Bên bờ hạnh phúc

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, chiều 20/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe các báo cáo của Chính phủ về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; kế hoạch tài chính 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày

báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

 

Hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn 

Tờ trình của Chính phủ kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 nêu rõ quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 theo 4 định hướng đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực, đồng thời vẫn tồn tại một số hạn chế cần tiếp tục được tập trung xử lý trong thời gian tới. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn các hạn chế trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế như mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn ở mức thấp và chậm được cải thiện. 

Môi trường vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc; tái cơ cấu các ngành kinh tế chưa tạo ra được sự thay đổi tích cực đủ lớn trong cơ cấu kinh tế giữa các ngành, nội ngành; tái cơ cấu vùng kinh tế chưa đi vào thực chất, chưa tuân thủ các nguyên tắc thị trường trong liên kết vùng. 

Theo tờ trình, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 nhằm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất, năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và đảm bảo tăng trưởng xanh, sạch, bền vững. 

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; chưa làm rõ mô hình tăng trưởng, phương thức phân bổ nguồn lực xã hội về cơ bản chưa thay đổi. 

Tái cơ cấu vẫn chưa được quán triệt, triển khai sâu rộng ở các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Mục tiêu “đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế” theo Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội chưa hoàn thành.

Đặc biệt, các vấn đề tồn đọng trong quá trình tái cơ cấu giai đoạn vừa qua còn nhiều, những vấn đề mấu chốt trong từng trọng tâm tái cơ cấu vẫn chưa được tháo gỡ, tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. 

Do giai đoạn 2011-2015 tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu đề ra; kết quả thực hiện tái cơ cấu 9 tháng đầu năm 2016 tiếp tục cho thấy nền tảng kinh tế vĩ mô và một số cân đối lớn của nền kinh tế chưa tạo sự vững chắc cần thiết để đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết số 98/2015/QH13 của Quốc hội. 

Về quan điểm xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ mô hình tăng trưởng từ đó mới có căn cứ để định hướng tái cơ cấu kinh tế 5 năm tới; cần nhấn mạnh quan điểm có tính xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu.

Đó là cần tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin-cho; nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, các thành quả kinh tế-xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế. 

Bên cạnh đó, những vấn đề còn tồn đọng trong giai đoạn tái cơ cấu 2013-2015 cần được ưu tiên giải quyết hoàn thành trong 2 năm đầu của Kế hoạch, để tập trung nguồn lực tái cơ cấu tiếp tục cho các lĩnh vực khác trong giai đoạn trước chưa được quan tâm. Bên cạnh đó, cần bảo đảm sự gắn kết giữa tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là thu hút các nguồn lực cho tăng trưởng trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tái cơ cấu nền kinh tế phải gắn với kết quả cuối cùng là đời sống thực chất người dân được cải thiện tốt hơn. 

Làm rõ mục tiêu tổng quát Kế hoạch tài chính 5 năm của quốc gia 

Thẩm tra về tình hình thực hiện kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015 và định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân các mặt hạn chế của việc thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước 5 năm. 

Đánh giá về chi ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, một số nguyên tắc của Luật ngân sách nhà nước và các Nghị quyết của Quốc hội chưa được đảm bảo, kỷ luật tài chính chưa nghiêm, nhiều chính sách chi được ban hành nhưng chưa bố trí đủ nguồn lực; nhiều khoản chi vượt dự toán khá lớn; tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, lãng phí còn nhiều; việc ứng trước dự toán, chuyển nguồn còn lớn. 

Tỷ lệ thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước còn thấp. Tỷ trọng bình quân bố trí dự toán chi đầu tư phát triển trong giai đoạn này giảm mạnh, cho thấy cơ cấu chi ngân sách nhà nước và cán cân tích lũy – tiêu dùng chưa cân đối tích cực, ngày càng khó khăn trong việc bố trí ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển. Công tác quản lý vốn ODA còn những bất cập từ khâu lập dự toán, bố trí vốn đối ứng và triển khai thực hiện. 

Trong quản lý vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước, việc phân bổ còn dàn trải, lãng phí; nợ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, thu hồi vốn ứng trước còn kéo dài… Ngân sách nhà nước đã thực hiện một phần lộ trình cải cách tiền lương, nhưng cơ bản chưa thực hiện được mục tiêu đã đề ra. Nhiều chính sách an sinh xã hội đã ban hành nhưng thiếu nguồn bảo đảm. 

Về mục tiêu tổng quát, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung yêu cầu: “cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước và nợ công nhằm sử dụng Ngân sách nhà nước hiệu quả và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô” để làm rõ hơn mục tiêu tổng quát Kế hoạch tài chính 5 năm của quốc gia. 

Về cơ cấu chi ngân sách: Chính phủ dự kiến điều chỉnh lại cơ cấu chi Ngân sách nhà nước theo hướng: tăng dần tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên mức bình quân 25-26% cả giai đoạn, giảm tỷ trọng chi thường xuyên khoảng 67% xuống mức khoảng 60-62% trong giai đoạn 2016-2020. 

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, ngân sách còn nặng về chi thường xuyên, chưa phải là ngân sách phát triển vì tỷ lệ tích lũy từ ngân sách cho đầu tư phát triển còn rất thấp. 

Đầu tư phát triển từ nguồn Ngân sách nhà nước chủ yếu dựa vào vay để bù đắp bội chi, vay ngoài nước, vay phát hành trái phiếu Chính phủ và số thu từ xổ số kiến thiết, thu từ đất còn chiếm tỷ trọng lớn. Do quy mô nền kinh tế còn nhỏ dẫn đến quy mô thu ngân sách nhà nước còn thấp, nên việc điều chỉnh cơ cấu chi theo phương án Chính phủ trình là phù hợp với xu hướng cơ cấu lại Ngân sách nhà nước đã đề ra. 

Do đó, đa số ý kiến của Ủy ban tán thành với đề nghị của Chính phủ về việc dự kiến bố trí tổng chi đầu tư phát triển khoảng 2 triệu tỷ đồng (phân bổ tối đa 1,8 triệu tỷ đồng, dự phòng 10%), chiếm 25-26% tổng chi Ngân sách nhà nước, chỉ là định hướng vì còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng thu Ngân sách nhà nước hàng năm, mức cụ thể do Chính phủ trình Quốc hội quyết định theo từng năm. 

Về điều chỉnh tiền lương, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công tăng khoảng 7-8%/năm là hợp lý, đi đôi với việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy và đẩy mạnh cải cách đơn vị sự nghiệp công. 

Có ý kiến đề nghị giai đoạn 2016-2020, cần tăng mức chi điều chỉnh tiền lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công lên 10-12%/năm, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương. Chính phủ cần lưu ý tăng cường công tác quản lý và chú trọng đến sự an toàn và hiệu quả hoạt động của các quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm y tế. 

Cân đối nguồn lực đầu tư giữa phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội 

Về những kết quả chính đã đạt được trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2011-2015, Báo cáo của Chính phủ nêu vốn đầu tư được bố trí tập trung, nhằm thực hiện đột phá về xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, bảo đảm phát triển bền vững và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. 

Nhờ vậy, số dự án hoàn thành giai đoạn này tăng nhanh (khoảng 10.200 dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương và 2.000 dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ); số lượng dự án khởi công mới vốn ngân sách trung ương chỉ khoảng 4.250 dự án, giảm đáng kể so với giai đoạn trước. 

Mức vốn bố trí bình quân cho 1 dự án trong kế hoạch hằng năm tăng lên, 9,54 tỷ đồng/dự án năm 2012 tăng lên 14,2 tỷ đồng/dự án năm 2015. Nợ đọng xây dựng cơ bản giảm mạnh so với giai đoạn trước. 

Đến hết kế hoạch năm 2016, nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách trung ương và vốn trái phiếu Chính phủ chưa bố trí nguồn thanh toán đã giảm 50% so với trước khi Luật Đầu tư công có hiệu lực. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư trong giai đoạn này đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước. 

Xã hội hóa trong đầu tư công được đẩy mạnh, nhất là trong các dịch vụ y tế, giáo dục và xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn,… góp phần bổ sung thêm nguồn lực đầu tư cho các dịch vụ công, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước… 

Bên cạnh các kết quả đạt được, trong quản lý đầu tư công giai đoạn 2011-2015 cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế. Việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt khoảng 31,7% GDP, không đạt mục tiêu đề ra (33,5-35%). Tình trạng mất cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước, nhất là đối với vốn ngân sách trung ương chưa được khắc phục, dẫn tới bị động trong việc phân bổ nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. 

Việc thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công ở một số nơi chưa chấp hành nghiêm như: quyết định đầu tư dự án nhưng không tính toán đầy đủ khả năng cân đối vốn; chất lượng công tác chuẩn bị dự án còn thấp, chưa khắc phục được tình trạng nội dung dự án chuẩn bị sơ sài, phê duyệt một cách hình thức để được ghi vốn kế hoạch, dẫn đến phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng tới triển khai thực hiện và hiệu quả đầu tư; bố trí vốn dàn trải, kéo dài thời gian thi công, gây lãng phí thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư… 

Chính phủ dự kiến tổng vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 là 2.000 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương: 1.120 nghìn tỷ đồng, dự phòng (chưa phân bổ) 112 nghìn tỷ đồng, bằng 10% tổng số vốn ngân sách trung ương để xử lý các vấn đề phát sinh theo quy định của Luật Đầu tư công; vốn đầu tư cân đối ngân sách địa phương là 880 nghìn tỷ đồng. 

Thẩm tra về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đánh giá, mặc dù Báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến mục tiêu, định hướng đầu tư song chưa rõ trọng tâm, trọng điểm, những nội dung cấp thiết cần phải đầu tư; chưa xác định thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, đặc biệt Chính phủ cần đề xuất danh mục các công trình trọng điểm, quan trọng quốc gia cần xin ý kiến Quốc hội. 
Qua giám sát, Ủy ban Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận thấy, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông giai đoạn 2011-2015, đặc biệt là vốn trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng tương đối lớn và phần vốn dự kiến phân bổ giai đoạn 2016-2020 cho lĩnh vực này cũng khá cao so với các lĩnh vực khác trong khi vốn đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa đạt mục tiêu đề ra theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 Khóa X; vốn đầu tư cho lĩnh vực y tế còn hạn chế. 

Đầu tư cho hạ tầng giao thông là cần thiết song việc dành một tỷ lệ quá lớn nguồn lực đầu tư cho giao thông đã dẫn đến thu hẹp nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực khác, làm mất cân đối trong phát triển kinh tế-xã hội. 

Do đó, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực đầu tư giữa phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, bảo đảm hài hòa giữa các lĩnh vực, vùng, miền, địa phương; chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng, đề xuất kế hoạch bố trí, sử dụng vốn đối với các công trình, dự án có tính kết nối vùng, lãnh thổ, tránh việc manh mún, thiếu liên kết trong đề xuất, xây dựng kế hoạch đầu tư. 

Triệt để tiết kiệm trong phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017 

Thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đánh giá, ước thực hiện thu ngân sách nhà nước vượt dự toán (2,4%) đã thể hiện nỗ lực điều hành của Chính phủ, nhưng qua các số liệu chi tiết và qua kết quả giám sát cho thấy, sẽ phải thật sự phấn đấu mới có thể đạt mức như Chính phủ báo cáo. 

Năm 2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật ngân sách nhà nước năm 2015 nên việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước có ý nghĩa quan trọng. 

Để xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 đảm bảo sát thực tế, cân đối bền vững, chủ động, Ủy ban Tài chính – Ngân sách lưu ý, mục tiêu tăng GDP trên 6,7% là khá cao, có thể dẫn đến rủi ro khi dự báo về chỉ tiêu thu, chi ngân sách nhà nước. Vì vậy, đề nghị nghiên cứu 2 phương án: mức tăng trưởng 6,5% và 6,7%; trường hợp không đạt 6,7% thì Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh sau 6 tháng thực hiện để đảm bảo các cân đối vĩ mô chắc chắn hơn. 

Đề nghị cân nhắc về số liệu GDP giá thực tế khoảng 5,1 triệu tỷ đồng và chỉ số giá 4%. Việc xác định mức tăng GDP theo giá thực tế cần tính toán dựa trên các số liệu dự báo khoa học, theo đó, các tỷ lệ %GDP như bội chi ngân sách nhà nước và nợ công sẽ phản ánh đúng thực trạng cân đối ngân sách nhà nước. 

Về phân bổ chi thường xuyên, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2017 cần triệt để tiết kiệm, bố trí, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên cho lĩnh vực quốc phòng, an ninh, chính sách đối với con người, bảo đảm đúng các tiêu chí, định mức phân bổ đã được quyết định. 

Đối với dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường (1.880 tỷ đồng), Ủy ban thấy rằng Chính phủ đã bố trí dự toán bảo đảm tỷ lệ 1% tổng chi ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, trong thời gian qua, sự cố môi trường Formosa đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường của các tỉnh miền Trung, đề nghị Chính phủ có ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ các địa phương này trong việc xử lý sự cố môi trường. 

Ngày mai (21/10), các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp và thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự./. 

Nguồn: QUỲNH HOA (TTXVN/VIETNAM+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *