IV. ĐỜI SỐNG TINH THẦN

1/ Tôn giáo

Người Khmer nói chung theo đạo Phật Tiểu thừa và Phật giáo có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của họ. Sự chi phối của Phật giáo trong đời sống của người Khmer nói chung cũng như người Khmer ở Vĩnh Long nói riêng thể hiện trên nhiều phương diện, không phải chỉ trên việc thực hiện đức tin (việc tu hành, hành lễ, thực hành các nghi thức tôn giáo… ), mà cả trên các phương diện giáo dục, văn học, nghệ thuật… Mọi người Khmer sống trong phum sóc đều là Phật tử và cuộc sống của họ hết sức gắn bó với nhà chùa. Không phải chỉ có nam giới, mà cả nữ giới cũng vào chùa để tu dưới hình thức thọ trai giới và “tu thiếp”. Ngoài các lễ tôn giáo, ngôi chùa cũng là nơi tổ chức các hội lễ cộng đồng của phum sóc và các tu sĩ cũng được mời đến để đọc kinh, cầu nguyện trong các lễ cúng tại gia đình…

Chùa Khmer ở Sóc Trăng  ở Sóc Trăngoooo

Ngôi chùa Khmer thật sự là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của phum sóc và vì vậy, khi một ngôi chùa được xây dựng lên, nó là công sức và là niềm tự hào của người Khmer trong phum sóc. Vị trí để xây dựng chùa là nơi tốt nhất theo quan niệm phong thủy của người Khmer và thường là trung tâm của phum sóc. Mọi người Khmer xem việc đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ, của cải để xây dựng, trùng tu chùa là việc làm hết sức ý nghĩa và hệ trọng cho cuộc sống hiện tại cũng như trong tương lai của họ. Tất cả các ngôi chùa Khmer nói chung ở ĐBSCL cũng như 13 ngôi chùa ở Vĩnh Long (huyện Vũng Liêm : một chùa, huyện Bình Minh : 4 chùa, huyện Trà Ôn : 6 chùa, huyện Tam Bình : 2 chùa) đều là những công trình kiến trúc độc đáo. Trong nó còn có cả những công trình nghệ thuật khác như điêu khắc, hội họa… Chính nơi đây bảo lưu và truyền dạy, cũng đồng thời là “sân khấu” của các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của người Khmer như âm nhạc, múa, kể cả “tuồng dù kê”… Có thể nói, ngôi chùa Khmer là nơi tập trung nhất những nét đặc trưng về phong cách dân tộc của người Khmer trong mọi loại hình nghệ thuật và văn hóa.

Một ngôi chùa Khmer ngoài phần quan trọng nhất là chánh điện còn có các công trình phụ khác gồm sala (nhà để các sư sãi ở, nhà hội), tháp đựng cốt, lò hỏa táng, các lớp học, cổng chùa… Chánh điện được xây trên một nền cao hơn hẳn so với các công trình khác trong khuôn viên chùa và có kết cấu, kiểu dáng đặc biệt. Bên trong chánh điện có bệ thờ lớn, có nhiều bậc đều để thờ Đức Phật (với nhiều tượng Phật) và để sư sãi cũng như tín đồ đến làm lễ. Chánh điện của ngôi chùa Khmer nói chung không quá bề thế, song nó nổi bật lên bởi sự tập trung cao độ về nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật tạo hình độc đáo của người Khmer. Chánh điện được xây dựng ở vị trí trung tâm của khuôn viên chùa, tách ra với các công trình khác bởi một khoảng sân rộng chung quanh và quay mặt về hướng Đông.

Trong 13 ngôi chùa của người Khmer ở Vĩnh Long, mỗi ngôi chùa đều có tên Pali, mang một ý nghĩa và triết lý Phật giáo, đồng thời có một tên “thuần Khmer” liên quan đến phum sóc hay địa danh hay một đặc điểm nào đó của nơi chùa tọa lạc. Phần lớn các ngôi chùa Khmer ở Vĩnh Long đều đã được xây dựng khá lâu và có một lịch sử với nhiều đời trụ trì. Trong số những ngôi chùa của người Khmer trong tỉnh có chùa Mankol Borei (còn gọi là chùa Tronon Sêq – tên chùa có nghĩa là chùa có con vẹt đậu, tọa lạc tại ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) là ngôi chùa lâu đời, được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa. Chánh điện ngôi chùa này được nhân dân trong xã đóng góp để trùng tu vào năm 1997.

Lòng mộ đạo và sự gắn bó của mỗi người Khmer và cộng đồng phum sóc mà trước nhất là với ngôi chùa khiến cho ngôi chùa trở thành niềm tự hào của một phum hay các phum có ngôi chùa đó. Chính vì vậy mà mọi người, mọi gia đình người Khmer luôn luôn sẵn sàng đóng góp công sức, tiền bạc để xây dựng hay trùng tu chùa. Hơn thế, nếu một ngôi chùa cần sửa chữa, xây dựng thì các nơi khác cũng sẵn sàng đóng góp và đến tham dự lễ “khánh thành” chùa, nhất là trong lễ đặt sima. Trong tháng 3/1998, chùa Tiêpmankol Uđom Antưp (ấp Gia Kiết, xã Tân Mỹ) làm lễ đặt đá sima ở chánh điện. Lễ tổ chức từ ngày 8/3 đến 10/3 năm 1998, có rất đông sư sãi, đồng bào Khmer từ khắp nơi trong tỉnh và từ nhiều tỉnh khác đã đến dự.

Một ngôi chùa khác cũng được xem là lâu đời ở Vĩnh Long là chùa Kompong Rolin. Ngôi chùa này có tên theo tiếng Pali là Sankhak Mankal hay Sanghamagala (Hạnh phúc tăng) và tên chùa theo tiếng Khmer là Wêt Kompong Rolin ở phum Kandal, ấp Trung Trạch, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm. Theo truyền thống của người Khmer thì ngôi chùa là trung tâm sinh hoạt của phum và sóc, ở Vũng Liêm là của sóc, nên các phum gần chùa đều có tên theo sự định vị của phum đối với chùa như phum Tabôn, nghĩa là ở phía Nam của chùa; phum Chơn, có nghĩa là phía Bắc của chùa (và phum Kandal có nghĩa là phum ở giữa của hai phum trên)… Chùa Kompong Rolin đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu gần đây nhất là năm 1991, người Khmer ở Vũng Liêm đã đóng góp tiền bạc cũng như công sức để xây lại vách của nhà chánh điện. Theo những ghi chép của các vị trụ trì chùa Kompong Rolin thì từ năm 1893 đến nay, chùa đã trải qua 10 đời trụ trì, trong đó có vị sư trụ trì lâu đời nhất và là người có công rất lớn đối với ngôi chùa này là Hòa thượng Kim Chim, làm trụ trì chùa này từ 1938 – 1969 thì trở về tu tại chùa Ao Vuông (Wêt Angkor Retborei), nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Chính ông đã có công xây dựng lại chánh điện và xây nhà sala trong thời gian trụ trì chùa. Trong 10 vị trụ trì trong thời gian vừa nêu thì chỉ có 5 trụ trì là người gốc tại Vũng Liêm, trong đó có một vị là người Việt (1) (trụ trì từ 1969 – 1975) và trong 5 vị này có 4 vị đã hoàn tục (hoàn tục là việc bình thường và phổ biến trong việc thực hành niềm tin theo Phật giáo Tiểu thừa của người Khmer). Vào tháng 6/1999, chùa Kompong Rolin có 9 vị sư sãi đang tu học, trong đó có 2 vị là người của phum Soaikha, 5 vị của phum Tabôn và 2 vị của phum Chơn. Sư trụ trì chùa là Đại đức Sơn Ngọc Huynh.  

TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

———————————

(1) Vị trụ trì là Đại đức Nguyễn Văn Trai, làm trụ trì chùa Sankhak Mankal từ 1969 – 1975. Mặc dù là người Việt nhưng ông là con nuôi của một gia đình người Khmer và đã đưa vào tu học trong chùa của người Khmer.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *