Bên bờ hạnh phúc

Thành phần Ban quản trị chùa nhiều hay ít còn tùy thuộc vào mức độ dân cư trong phum hay trong các phum có trách nhiệm đối với ngôi chùa. Thông thường, Ban quản trị chùa phân công những khu vực dân cư trong phum hay các phum trực thuộc thành những “wện”. Thí dụ, 5 phum trong huyện Vũng Liêm cùng hành lễ tại chùa Sankhak Mankal (chùa Compong Rolin) thì ngoại trừ phum Phnơl (phum Mayphôp) xa chùa, 4 phum còn lại được tổ chức thành 4 “wện”. Wện như vậy bao gồm một số hộ gia đình trong một khu vực trong phum mà thành viên của các hộ này theo sự phân công của Ban quản trị chùa sẽ có trách nhiệm trong một số ngày lễ tôn giáo và lễ cộng đồng tổ chức tại chùa cũng như có nhiệm vụ dâng vật phẩm cho các sư sãi dùng trong một số ngày nhất định trong tháng (khi các sadi đi khất thực – chrôngbat) (1).

Wện cũng có những tên gọi riêng để phân biệt với các wện khác và thường được gọi tên theo hướng so với vị trí của ngôi chùa. Cũng có trường hợp wện được gọi theo tên của người đứng đầu wện (Mê wện). Mỗi wện như vậy sẽ cử từ 1 – 2 vị vào Ban quản trị chùa. Những vị này thường là những người có trách nhiệm trong wện, là Mê wện (người đứng đầu một wện) và Anuq wện (phụ tá cho Mê wện). Với tư cách là thành viên Ban quản trị chùa và cũng đồng thời là những người đứng đầu một wện, họ sẽ đại diện cho người tín đồ trong wện quyết định những vấn đề của các phum thuộc ngôi chùa và truyền đạt những quyết định cũng như tổ chức thực hiện những nhiệm vụ được Ban quản trị chùa giao cho wện.

Trong xã hội truyền thống của người Khmer nói chung, ngoài các tu sĩ còn có một tầng lớp trí thức – nhân sĩ có vai trò khá quan trọng trong đời sống xã hội và văn hóa – giáo dục là các vị Achar. Achar là những người có tri thức, kiến thức, từng tu học đến một trình độ nhất định và hiểu biết kinh luật Phật giáo, hiểu biết về phong tục tập quán, khéo léo trong cư xử… Họ là những người có uy tín trong phum và có thể trong sóc thuộc vào một ngôi chùa và thường được người dân chọn bầu vào Ban quản trị chùa. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ của ông ta trong phum, trong chùa mà một vị Achar có thể là các thầy giáo (những Achar này được gọi là Gru), dạy giáo lý, chữ Khmer, chữ Pali… trong các lớp học cho thanh thiếu niên do nhà chùa tổ chức. Trong số các Achar, có người đảm nhận nhiệm vụ thực hiện các lễ trong gia đình như tang lễ, hôn lễ… Các Achar lo việc tẩn liệm cho người chết trong tang lễ gọi là Acha yuki và Acha phlut… Achar có thể là một tu sĩ, cũng có thể là người thường (thường là người đã đi tu một thời gian và đã hoàn tục). Vị Achar chuyên lo các nghi lễ cộng đồng của một phum được gọi là Achar maha và là người có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện các lễ nghi theo phong tục…

Achar là người hiểu biết rộng, được học hành và cũng là người có uy tín nên trong một phum đôi khi chỉ có vài vị mà thôi. Khảo sát các phum thuộc xã Tân Mỹ và xã Thiện Mỹ thuộc huyện Trà Ôn, chúng ta thấy , phum Ontup (ấp Mỹ Bình), phum Wil Trơi Tơbôn (xã Thiện Mỹ), mỗi nơi chỉ có hai vị Achar. Phum Sowai (ấp Mỹ Bình, xã Tân Mỹ), phum Prêk Umbu (ấp Mỹ Phú, xã Tân Mỹ), mỗi nơi có 3 vị. Phum Wil (ấp Mỹ Bình, xã Tân Mỹ) có 8 vị… Đối với những phum thiếu các vị Achar lo việc cúng lễ trong gia đình, người dân trong phum có thể đến nhờ các Achar trong các phum lân cận.

Trong xã hội người Khmer hiện nay, ngoài ra còn có những thành phần khác cũng được người dân kính trọng. Đó là các giáo viên, cán bộ, nhân viên trong các cơ quan chính quyền và chính họ góp phần đáng kể trong quá trình giao lưu văn hóa giữa người Việt và người Khmer.

TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

————————————-

(1) Trong một tháng có 4 ngày các sư sãi không đi khất thực và cũng là 4 ngày lễ trong tháng mà đa số tín đồ trong phum phải đến chùa để cầu nguyện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *