Bên bờ hạnh phúc

Chiều 23/11, tại Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện chương trình phối hợp về vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (2011-2016) và triển khai chương trình giai đoạn 2016-2021.

 

Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Uỷ ban An toàn giao thông

quốc gia tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

 

Tham dự Hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

Theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, tai nạn giao thông (TNGT) vẫn là vấn nạn nhức nhối trong xã hội với những tổn thất hết sức nặng nề. Từ chỗ bình quân mỗi ngày có 33 người chết vì TNGT (cứ 44 phút có 1 người chết) thì vừa qua là 26 người/ngày (cứ 55 phút có 1 người chết).

Tuy tình hình có chuyển biến khi mà số người chết vì TNGT 5 năm 2005-2010 là 60.432 người, bình quân 12.084 người/năm, đã giảm xuống trong 5 năm 2011-2015 còn 47.897 người, bình quân 9.579 người/năm, trung bình giảm 20,7%.

Kết quả so sánh năm 2015 với 2011 cho thấy, số người chết vì tai nạn giao thông đã giảm 23,7%, số người bị thương giảm 59%. Tuy nhiên kết quả giảm tai nạn giao thông chưa bền vững ở các địa phương: sau 4 năm, 2010-2014, chỉ có 15/63 tỉnh, thành phố, chiếm 24% là 4 năm liên tiếp giảm số người chết vì TNGT, 26/36 tỉnh, thành phố chiếm 41% có 3 năm giảm, 1 năm tăng; còn 22/63 tỉnh, thành phố, chiếm 35% có 2 hoặc 1 năm giảm và 2 hoặc 3 năm tăng. TNGT đường bộ chiếm 97% số người chết, TNGT đường sắt chiếm 2% và TNGT đường thủy (sông, biển) chiếm 1%.

Như vậy, để giảm số người chết, bị thương vì TNGT phải tập trung cao nhất nỗ lực để giảm TNGT đường bộ. Phân tích TNGT đường bộ cho thấy: 71% các TNGT là do ý thức và hành vi của người tham gia giao thông không đúng luật pháp về giao thông như đi sai phần đường, làn đường (chiếm 26%), chạy tốc độ cao quá mức cho phép (10%), chuyển hướng sai luật (8,7%), thao tác lái xe sai (7,1%), không nhường đường tại nơi giao nhau (5,8%), vượt trái luật (5,7%) và sử dụng rượu bia (3%). Các bất cập về quy hoạch giao thông, chất lượng đường và bến bãi, hệ thống tín hiệu, cảnh báo, chiếu sáng chỉ là nguyên nhân của 29% số TNGT đường bộ.

Báo cáo của Ban thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết: Sau khi có chương trình phối hợp, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã hướng dẫn Uỷ ban MTTQ các cấp triển khai phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông" (ATGT); tổ chức hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT”; chỉ đạo xây dựng các chuyên mục ATGT trên các báo, tạp chí, trang tin của Mặt trận cùng các tài liệu tuyên truyền cụ thể đến người dân; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, trao đổi kinh nghiệm vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT…

Qua 5 năm phối hợp thực hiện, cuộc vận động đã góp phần tăng cường sự quan tâm lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền đối với phong trào bảo đảm trật tự ATGT. Nhiều cấp uỷ, chính quyền đã đưa yêu cầu chấp hành pháp luật về ATGT, Uỷ ban MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo đảm ATGT, công tác xây dựng mô hình điểm được triển khai và nhân rộng, công tác phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên với Ban an toàn giao thông các tỉnh, thành phố ngày càng chặt chẽ, thường xuyên.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả thực hiện chương trình phối hợp giữa hai bên thực hiện phong trào “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông” trong giai đoạn 2011-2015 đã góp phần quan trọng trong việc đẩy lùi và kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí, đặc biệt là đã kéo giảm được trên 12.500 số người chết do TNGT so với giai đoạn 2006-2010, trong điều kiện nhu cầu đi lại và phương tiện giao thông gia tăng nhanh chóng.

Cuộc vận động tạo nên một xung lực mới, huy động được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân vào cuộc thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ trong công tác bảo đảm TTATGT; đánh giá, ghi nhận được những cách làm hay, sáng tạo, nhiều gương người tốt, việc tốt xuất hiện ở tất cả các ngành, các địa phương có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân.

Về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, và các bộ, ngành là thành viên của Ủy ban ATGT Quốc gia cần phối hợp với các địa phương thực hiện quyết liệt một số giải pháp lớn sau: Tiếp tục hoàn thiện chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các đề án quy hoạch, kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, vận tải; đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chất lượng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên công trường của các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông các lĩnh vực; hoàn thành xử lý dứt điểm điểm đen về tai nạn giao thông trên mạng lưới kết cấu hạ tầng; tiếp tục thực hiện siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện gắn với tái cơ cấu thị phần các lĩnh vực vận tải; đổi mới hơn nữa chương trình, phương thức đào tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; tăng cường quản lý an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông vận tải; chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý phương tiện, người lái.

Đồng thời, tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về trật tự, ATGT nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông trên đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa; đẩy mạnh ứng dụng trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả và tính minh bạch trong giám sát và xử phạt vi phạm hành chính; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, ATGT, biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, chú trọng sử dụng hệ thống thông tin cơ sở xã, phường, tập trung tuyên truyền cho đối tượng thanh, thiếu niên.

Thực hiện các giải pháp cấp bách chống ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM và các tuyến giao thông trọng điểm, trong đó chú trọng các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành giao thông và tổ chức vận tải; nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; siết chặt quản lý trật tự hành lang ATGT, vỉa hè, lòng, lề đường.

Về nội dung phối hợp giữa hai cơ quan, Phó Thủ tướng cho rằng, cần tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự ATGT, xây dựng văn hoá giao thông an toàn trong các tầng lớp nhân dân; vận động người dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT, trước hết là thực hiện đúng quy định của pháp luật về ATGT, tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân; tham gia bảo vệ hành lang ATGT, chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường; bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng giao thông.

Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận các cấp và các tầng lớp nhân dân đối với việc xây dựng, bảo trì công trình kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý hành lang an toàn giao thông, kiểm soát tải trọng phương tiện; phối hợp kiểm tra, giám sát và phản biện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự ATGT; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình về ATGT đang hoạt động có hiệu quả như: “Khu dân cư bảo đảm trật tự ATGT”, “Tổ tự quản”, “Nhóm tự quản”, “Đoạn đường tự quản”, “Liên gia tự quản”, “Dòng họ tự quản”, “Xứ đạo tự quản”… cũng như sáng tạo các mô hình mới.

Nguồn: Lê Sơn ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *