Bên bờ hạnh phúc

Các nhà thám hiểm ở California, Mỹ, tìm thấy một loài rết mới có 414 chân, 200 tuyến độc và 4 dương vật.

Các nhà nghiên cứu vừa phát hiện một loài rết mới thuộc họ Illacme, không chỉ sở hữu 414 chân, 200 tuyến độc mà còn có 4 dương vật biến đổi từ các chi trong quá trình tiến hóa để bơm tinh trùng. Phát hiện được công bố hôm 20/10 trên tạp chí ZooKeys, theo Live Science.

Loài rết Illacme tobini có 414 chân

Con rết dài 20mm được nhà sinh vật học Jean Krejca phát hiện trong một cuộc thám hiểm hang động đá cẩm thạch Lange tại Công viên quốc gia Sequoia ở California, Mỹ vào tháng 10/2006. Krejca sau đó gửi mẫu vật đến chuyên gia Paul Marek ở Viện Công nghệ Virginia và William Shear ở Đại học Hampden-Sydney để nhờ phân tích.

Nhóm nghiên cứu gọi loài rết mới là Illacme tobini, lấy theo tên Ben Tobin, chuyên gia về hang động ở Công viên Grand Canyon, người tổ chức cuộc thám hiểm. Họ dành thêm vài năm tìm kiếm thêm mẫu vật thuộc loài mới ở hang Lange và 63 địa điểm khác quanh những ngọn đồi thấp dưới chân dãy Sierra Nevada nhưng không tìm thấy.

Do mẫu vật duy nhất mà nhóm nghiên cứu thu thập được là một con đực nên họ không biết con cái có hình dáng như thế nào. Theo các nhà khoa học, I. tobini không có mắt và ăn nấm. Cặp chân thứ 9 và 10 của loài vật biến đổi thành dương vật gọi là "chân giao phối" (gonopod). Những chân này phủ đầy đầu nhọn để bơm tinh trùng từ con đực sang con cái. I. tobini cũng có 200 tuyến độc để tự vệ trước thú săn mồi.

Một loài rết khác thuộc họ này là Illacme plenipes, được tìm thấy ở hạt Benito, California, cách hang Lange 240km. Với 750 chân, I. plenipes là loài rết nhiều chân nhất hành tinh.

Theo VnExpress 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *