Bên bờ hạnh phúc
Nghệ sĩ Ái Như. Ảnh: Internet

 Nghệ sĩ Ái Như đã viết 20 kịch bản và đạo diễn 35 vở kịch, diễn gần 100 vai. Đặc điểm chung của những kịch bản chị viết, dựng và diễn đều xoáy sâu vào nghị lực vươn lên của người phụ nữ. Chị nói rằng đỉnh cao nhất mà chị cần phải chinh phục chính là mái ấm gia đình của mình. Sẽ được gì nếu chị quên mất nghĩa vụ và bổn phận của người vợ, người mẹ.

Nhìn dáng vẻ ngoài đời ít ai nghĩ rằng chị lại viết về những số phận phụ nữ gai góc và khốc liệt như Hạnh (Hãy khóc đi em), Bích Hồng (chùm kịch bản 3 tập: Thử yêu lần nữa, Màu của tình yêu và Cảm ơn mình đã yêu em)… trên sân khấu?

– Thực ra rất ít nhân vật trong kịch của tôi là cuộc đời thật của tôi. Nếu những nhân vật đó là đời thật của tôi thì tôi có nước chết mất, bởi vai nào cũng đầy nghiệt ngã và bất hạnh. Tôi đã tạo ra những số phận đó từ những câu chuyện lượm lặt trong sách báo và cảm nhận những gì xảy ra trong cuộc sống quanh mình. Tôi đặt tâm trạng mình vào nhân vật, đặt trái tim mình trong mỗi cuộc đời, cứa vào tâm can mình để có được cảm giác nhói đau và lẩy lên mạch kịch. Sân khấu luôn đòi hỏi tác giả kịch bản phải làm được công việc đó.  

 
Nghệ sĩ Ái Như -vai nhà ngoại cảm trong vở Ngôi nhà thiếu đàn bà. Ảnh: Thanh Hiệp – C.T.V

  

Có bao giờ chị mệt mỏi, bất lực trước một tình huống kịch không tìm ra cách giải quyết?

– Thường xuyên. Khi đó, tôi thật sự bế tắc vì nếu cứ giải quyết theo chủ quan của người viết thì tình huống đó sẽ giả, nhất là viết về phụ nữ. Nữ tính thôi chưa đủ, nhân vật của tôi phải mẫn cảm và giàu nghị lực nữa. Khi viết về hai số phận phụ nữ thuộc hai thế hệ, trong kịch bản Nửa đời ngơ ngác, dựa theo tác phẩm văn học của Nguyễn Ngọc Tư, tôi đặt mình vào suy tính của bà Hai (vai người mẹ mà tôi đóng) và vai Út Lý (vai của Hồng Ánh), để qua đó xóa đi nẻo về mịt mù của xung đột.

Bên cạnh tôi luôn có một cô con gái, 28 tuổi, đã tốt nghiệp thạc sĩ tâm lý học, lúc nào cũng có những góp ý, nhận xét rất chân thành về kịch bản của mẹ, nhất là những vấn đề liên quan đến chuyên môn.

Viết về nhân vật phụ nữ, tôi luôn lấy việc đề cao nghị lực vượt qua ngang trái của họ để giải quyết các tình huống bế tắc cho mình.

Chính nghị lực của người phụ nữ trong kịch bản của tôi giúp họ vượt qua số phận, chứ không phải nhờ vào bàn tay cứu rỗi nào. Tôi muốn bằng thái độ sống đúng đắn, nhân vật của tôi tìm thấy cho mình lối thoát để đi tới. Bích Trầm trong vở Trần gian phải có tình yêu (viết chung với Mỹ Dung) hoặc Hạnh trong Hãy khóc đi em chính là những số phận biết giải mã bi kịch của đời mình.

Viết, dựng và diễn, công việc nào thể hiện nữ tính nhất của Ái Như?

– Bổ sung cho nhau. Nhưng khi diễn, tôi nữ tính hơn, dù vai kịch đó tinh nghịch, đầy mạnh mẽ. Còn trong dàn dựng, tôi thuộc loại “lì đòn”, tranh luận về tính cách nhân vật và xung đột kịch đến cùng. Những vở tôi dàn dựng: Hợp đồng hôn nhân, Trần gian phải có tình yêu, Ảo ảnh tình, Mùa đông cuối cùng… mang dấu ấn rất nữ tính. Vì phụ nữ chúng tôi được xem là bông hoa đẹp, mỗi người có một nét riêng nên tôi muốn khán giả phải luôn trầm trồ khen ngợi những đóa hoa mà chúng tôi tạo ra và chăm chút mỗi ngày.

Có người hỏi tôi trong ba công việc đó, tôi thích nhất công việc nào, tôi trả lời là mình không có khái niệm phân biệt. Mỗi công việc là một cánh cửa mở ra cho tôi nhiều điều bổ ích. Tôi viết để được trải nghiệm công việc dàn dựng, tôi dàn dựng để đo đếm lại những điều mình nghĩ trong cuộc sống và tôi diễn là thăng hoa những cảm xúc trên bản thảo mà tôi thích.  

Vai bà Hai – vở Nửa đời ngơ ngác

  

Ông xã chị có là một bổ sung cho ba công việc mà chị đang làm?

– Anh ấy không bao giờ đọc kịch bản tôi viết. Có lúc tôi hỏi, anh ấy cười và bảo anh chỉ thích xem em diễn và vở em dựng. Trên thực tế có nhiều vở anh ấy xem nhiều lần, có vai diễn của tôi, anh ấy chê chừng mực, đủ để tôi biết là phải sửa lại cách diễn. Bằng nhận xét của một khán giả chuyên nghiệp, anh ấy luôn phân tích đúng sai, chưa đạt để tôi hoàn thiện vai kịch. Anh ấy không quan tâm đến khâu nguyên vật liệu mà quan tâm đến thành phẩm trước khi xuất xưởng. Anh ấy là khán giả khó tính của tôi.

Vai Uyên- vở Người điên trong ngôi nhà cổ

 

 Một năm qua, “đôi cánh chuồn chuồn” (thương hiệu của sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh) đã bay cao với thành quả sáng đèn 10 vở diễn và giải thưởng Cù nèo vàng 2010 dành cho chị cùng NSƯT Thành Hội, liệu có là áp lực đối với chị?

– Tôi theo nghề hơn 30 năm rồi nhưng mới chỉ nhận được hai giải thưởng, đó là Mai Vàng 2006 dành cho hạng mục đạo diễn, với vở Hãy khóc đi em (Sân khấu IDECAF) và giải Cù nèo vàng 2010 (vai nhà ngoại cảm trong vở Ngôi nhà thiếu đàn bà). Tôi không xem mục đích làm nghề của mình là nhắm đến giải thưởng mà áp lực của tôi cũng như của sân khấu Hoàng Thái Thanh chính là sự nhận xét, đánh giá của khán giả. Có nhiều khán giả xem đủ 10 vở của sân khấu chúng tôi, cũng có nhiều khán giả xem vở Nửa đời ngơ ngác đến 5 lần.

Tôi chợt hiểu trong đời sống hôm nay, khán giả rất cần những tình cảm chân thật được lẩy lên từ sự chia sẻ, thương yêu. Chính vì thế khi gầy dựng thương hiệu “đôi cánh chuồn chuồn”, tôi cũng như Bảo Anh (Giám đốc Công ty TNHH Xuân Hương) và NSƯT Thành Hội đã tâm nguyện: Hãy làm cho đẹp hơn đôi cánh chuồn chuồn mà tạo hóa đã ban tặng cho nó, nghĩa là trong cuộc sống này, tình cảm gia đình vốn đã đẹp thì phải nâng cái đẹp đó lên.

Vai diễn trong Trần gian phải có tình yêu

 

Điểm lại những vai nữ đã diễn, chị thích vai kịch nào nhất?

– Tôi thích cả hai vai mà tôi đã từng đóng trong vở Cơn mê cuối cùng của nhà văn Ngọc Linh. Hai thế hệ phụ nữ, hai sự chịu đựng, hai sự thương yêu và hai hướng đi để vượt qua bi kịch. Mận và bà Hai Khương cứ ám ảnh tôi, đồng thời cũng là phương hướng sáng tác của tôi sau này, đó là đi sâu vào khai thác tâm lý nhân vật. Tôi đang ôm ấp nhiều đề tài về phụ nữ và sẽ tiếp tục xây dựng những hình ảnh sống động về phụ nữ trên sân khấu của mình.

Là vợ, là mẹ trong một gia đình hạnh phúc, chị có nghĩ mình đủ điều kiện và thời gian để khám phá và chinh phục những đỉnh cao trong nghề?

– Đỉnh cao nhất mà tôi phải chinh phục chính là mái ấm gia đình của mình. Sẽ được gì nếu tôi quên mất nghĩa vụ và bổn phận của người vợ, người mẹ. Tôi không muốn các con tôi nhìn tác phẩm nghệ thuật mình làm mà nói hình như không phải là của mẹ.

Theo nld

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *