Bên bờ hạnh phúc

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, khởi nghĩa Nam kỳ của nhân dân Nam bộ được biết đến như là mốc báo hiệu điều kiện đủ cho một cuộc khởi nghĩa vũ trang trên toàn quốc. Cuộc khởi nghĩa đã mang bản chất của một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính chất nhân dân rộng rãi, sâu sắc mà ở đó chứa đựng những bài học kinh nghiệm cho Cách mạng tháng Tám sau này.

 

Tái hiện cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ảnh: TTXVN

 

Vào đêm 22 rạng ngày 23/11/1940, dưới sự lãnh đạo của các Đảng bộ Nam kỳ, cuộc khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt tại nhiều địa phương với tinh thần quyết liệt, khí thế tiến công mạnh mẽ. Khắp các tỉnh, thành Nam kỳ: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên, Bến Tre, Sa Đéc, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, tất cả 20 tỉnh và thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn đều nổi dậy khởi nghĩa. Một số nơi giành được quyền làm chủ, làm cho địch thiệt hại, đánh đổ nghiêm trọng uy thế kiềm kẹp của địch. Lần đầu tiên, cờ đỏ sao vàng phất phới dẫn đầu các đoàn quân khởi nghĩa và tung bay trên nóc các trụ sở chính quyền thực dân được quân ta tiến chiếm, trở thành trụ sở Ban khởi nghĩa, cổ vũ khí thế tiến công quyết liệt với quân thù.

Tuy cuộc khởi nghĩa Nam kỳ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn (từ ngày 23/11 – 31/12/1940), nhưng là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất và quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man cuộc khởi nghĩa. Rất nhiều đồng bào, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đã bị địch bắt, tra tấn, tù đày, giết chóc vô cùng tàn bạo với bao tổn thất. Các đồng chí lãnh đạo, những người con ưu tú của của dân tộc, của Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu… đã anh dũng hy sinh trước họng súng quân thù.

Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ do chưa đủ điều kiện khách quan chín muồi nên đã bị thất bại, nhưng đã để lại những trang sử hào hùng, chói lọi trong lịch sử cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Cùng với cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và cuộc nổi dậy của binh lính Đô Lương, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đó là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương”. Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ để lại nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý báu cho Đảng ta, đó là khởi nghĩa từng phần, trong từng địa phương, tiến tới mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn trên toàn quốc; đó là việc tập hợp các tầng lớp, giai cấp, dân tộc, tôn giáo đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất, tham gia khởi nghĩa trên quy mô rộng lớn, tạo nên phong trào cách mạng sâu rộng; qua cuộc đấu tranh, đảng viên và nhân dân được thử thách, tôi luyện và trưởng thành.

Khởi nghĩa Nam kỳ thể hiện tinh thần cách mạng tiến công không ngừng, quyết đi tới mục tiêu cuối cùng để mang lại độc lập, tự do cho Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là sự kế tục và phát huy truyền thống yêu nước, khí phách hào hùng, lịch sử vẻ vang của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Tinh thần cảm tử cho dân tộc quyết sinh của đồng bào, chiến sĩ khởi nghĩa Nam kỳ đã góp phần hun đúc nên lòng dũng cảm, chí kiên cường cho Đảng ta, cho nhân dân ta trong cuộc trường kỳ kháng chiến đánh đuổi ngoại xâm, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông.

 

Khởi nghĩa Nam kỳ để lại những bài học vô cùng sâu sắc, quý báu trong các giai đoạn cách mạng, cho đến hôm nay và mai sau. Bảy mươi sáu năm đã đi qua, nhưng tinh thần của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vẫn luôn hiển hiện và sống mãi cùng thời gian. Ngày nay, nhân dân ta đang ra sức thực hiện giai đoạn cách mạng mới – đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là sự kế tục truyền thống tinh thần quật khởi, oanh liệt, khí phách anh hùng cách mạng của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ Nam kỳ bất diệt.

Nguồn: Lê Quý Thi ( Bạc Liêu online )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *