Bên bờ hạnh phúc

II. SINH HOẠT KINH TẾ CỦA NGƯỜI KHMER TỈNH VĨNH LONG

Hoạt động kinh tế chính của người Khmer ở Vĩnh Long là nông nghiệp, trong đó chủ yếu là nông nghiệp lúa nước. Bên cạnh nghề nông, họ cũng làm các ngành nghề khác như chăn nuôi, đánh bắt cá đồng, buôn bán nhỏ. Trước đây, họ cũng làm các nghề thủ công truyền thống như đan, rèn, dệt, làm gốm. Hiện nay ở Vĩnh Long chỉ còn lại một vài gia đình người Khmer làm nghề đan tre, sử dụng nguồn nguyên liệu tre, trúc vốn có sẵn tại địa phương, nhưng cũng chỉ để sử dụng trong gia đình mà thôi. Nghề rèn, dệt, làm gốm… của người Khmer ở Vĩnh Long đã không còn trong nhiều năm qua.

Trong nghề nông truyền thống, người Khmer phân biệt các loại ruộng đất khác nhau và trên mỗi loại, họ canh tác những loại cây trồng khác nhau cũng như có kỹ thuật canh tác thích hợp cho từng loại. Nói chung, có hai loại ruộng đất chính là ruộng để canh tác lúa (srê) và “rẫy” (chăm-ka) để trồng các loại hoa màu. Trong hai loại trên, ruộng lúa chiếm phần lớn và còn được phân biệt thành nhiều loại dựa vào địa hình như ruộng gò (srê toul), ruộng vừa (srê chumrơn) và ruộng rộc (srê tộ). Còn rẫy (chăm-ka) là đất thổ canh trên giồng, trên các vùng chân núi. Trên mỗi loại ruộng, người Khmer canh tác những giống lúa thích hợp và có thời gian canh tác khác nhau, được phân biệt thành vụ lúa sớm, vụ lúa mùa và vụ lúa muộn. Trên loại ruộng vừa canh tác hai vụ, họ cũng quen gọi vụ hè thu hay vụ đông xuân như nông dân người Việt trong vùng. Ở Vĩnh Long, rẫy (chăm-ka) chủ yếu nằm trên các giồng và thường ít hơn các vùng khác do các giồng thường nhỏ và do đó chỉ có một số ít gia đình có rẫy để canh tác các loại hoa màu (các loại rau cải, bầu bí, khoai bắp, đậu phộng… ).

Người Khmer thường nuôi bò để làm sức kéo, trong khi người Kinh ở lân cận lại thích nuôi trâu hơn  

Trước năm 1975, ruộng nước của người Khmer canh tác chủ yếu một vụ trong năm và thường là các loại lúa dài ngày (lúa mùa). Vụ mùa bắt đầu từ tháng 4 – khi mùa mưa bắt đầu, sau khi tổ chức lễ Chol Chnam thmay – kéo dài đến tháng 12 hoặc thánh giêng năm sau. Các khâu canh tác chủ yếu là làm đất, gieo cấy, chăm sóc và thu hoạch. Khâu làm đất gồm cày, bừa, trục. Thời gian làm đất kéo dài từ 1 – 2 tháng, tức là từ tháng 4 đến tháng 6. Trong thời gian làm đất, người nông dân Khmer cũng đồng thời gieo mạ để đến khi làm xong đất là mạ vừa để cấy. Khâu làm đất cũng gồm cả làm đất mạ. Đất dùng để gieo mạ được chọn lựa ở những mảnh ruộng có điều kiện tưới tiêu tốt để giữ nước cho mạ, nhất là trong những ngày mới gieo mạ. Việc gieo mạ là công việc của nam giới và đòi hỏi người gieo mạ phải có kỹ thuật và kinh nghiệm để gieo giống cho thật đều. Tùy theo thời tiết từng năm, điều kiện chuẩn bị đất của từng gia đình mà mạ từ khi gieo đến khi được nhổ để cấy có thể có tuổi từ một tháng đến 1,5 tháng. Nông cụ để làm đất gồm có cày, bừa, trục, cuốc, leng, xẻng… và sức kéo chính (trong giai đoạn từ trước năm 1975) là bò hoặc trâu. Cũng cần lưu ý là người Khmer thường nuôi bò để làm sức kéo, trong khi người Kinh ở lân cận lại thích nuôi trâu hơn. Bò cũng dùng để kéo xe và từng là phương tiện vận chuyển khá quan trọng của người Khmer.

Trước đây, khi còn canh tác chủ yếu một vụ lúa trong năm thì người Khmer thường canh tác các loại giống lúa mùa, trong đó có một số giống lúa đã phổ biến chung trong vùng và có thể cả vùng ĐBSCL như “nàng quớt” (neang quơt), giống “móng chim”, “nàng tây” (neang tai). Ngoài ra, họ cũng canh tác các loại nếp (nôp) như nếp “khơnôp”, nếp “thêvôđa”. Trong hơn 10 năm gần đây, trên vùng ĐBSCL nói chung và ở tỉnh Vĩnh Long nói riêng, người Khmer đã canh tác từ 2 – 3 vụ lúa và thường canh tác các giống lúa cao sản. Kỹ thuật canh tác vì vậy cũng có những thay đổi nhất định, do tăng vụ và sự phát triển của các dịch vụ trong nông nghiệp, nhất là cơ giới hóa trong khâu làm đất cũng như trong khâu thu hoạch : thuê máy kéo, máy phóng… Trong khâu chăm sóc, họ cũng sử dụng các loại thuốc diệt cỏ để giảm bớt sức lao động.

Khi còn làm lúa mùa hay lúa một vụ, người Khmer thường gieo mạ rồi cấy. Ở những nơi đất gò, cứng, người thợ cấy phải dùng nọc cấy (sơch-val) chọc lỗ rồi tra mạ vào. Ở những nơi đất mềm, người đi cấy chỉ cần dùng ngón tay cái đưa rễ mạ vào đất và dùng các ngón tay kéo đất bít rễ mạ để cây lúa đứng vững. Nhổ mạ có thể do nam giới (đối với những đám mạ nặng nhổ, do mạ bám đất), cũng có thể do nữ giới làm, còn việc cấy thường là công việc của phụ nữ mặc dù nam giới cũng biết cấy. Hiện nay, người Khmer đã sử dụng kỹ thuật sạ, nhất là trong vụ hè thu như nông dân người Việt, do đó không cần gieo mạ, nhổ mạ và cấy như trước nữa. Tuy nhiên, vào vụ đông xuân, nhiều gia đình người Khmer cũng như người Việt vẫn phải gieo mạ, nhổ mạ rồi cấy như trước kia.

Công việc thu hoạch gồm cắt lúa, đập hoặc gặt rồi cho bò hay trâu đạp. Trước đây, khi làm lúa mùa, thân lúa cao, người Khmer thường dùng vòng hái (kan-điêu) để gặt lúa. Đến khi canh tác lúa cao sản, thân lúa thấp, họ không dùng vòng hái nữa, mà dùng lưỡi liềm để cắt lúa. Sau khi gặt lúa xong, người nông dân dùng bồ để đập lúa. Rơm được đưa về chất thành “cây rơm”, dùng cho trâu bò ăn hoặc dùng vào các việc khác. Gần đây, việc thu hoạch đã thuận tiện hơn nhờ có “máy phóng” và người ta chỉ cắt lúa, sau đó đưa vào “máy phóng” để “phóng”.          

TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *