Bên bờ hạnh phúc

Không ít người bố, người mẹ khi thấy con sốt, ho, chảy mũi liền hỏi bạn bè hoặc tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con uống. 

Việc mua kháng sinh dễ dàng, sử dụng tràn lan, không cần có đơn của bác sĩ… là một nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của một số loại vi khuẩn kháng hầu hết các loại kháng sinh hiện có.

Ở Việt Nam, gần đây đã có một số loại vi khuẩn kháng thuốc. Tại Mỹ cũng đã xuất hiện vi khuẩn siêu kháng sinh vào tháng 5-2016. Hơn thế, việc dùng kháng sinh bừa bãi còn có thể dẫn tới những tác dụng phụ mà chỉ có thể phát hiện sau nhiều năm dùng thuốc. 

Vậy thì sử dụng kháng sinh như thế nào là đúng?

Kháng sinh là thuốc để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Do đó, chúng ta chỉ cho trẻ dùng kháng sinh khi có các bằng chứng cho thấy trẻ mắc bệnh do vi khuẩn gây nên. 

 

Việc xác định các bằng chứng này thường do bác sĩ khám thực tế và căn cứ vào một số xét nghiệm đơn giản. Các trường hợp trẻ viêm đường hô hấp nhưng có thể do virus thì việc sử dụng kháng sinh hoàn toàn không có hiệu quả.

Khi dùng kháng sinh cho trẻ cần phải theo nguyên tắc dùng đúng liều, đúng cách và lựa chọn kháng sinh an toàn cho trẻ.

Các biểu hiện của tình trạng trẻ mắc bệnh do vi khuẩn là thường sốt cao, da xanh tái, mệt mỏi, ăn kém, không chịu chơi ngay cả khi đỡ sốt. 

Có thể nhìn thấy các ổ nhiễm khuẩn gây sưng, nóng, đỏ, đau, có mủ như: mụn nhọt trên da, viêm cơ, áp xe cơ, viêm họng mủ, viêm tai có mủ, hoặc trong các bệnh do virus nhưng có bội nhiễm thêm vi khuẩn như nhiễm trùng da sau khi mắc thủy đậu… Ngoài ra, các trường hợp viêm đường hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu… có bằng chứng nhiễm vi khuẩn. 

Các bằng chứng nhiễm khuẩn có thể xác định được khi làm một số xét nghiệm đơn giản mà hầu hết các phòng khám và y tế cơ sở có thể làm được. Khi cơ thể nhiễm khuẩn thì chỉ số bạch cầu trong máu và CRP tăng cao, protein và tế bào trong nước tiểu thay đổi. Chụp X-quang phổi cũng có thể nhận định được tình trạng viêm phổi do vi khuẩn hay virus.

Khi đã xác định được có bằng chứng nhiễm vi khuẩn, các bác sĩ sẽ dựa vào lứa tuổi, vị trí nhiễm trùng mà lựa chọn một loại kháng sinh có độ đặc hiệu cao, không nên kết hợp nhiều loại kháng sinh. Do vậy, khi mua thuốc cho trẻ không nên tự ý đổi loại kháng sinh (thành phần), mà nên mua thuốc đúng thành phần đã được kê đơn và dùng đúng theo đơn. 

Nếu lần sau trẻ ốm thì không nên dùng lại đơn thuốc cũ, vì có thể trẻ mắc bệnh do loại vi khuẩn khác, bệnh khác, mặc dù có thể có một số triệu chứng giống lần trước.

Ở trẻ em Việt Nam, trong số các nguyên nhân gây sốt thì có tỉ lệ khá lớn là viêm đường hô hấp trên do virus bao gồm: viêm mũi họng cấp do virus, sốt virus, viêm tiểu phế quản do virus… 

Các trường hợp này có thể trẻ sốt cao, ho, chảy nước mũi trong, có thể mệt mỏi khi sốt cao, nhưng khi dùng thuốc hạ sốt thì trẻ đỡ sốt và tỉnh táo, chơi ngoan như ngày thường. Sốt do nhiễm virus thường cao nhất vào ngày thứ 2, thứ 3, sau đó nhiệt độ giảm dần, cơn sốt thưa dần, trẻ bình phục và kháng sinh không có tác dụng. Xét nghiệm cho thấy các chỉ số cảnh báo nhiễm vi khuẩn đều thấp.

Mặt khác, cơ thể trẻ còn non nớt, chức năng các cơ quan như gan, thận còn chưa hoàn thiện, mà các thuốc sử dụng đều thải qua gan, thận, nên khi dùng nhiều loại thuốc thì có thể gây ảnh hưởng xấu, suy giảm chức năng các cơ quan này.

Do vậy, để chữa bệnh cho trẻ an toàn, tránh các tác dụng phụ, giảm chi phí điều trị… cha mẹ nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về chăm sóc, theo dõi phát hiện dấu hiệu bệnh nặng, tình trạng nhiễm khuẩn và sử dụng thuốc hợp lý.

Nguồn: Chinhphu.vn 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *