Trong nhiều phum, người dân vẫn còn nhớ về lịch sử hình thành phum. Thí dụ, phum Tổng Hưng (xã Loan Mỹ) được biết mới hình thành dưới thời thực dân Pháp và vào thời đó, người tụ cư về đây vốn là những người nghèo khổ, phải bỏ phum sóc của mình chạy về đây để trốn thuế. Hay theo ông Kim Nai (77 tuổi, ấp Phù Ly II, xã Đông Bình) thì phum Phù Ly (Ankuli) ban đầu chỉ có gia đình của hai ông bà là ông Ơn và bà Ly đến khai phá. Sau đó có thêm 7 gia đình nữa đến cư ngụ, hình thành nên phum có tên là phum Ka-đây nằm bên rạch Ka-đây, khu vực cầu Ka-đây hiện nay. Ngôi chùa đầu tiên cũng gọi là chùa Ka-đây, nhưng sau đó được dời về bên sông Đông Thành (Prek Khana) và tại nơi là “Compong Khana”, đồng thời mang tên là chùa “Compong Khana”. Đến năm 1672, chùa chuyển về như vị trí hiện nay và sau đó được xây thêm một ngôi chùa nữa và người dân gọi ngôi chùa cũ là “chùa Dưới” và ngôi chùa mới xây là “chùa Trên” (tên chùa là Compong Rek Bô-pha). Chùa Trên còn có tên là Ankuli Rekche Se-krây Ut-đom nên từ đó, phum cũng mang tên là phum Ankuli. Nơi đây được người Việt gọi là Phù Ly và thành lập ấp Phù Ly. Năm 1998, ấp Phù Ly được chia làm hai ấp là ấp Phù Ly I và ấp Phù Ly II.

Phần lớn người Khmer ở Vĩnh Long đều cư trú ở vùng nông thôn, có nơi gọi là vùng sâu, vùng xa như Loan Mỹ (huyện Tam Bình), Trà Côn và Tân Mỹ (huyện Trà Ôn) ngoại trừ bộ phận người Khmer sống ở thị trấn Vũng Liêm đang trong quá trình đô thị hóa. Tuy nhiên, người Khmer ở thị trấn Vũng Liêm tuy có một bộ phận chuyển sang làm nghề buôn bán nhưng nói chung phần lớn người Khmer ở đây cũng sống chủ yếu bằng nông nghiệp và làm thuê trong nông nghiệp. Nếp sống giữa người Khmer ở nông thôn và vùng đô thị hóa này chưa có sự khác biệt đáng kể và yếu tố nông thôn vẫn còn đậm nét trong nghề nghiệp và sinh hoạt hàng ngày của họ.

Nét đặc trưng trong sự phân bố cư trú của người Khmer nói chung ở ĐBSCL là cư trú trên các giồng (phno), gồm cả các giồng ở vùng duyên hải (như ở tỉnh Trà Vinh) và các giồng ven sông (như ở Vĩnh Long). Ở Vĩnh Long, các giồng đất không nhiều như ở Trà Vinh, các phum thường tập trung ở các sông rạch, đặc biệt như các phum ở xã Loan Mỹ (trong xã Loan Mỹ có 9 phum thì có một phum nằm trên vùng đất giồng là phum Phno thuộc ấp Đại Thọ). Trong các phum này, người ta thấy một kiểu cư trú khác các phum định cư trên đất giồng. Các nhà như vậy cách nhau bởi các mương nước, một mảnh vườn để trồng rau và trồng vài loại cây ăn trái (cam, ổi, bưởi… ). Có nhà có đào ao nuôi cá, có nhà ở ven rạch có những đám dừa nước dùng để lợp nhà và cũng là một nguồn lợi đáng kể của gia đình. Cũng có thể gặp một số phum nằm ven hai bên sông rạch. Tuy có một số phum cư trú trên vùng đất thịt ven sông rạch và cảnh quan phum sóc người Khmer ở đây có nét khác biệt với những phum sóc cư trú trên giồng. Hình thức cư trú trên giồng cũng thấy rõ rệt ở Vĩnh Long. Ở Vĩnh Long, có một giồng đất chạy qua mà trên giồng này có một số phum người Khmer cư trú, đó là giồng Thanh Bạch (tiếng Khmer gọi là phno Baiso – nghĩa là “giồng rải đầy cơm”) (1)

Giồng này kéo dài từ xóm Lưới tới ấp Mỹ Hòa (xã Thiện Mỹ) qua ấp Mỹ Bình, xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn). Trên giồng này còn có lăng thờ Thống chế Điều bát tiền quân Nguyễn Văn Tồn. Tương truyền rằng viên thống chế này là một người Khmer, một võ quan dưới thời chúa Nguyễn Ánh, được mang họ Nguyễn do có nhiều công trạng.

Đối với những phum cư trú trên đất giồng thì phum thường kéo dài theo giồng, cũng có thể tạo thành cụm ở nơi giồng tẽ thành các nhánh phụ. Nhà cửa trong phum tương đối khá tập trung với cảnh quan khá đặc thù của vùng đất tương đối cao. Tùy vào chiều ngang của giồng (trung bình khoảng 200 – 500 mét) mà phum có sự phân bố nhà cửa thành nhiều lớp hoặc chỉ có hai dãy nhà chạy hai bên con đường chạy dài theo phum và thường là đường chính của phum. Trong các phum nằm trên đất giồng – đặc biệt là trong khuôn viên các ngôi chùa – người Khmer trồng nhiều tre, cây dầu, cây sao và nhiều loại cây lấy gỗ khác, đồng thời cũng canh tác các loại rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày như mía (trên giồng và trên phần đất ven chân giồng, tương đối cao hơn đất ruộng). Đất canh tác chính dùng để canh tác lúa là các cánh đồng ruộng nước ở hai bên giồng.

TS Phan Văn Đốp – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

———————————–

(1) Tục truyền rằng trên giồng này, đoạn nằm trên huyện Trà Ôn, đã diễn ra trận chiến giữa quân Nguyễn Ánh và quân Tây Sơn. Quân Nguyễn Ánh do Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn điều khiển và khi chiến trận xảy ra, lương thực của hai phía bị phá hủy mà theo tương truyền, cơm trắng rải đầy giồng, trên một vùng rộng lớn khiến cho người Khmer ở đây gọi đoạn giồng trên ở xã Thiện Mỹ và Tân Mỹ – huyện Trà Ôn là “giồng rải đầy cơm” (phno Baiso).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *