thứ VI. Sau đó, thợ thủ công bản địa tiếp tục phát triển và ứng dụng nó vào nhiều lĩnh vực khác. Các phương pháp chế tác đồ gỗ gia dụng, hay còn gọi là sashi-mono, cũng bắt nguồn từ kỹ thuật này.

Chùa Todaiji được đánh giá là một trong những kiến trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới

 

Cách nay khoảng 500 năm, Nhật Bản bắt đầu phát triển kỹ thuật xẻ gỗ thành những tấm ván mỏng. Đó cũng là giai đoạn thịnh vượng của nghề chế tạo đồ gỗ.

Vào thời Edo, khoảng thế kỉ XVI, kinh tế phát triển mạnh mẽ, tầng lớp trung lưu chiếm số lượng lớn trong xã hội. Họ có nhiều tài sản quí giá tích trữ, nhu cầu về vật đựng bằng gỗ tăng trưởng mạnh.

Lúc bấy giờ, kỹ thuật làm đồ gỗ sashi-mono đã trở nên thịnh hành. Nhà ở của người Nhật thời Edo chủ yếu được xây dựng bằng vật liệu dễ bắt lửa như gỗ và giấy. Đó cũng là nguyên nhân phát sinh hàng loạt đám cháy lớn ngay trong các khu dân cư ở kinh thành. Để ngăn ngừa những tổn thất tài sản trong hỏa hoạn, các thợ mộc đã tạo ra loại tủ gỗ sashi-mono di động. Bên dưới chân tủ là hệ thống bánh xe đẩy, khi xảy ra cháy, người ta chỉ việc đẩy chiếc tủ đi, tài sản của họ vì thế vẫn đảm bảo an toàn.

Tủ gỗ sashi-mono tiếp tục được cải tiến để phù hợp với việc vận chuyển trên biển trong giai đoạn Nhật Bản giao thương mạnh mẽ với bên ngoài. Không chỉ phục vụ cho giới thương nhân, dạng tủ gỗ này cũng đáp ứng nhu cầu đi lại giữa các đảo của giai cấp võ sĩ.

Loại tủ thích hợp với những chuyến hải hành được gọi là Funa-dansu

 

Loại tủ thích hợp với những chuyến hải hành được gọi là Funa-dansu, tức tủ trên tàu. Vì không gian trên tàu khiêm tốn nên tủ funa-dansu có kích thước khá gọn. Ngoài ra, việc di chuyển trên biển thường xuyên phải đối mặt với sóng to, gió lớn nên cấu trúc bên trong của tủ funa-dansu được thiết kế rất công phu, tạo độ vững chắc. Tủ sẽ không dễ vỡ làm thất lạc đồ đạc. Cách thiết kế nhiều lớp của Funa-dansu có tác dụng bảo vệ đồ vật trong hộp không rơi ra khi có lực tác động mạnh và có chức năng như một dạng ổ khóa ngăn ngừa kẻ gian.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *