Bên bờ hạnh phúc

Thời khai hoang lập ấp, vùng Vĩnh Long đã có tín đồ đạo Thiên Chúa. Thế nhưng vào thời nhà Nguyễn còn thịnh trị, do chính sách cấm đạo của triều đình, các tín đồ đạo Thiên Chúa phải lén lút ở những nơi hẻo lánh như Cái Mơn, Cái Nhum, Bãi Xan.

Năm 1962, thực dân Pháp đánh chiếm thành Vĩnh Long lần thứ I thì cùng với quân viễn chinh Pháp, các nhà truyền giáo cũng có mặt và hoạt động mạnh. Năm 1867, Pháp đánh chiếm Vĩnh Long và các tỉnh miền Tây xong, nhà thờ đầu tiên ở Vĩnh Long liền được xây dựng, cha sở được phụ trách về địa phương, các hoạt động của nhà thờ ngày càng được tăng cường, thu hút nhiều giáo dân, lập thêm nhiều chi nhánh.

Ngày 8/1/1938, địa phận Vĩnh Long chính thức thành lập do sắc lệnh của Tòa thánh Vatican, Ngô Đình Thục phụ trách địa phận. Sau khi tách ra khỏi giáo phận Sài Gòn, giáo phận Vĩnh Long có khoảng 40.000 tín đồ, 41 linh mục, 300 nữ tu sĩ Mến Thánh giá, 30 sư huynh Ki-tô giáo. Qua các thời kỳ khác nhau, các giám mục luôn chú trọng việc xây dựng cơ sở tín ngưỡng, phát triển giáo dân : Năm 1939, chỉnh trang Tòa Giám mục; năm 1944, xây dựng Tiểu Chủng viện, rồi Trung tâm Truyền giáo (1961), Trung tâm hành hương Fatima(1964), Nhà thờ Chánh tòa (1967)… Đi liền với kế hoạch phát triển giáo dân là những chương trình, kế hoạch hoạt động, phát triển văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, thu hút người ngoại đạo.

Hiện nay, giáo phận Vĩnh Long bao gồm một vùng rộng lớn với các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sa Đéc (Đồng Tháp) với diện tích 7.221 km vuông, dân số 3.620.000 người, giáo dân chiếm tỷ lệ 5%, gồm 165.576 người (với 138 linh mục, 2 giám mục, 40 chủng sinh, 445 nữ tu, 32 sư huynh). Ngoài hai dòng Mến Thánh giá Cái Mơn và Cái Nhum, tu viện Ki-tô giáo, giáo phận Vĩnh Long còn mở rộng vòng tay đón tiếp các dòng tu lớn khác như Chúa cứu thế, dòng Phước Sơn, Saint Paul, Vinh Sơn, Đấng chăn chiên, Chúa quan phòng… Tuy địa phận rộng lớn, dân cư sống đông đúc nhưng giáo dân phân bố không đều. Giáo dân chỉ tập trung ở các giáo xứ lớn như Mặc Bắc (Trà Vinh) có khoảng 14.500 người, Cái Mơn (Bến Tre) có 14.000 người, Bãi Xan (Trà Vinh) có 4.000 người, Mai Phốp (Vũng Liêm) có 4.500 người… Các giáo dân còn lại thường sống rải rác ở các họ đạo nhỏ, trong đó có 79 giáo xứ có linh mục thường trú, còn 112 giáo xứ không có linh mục, thường do các nữ tu chăm sóc giáo dân. Các linh mục chỉ đến cử hành lễ vào ngày Chúa nhật hay các ngày lễ khác trong năm (riêng trên địa bàn Vĩnh Long có 33.145 tín đồ Thiên Chúa giáo, 2 giám mục, 41 linh mục, 55 học đạo. Về cơ sở tôn giáo, có một Tòa Giám mục, một Tiểu Chủng viện, một Nhà hưu dưỡng, 52 Nhà thờ hoặc Nhà nguyện).

Giáo dân Vĩnh Long đại bộ phận ngoan đạo, ít tư tưởng cấp tiến, sống hòa đồng cùng với các tôn giáo khác. Cũng có nhiều người nhiệt tình trong các hoạt động văn hóa xã hội. Nhưng đối với giáo dân vùng xa xôi hẻo lánh, thiếu sự giúp đỡ của linh mục hoặc tu sĩ nên thiếu căn bản giáo lý, dễ trở thành tín hữu hoặc công dân chậm tiến bộ.

Trước năm 1975, Công giáo ở Vĩnh Long luôn bị thực dân, đế quốc hoặc các thế lực phản động mua chuộc, lợi dụng. Một số linh mục, tuyên úy cộng tác cho kẻ địch chống phá cách mạng. Một bộ phận tín đồ cuồng tín làm tay sai, làm công cụ cho kẻ thù chống lại lợi ích dân tộc, gây chia rẽ giữa các tôn giáo. Nhưng trong đó cũng có những tu sĩ là người nặng tình quê hương đất nước, những giáo dân theo khuynh hướng “kính Chúa yêu nước”, trực tiếp hoặc gián tiếp ủg hộ cách mạng.

Hiện nay, nhiều linh mục thông hiểu chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, dần dần xóa bỏ thành kiến mặc cảm nên có sự kết hợp giữa đạo và đời, cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng xã hội công bằng, văn minh, cụ thể là Ki-tô hữu giữa lòng dân tộc.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *