Bên bờ hạnh phúc

Sinh năm 1979, anh Lê Thanh Tùng (tổ 3, ấp Bến Đò 2, xã Tân Phú Trung, H.Củ Chi) là một chủ trại dế nổi tiếng ở TP.HCM, là nông dân trẻ duy nhất được nhận bằng khen của UBND và Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn TP.HCM, nhờ nghề nuôi dế.

Đưa chúng tôi đi một vòng trại dế, anh Tùng cho biết, trong 800.000 con dế đang nuôi (dế cơm, dế ta và dế sữa), có khoảng 500.000 con đang đẻ, ấp trứng, nở ra tối thiểu từ 200.000 – 300.000 con/tháng, giá bán từ 250.000đ – 350.000đ/kg (từ 250 con/kg đến 600 con/kg). Tính ra, thu nhập từ trại dế của anh bình quân từ 1 – 1,5 tỷ/ năm.

Sinh ra trong một gia đình nông dân, từ nhỏ Tùng ước mơ trở thành một kỹ sư nông nghiệp, nhưng vì nhà quá nghèo anh phải nghỉ học sớm, làm đủ công việc từ chăn vịt, trồng rau đến thợ hồ nhưng cuộc sống luôn bấp bênh. Một hôm xem trên TV, thấy ở nước ngoài người ta nuôi dế chế biến làm món ăn, Tùng chợt nghĩ “dế ở Việt Nam có đầy, sao mình không thử nuôi, biết đâu sẽ thoát nghèo từ dế”.

Năm 2000, anh Tùng bắt dế ngoài đồng về nuôi thử nghiệm. Do chưa có kinh nghiệm, anh nuôi dế dưới nhà bếp, khói bốc lên, không khí thiếu oxy khiến dế chết hết. Đợt sau, anh nuôi trong những xô nhựa, cắt cỏ, rau trộn cám cho dế ăn, nhưng trong rau cỏ có thuốc trừ sâu, dế lại ngộ độc chết. Bao nhiêu vốn tích lũy từ nghề thợ hồ để nuôi dế mất trắng. “Nhiều lúc tôi đã muốn buông xuôi, nhưng nghĩ đến cái nghèo cứ đeo bám, tôi lại mượn vốn của ba má để tiếp tục thử nghiệm” – anh tâm sự. 

 

 

Anh Tùng đã thoát nghèo nhờ nuôi… côn trùng

Sau bốn năm nuôi thử nghiệm, anh Tùng đã nắm được tập tính ăn và sinh sản của dế. Mượn thêm vốn, anh tìm ra miền Trung mua về 3.000 con giống, chỉ sau một tháng nuôi, dế sinh sản được gần 30.000 con. Anh Tùng cho biết: “Thức ăn là rau xanh, trộn thêm cám, bột cho dế bóng mượt. Dế có thể ăn lá đu đủ, rau muống, cùi dưa hấu, côn trùng… Nhờ thức ăn tự nhiên nên thịt dế rất mềm, ngọt, nhiều chất đạm. Dế có sức đề kháng tốt, ít bệnh, trứng đẻ đều nở đủ (200 – 400 trứng/con). Dế mẹ đẻ lần đầu là chết, chín ngày sau trứng nở, sau 50 – 55 ngày tuổi, dế con trưởng thành bắt đầu sinh sản”.

Muốn nuôi dế, theo anh Tùng, phải có đam mê mới có thể tỉ mỉ chăm sóc, tích lũy dần kinh nghiệm. Tuy phương pháp nuôi dế luôn được rải đều trong sách, trên mạng, nhưng đó chỉ là những kiến thức cơ bản, rập khuôn. Trại của anh rất sạch sẽ, dế được nuôi trong 3.000 xô nhựa đủ kích cỡ. Trong mỗi xô anh có cái rế, xơ dừa, rơm hoặc giấy cho dế trú ẩn khi lột xác và gặm nhấm. Tùy theo mỗi xô mà phân bố số lượng con và nhốt từng loại dế ươm, dế trưởng thành, kèm theo lý lịch để theo dõi ngày tuổi, thời điểm sinh sản… Từ tay trắng, anh Tùng đã tích lũy dần thành trại nuôi rộng 800m2 với vốn đầu tư 700 triệu đồng.

Thành công từ việc nuôi dế, anh Tùng nuôi thêm bò cạp, rết và cũng thành công. Anh còn mở thêm quán ăn, chế biến các loại rượu ngâm côn trùng do chính trang trại nuôi. Món ăn và rượu dù giá có cao nhưng lượng khách luôn ổn định. Trại dế Thanh Tùng vừa cung cấp con giống, vừa là nơi để bà con đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.

Ông Trần Văn Lập – Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phú Trung cho biết: “Trại nuôi dế của anh Tùng phát triển ngành nuôi mới và lạ ở xã, nhưng có nhiều triển vọng, không phải lo đầu ra. Hiện ở xã, ngoài anh Tùng còn có bốn hộ khác cũng đang phát triển nuôi dế, tuy quy mô nuôi chưa lớn lắm”.

Theo Hoa Lài (phunuonline)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *