Bên bờ hạnh phúc

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 28/10, các đại biểu Quốc hội đã làm việc tại hội trường, thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Mai Thị Phương Hoa phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Cơ bản tán thành với báo cáo của các cơ quan tư pháp

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với báo cáo của các cơ quan tư pháp và cho rằng, năm 2016, nhiều sự kiện chính trị trọng đại diễn ra, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ; phòng chống tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các báo cáo đã phản ánh khá đầy đủ kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc trên các mặt công tác và đề ra giải pháp khắc phục.

Cơ bản tán thành với những nội dung được thể hiện trong báo cáo của các cơ quan tư pháp, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng các báo cáo đã nêu rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, những kết quả đó cần phải được khẳng định và phát huy. 

Theo đại biểu, năm 2016 tình hình tội phạm đã được kiềm chế và kéo giảm với một tỷ lệ rất cao. Điều này thể hiện sự quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị; vai trò nòng cốt của lực lượng công an và sự dũng cảm, hy sinh của các chiến sỹ công an trong quá trình tấn công, trấn áp tội phạm để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân; sự chuyển biến tích cực trong hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh thực tiễn cho thấy công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án ngày càng được nâng cao về chất lượng, nhất là thực hiện yêu cầu chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm theo Nghị quyết của Quốc hội. Hoạt động của các cơ quan tư pháp đã thể hiện sự thận trọng, chắc chắn, chính xác trong hoạt động của mình. Các cơ quan tư pháp cũng đã chú trọng đến công tác quản lý, giáo dục cán bộ; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm cán bộ sai phạm thông qua các vụ án có tiêu cực hoặc các vụ việc có oan sai. Lãnh đạo các cơ quan tư pháp đã chỉ đạo, xử lý nghiêm với tinh thần người dân vi phạm pháp luật thì áp dụng pháp luật để xử lý; còn cán bộ, nhất là cán bộ tư pháp am hiểu pháp luật mà lại vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm, bởi vậy người dân đồng tình, đánh giá cao.

Theo đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc), trong năm 2016 mặc dù còn có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án của các cơ quan tư pháp đã góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế.

Đại biểu Trần Hồng Hà nhấn mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đã nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao; sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương mà nòng cốt là các cơ quan bảo vệ pháp luật, đã triển khai đồng bộ những biện pháp phòng ngừa, đấu tranh kiên quyết với các loại tội phạm. Qua đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm năm 2016 đã đạt được kết quả tích cực, rất đáng ghi nhận. Cùng với đó, việc đánh giá tình hình, triển khai đồng bộ, sự chủ động, tăng cường phối hợp của các cơ quan bảo vệ pháp luật là nguyên nhân khách quan kiềm chế tội phạm gia tăng…

Tăng cường phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm

Tại buổi thảo luận, các đại biểu cũng đã chỉ ra những mặt hạn chế trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2016. Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) cho rằng mặc dù bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp tác động đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nói riêng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và sự nỗ lực cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị, sự tham gia tích cực của người dân, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016 đã đạt được một số kết quả tích cực. 

Tuy nhiên, một số loại tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm về ma túy. Tội phạm xâm phạm trật tự xã hội vẫn diễn biến phức tạp với hành vi ngày càng liều lĩnh, nổi lên là tội phạm có tổ chức, các băng nhóm đâm thuê, chém mướn… sẵn sàng cưỡng đoạt tài sản, giết người nghiêm trọng tăng mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là tội phạm giảm nhưng vi phạm pháp luật trong năm 2016 tăng. Vi phạm pháp luật tăng nhưng xử lý vi phạm lại giảm. 

Đại biểu Nguyễn Thái Học nêu dẫn chứng, báo cáo của Chính phủ nêu tình hình vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực. Báo cáo cũng nêu rõ 12 lĩnh vực có vi phạm pháp luật phức tạp, đa dạng; trong đó nổi cộm là vấn đề trật tự giao thông, môi trường, xây dựng, đất đai. Đây là những vấn đề đặt ra trong cuộc sống của người dân. Tình hình như vậy nhưng lực lượng công an nhân dân xử phạt giảm cả về số vụ và số tiền, cho thấy sự thiếu quan tâm, thiếu sự phối hợp chặt chẽ trong xử lý vi phạm.

Đại biểu cho rằng xử phạt vi phạm hành chính như thế là chưa nghiêm, có thể bỏ lọt tội phạm; có thể hành chính hóa quan hệ hình sự, trong đó có tội tham nhũng. Cho nên công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng không nghiêm, thể hiện sự thiếu đồng bộ giữa các cấp, các ngành. Điều này cũng cho thấy tình hình trật tự an toàn xã hội không tốt, vi phạm pháp luật tăng nhưng xử lý lại giảm, khiến người dân không yên tâm.

Đại biểu Trần Hồng Hà cho rằng thời gian qua diễn biến tội phạm vẫn phức tạp, tính chất mức độ nguy hiểm ngày càng lớn, gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội; nhiều vụ trọng án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra khiến dư luận, nhân dân bất bình và lo lắng. Công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức và chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”…

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Thảo luận về công tác phòng, chống tham nhũng, các đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và nhất trí tình trạng tham nhũng còn rất phức tạp, nghiêm trọng, diễn ra khá phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng với tình hình tham nhũng hiện nay, việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc tham nhũng chưa tương xứng với thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và đẩy lùi được tệ nạn này. 

Cũng theo các đại biểu, những giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa đủ mạnh; chưa sát với yêu cầu thực tế. Các đại biểu đề nghị Báo cáo cần phân tích đầy đủ, toàn diện hơn các nguyên nhân khách quan, chủ quan gắn với từng loại tội phạm và trong từng lĩnh vực. Báo cáo cũng cần làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước, công tác tổ chức cán bộ, công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm.

Về giải pháp, các đại biểu cơ bản tán thành với những đề xuất, kiến nghị của Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao và Ủy ban Tư pháp. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng những giải pháp đó cần đảm bảo tính đồng bộ, vừa có tính lâu dài và trước mắt cả về công tác xây dựng pháp luật, thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của công dân, cán bộ trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thống nhất với các nhóm giải pháp phòng, chống tham nhũng mà Chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, đại biểu kiến nghị cần coi trọng công tác xây dựng pháp luật và áp dụng pháp luật trong thực tiễn. 

Đại biểu cho rằng hệ thống pháp luật hiện còn nhiều sơ hở cho tội phạm tham nhũng, do đó cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật, đặc biệt là các Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng… 

Cũng theo đại biểu, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ không thể thành công nếu không phát huy vai trò và huy động sức mạnh của nhân dân. Do đó, trong thời gian tới, cần tạo điều kiện cho người dân thu thập chứng cứ, tố cáo tham nhũng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân thông qua hoạt động của các đoàn thể.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cho rằng các báo cáo đã nêu lên những kết quả và hạn chế, tồn tại trong công tác, nhiệm vụ của từng ngành. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn khi những báo cáo đó chưa đề cập đến kết quả phối hợp công tác giữa các cơ quan tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cũng như đảm bảo an ninh, trật tự.

"Ngoài giải quyết tốt công tác của nội bộ ngành của mình thì các cơ quan như Bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát cần tăng cường phối hợp công tác, phát hiện các kẽ hở trong hệ thống pháp luật để ngăn ngừa tội phạm," đại biểu Cầu nêu quan điểm.

Theo chương trình, Quốc hội nghỉ ngày 29 (thứ Bảy) và ngày 30/10 (Chủ Nhật). 

Sáng 31/10, Quốc hội sẽ làm việc tại hội trường, nghe các Tờ trình về dự án: Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), Luật đường sắt (sửa đổi), Luật cảnh vệ đồng thời, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)./.

Nguồn: NGUYỄN CƯỜNG-XUÂN TÙNG (TTXVN/VIETNAM+) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *