Bên bờ hạnh phúc

Sinh ra, đôi chân Vũ đã teo cơ, tay co quắp, miệng lắp bắp không rõ lời. Nhưng 17 năm qua, Vũ đã dùng đôi chân tật nguyền để vẽ tranh và đánh đàn với khát vọng hòa nhập cộng đồng.

Trong căn nhà nhỏ ở đường Nguyễn Du, phường Phú Cát, thành phố Huế, Vũ nằm trên nền nhà say sưa dùng đôi chân co quắp vẽ tranh. 17 tuổi nhưng trông Vũ nhỏ thó như đứa trẻ lên 8.

Theo ông Mai Ngói, bố của Vũ, khi chào đời hình hài của con không bình thường, ông mới biết mình bị nhiễm chất độc da cam khi đóng quân tại Vĩnh Linh (Quảng Trị). Gia cảnh quá nghèo, vợ chồng ông không có tiền mang con đi chữa trị nên bệnh tình của Vũ ngày một nặng thêm. Mọi sinh hoạt của Vũ đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân trong gia đình.

Đến tuổi đi học, thấy bạn bè trong hẻm rủ nhau tới lớp, không nói được thành lời, Vũ dùng đôi chân dị tật kéo tay bố đòi tới lớp. Thương con, ông Ngói đưa Vũ tới Trung tâm Sơn Ca dành cho trẻ khuyết tật để học. Ngày hai bận, vừa chạy xích lô, ông lại vừa lo đưa đón con.

Vũ vẽ trên nền nhà bằng đôi chân tật nguyền. Ảnh: Văn Nguyễn.

 

Đến lớp, Vũ tập viết bằng chân. Ban đầu, những ngón chân cứ cuốn lấy nhau không tài nào cử động. Em đã phải vận động suốt mấy tuần mới có thể cầm bút viết trên giấy bằng hai ngón chân. Ngoài giờ lên lớp, cứ về nhà là Vũ lại lôi sách vở ra tập viết và em đã làm mọi người ngỡ ngàng khi nét chữ dần tròn trịa.

Được các cô giáo dạy vẽ, Vũ lập tức yêu thích môn này. Ban đầu cậu tập vẽ bằng viên phấn kẹp giữa đôi chân trên nền nhà xi măng. Thương con quá, ông Vũ lại tiết kiệm tiền công xích lô ít ỏi mua cho con bộ sáp màu. Sau nhiều tháng miệt mài, Vũ làm mọi người ngỡ ngàng với những bức tranh là hình ảnh em nhìn thấy khi từ nhà đến trường.

“Có khi nó vẽ bức hình lạ lắm, những hình thù mà nó nói là bà Phù Thuỷ hay cô Tiên. Thì ra những nhân vật trong câu chuyện cô giáo kể ở lớp đều được nó nhớ và tưởng tượng, thể hiện trong bức vẽ. Nhiều bức còn được chọn trưng bày trên phòng học. Những khi như rứa tui chỉ biết ngồi nhìn nó vẽ mà ứa nước mắt”, bà Nguyễn Thị Thanh, mẹ Vũ, tâm sự.

Nghe tiếng đàn của chúng bạn ở trường, về nhà Vũ cũng đòi bố mẹ mua đàn. Vợ chồng ông Ngói lại bấm bụng gom góp tiền mua cho con cây đàn điện tử để chơi cho đỡ buồn. Có đàn, Vũ ngày ngày lăn xuống nền xi măng, co quắp người đưa chân lên phím tập đàn. Bàn chân thô kệch, vụng về, có lúc tưởng chừng đè hư mất phím đàn. Nhưng sau nhiều tuần tập, những tiếng đàn có âm có vần điệu cũng được cất lên.

Vũ rất thích đánh đàn. Ảnh: Văn Nguyễn.

 

“Cứ xem chương trình ca nhạc thiếu nhi trên tivi là nó lại lấy đàn ra tập đánh theo, giờ cũng biết dạo một số bài hát rồi”, ông Ngói phấn khởi khoe. Ông bảo nhiều lúc nghe tiếng đàn thấy thương con hơn. “Giá như nó không bị tật thì tiếng đàn sẽ hay biết bao”, người cha 55 tuổi nói.

Điều làm ông Ngói buồn hơn cả là vừa qua phải cho Vũ nghỉ học. “Gia đình vốn đã nghèo, cho con đi học không có người đưa đón, tiền học hàng tháng lại không biết xoay sở đâu ra”, ông Ngói nhìn đứa con, nghẹn giọng.

Hiện Vũ được hưởng trợ cấp chất độc da cam 360.000 đồng mỗi tháng. Số tiền ít ỏi đó cũng chỉ đủ lo thuốc thang cho em mỗi khi đau ốm. Mọi sinh hoạt trong gia đình chỉ biết nhờ vào đồng công ít ỏi từ nghề dán đồ hàng mã của bà Thanh và nghề đạp xích lô của ông Ngói.

Khi hỏi về ước mơ của mình, Vũ ú ớ: “Em muốn được đi học với các bạn để mai này được lái xe ôtô!”.

Theo VnExpress
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *