Bên bờ hạnh phúc

Phật giáo Hòa Hảo do ông Huỳnh Phú Sổ khởi xướng. Hòa Hảo là một làng quê vùng An Giang, quê hương ông Huỳnh Phú Sổ.

Do bệnh tình, thuở còn trẻ, ông Huỳnh Phú Sổ thường lên núi Cấm tìm thầy chữa trị. Tại đây, ông đã học đạo và tu hành theo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

An Giang

Năm 1937, Huỳnh Phú Sổ trở về quê. Lúc bấy giờ, vùng An Giang đang bị nạn lụt, người bệnh rất nhiều. Ông Huỳnh Phú Sổ đã mang tài trị thuốc Nam mà ông học được ở vùng Thất Sơn cứu sống nhiều người, gây úy tín lớn.

Tháng 5 năm Kỷ Mão (1939), Huỳnh Phú Sổ bắt đầu rao giảng Phật giáo Hòa Hảo. Giáo lý lấy từ tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, tức các phần “Tứ trọng ân”, “Bát chính đạo”, “Diệt tam nghiệp”… của Phật giáo, có thể tóm tắt bằng nguyên lý “học Phật tu nhân”. Phật giáo Hòa Hảo chủ trương thờ Phật (tượng trưng bằng tấm trần điều), trời đất (bàn thông thiên), tổ tiên (Cửu huyền thất Tổ). Hình thức thờ cúng đơn giản, chỉ dùng bông hoa và nước lạnh tinh khiết. Tu hành không cần xuất gia, không trường trai, tuyệt dục. Kinh kệ sáng tác bằng văn vần, lối văn mộc mạc, có nhiều ẩn dụ kín đáo, nhiều người nghe phải bàn thêm. Bên cạnh đó, ông còn đi sâu vào con đường “cứu thế”, đưa ra những tuyên truyền rùng rợn để khuyến dụ người vào đạo.

Khi khởi xướng, đạo Hòa Hảo chỉ phổ biến ở vùng An Giang. Mãi đến tháng 3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp, nạn đói xảy ra trầm trọng, Huỳnh Phú Sổ đi khắp nơi lợi dụng việc khuyến nông để truyền bá giáo lý theo tôn chỉ của mình. Ông đã đến Vĩnh Long, Chợ Lách, Tam Bình, Vũng Liêm để truyền đạo. Sau chuyến đi, do tiếng vang lớn của Huỳnh Phú Sổ, số lượng tín đồ Hòa Hảo ở Vĩnh Long tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, cơ sở tín ngưỡng và tín đồ Hòa Hảo chỉ tập trung ở khu vực Cái Vồn và các vùng phụ cận Bình Minh.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Huỳnh Phú Sổ thành lập Việt Nam dân chủ xã hội đảng (gọi tắt là đảng Dân xã). Chương trình của đảng gồm lĩnh vực chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội – giáo dục – quân sự… và chính ông làm thủ lĩnh của nhóm này. Từ đó, Phật giáo Hòa Hảo là một tổ chức chính trị, không còn thuần túy tôn giáo nữa. Và cũng do đó, thực dân Pháp đã lợi dụng các tổ chức của Phật giáo Hòa Hảo bằng cách huấn luyện họ trở thành lực lượng đối kháng lại nhân dân, đối kháng lại Việt Minh như nhóm Lê Quang Vinh (Ba Cụt), nhóm Nguyễn Giác Ngộ, Lâm Thành Nguyên… Riêng tại Cái Vồn và các vùng lân cận, Hòa Hỏa đã thành lập 3 tiểu đoàn lưu động và 21 đại đội bảo an gồm khoảng 3.000 tên do Trần Văn Soái (tự Năm Lửa) chỉ huy. Nhóm này xuất bản tờ báo Chiến đấu. Chúng là những tên mê tín, hiếu sát, phá vỡ nhiều cơ sở cách mạng. Thực dân Pháp chỉ cung cấp vũ khí, không cấp lương. Trần Văn Soái tự do thu thuế, vơ vét của cải của nhân dân, còn đám quân dưới quyền cũng chỉ là bọn cướp bóc ô hợp.

Nhưng đa số tín đồ Hòa Hảo xuất thân từ thành phần lao động, nông dân chất phác nên có cảm tình với cách mạng. Do đó, có một số tín đồ, chức sắc về sau có đóng góp quan trọng cho lực lượng kháng chiến chống ngoại xâm. Điển hình như Tiểu đoàn Lý Thường Kiệt là tiểu đoàn giáo phái với nòng cốt là chức sắc và tín đồ Hòa Hảo, là tiền thân của Tiểu đoàn 857 Anh hùng ngày nay.      

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm dùng kế hoạch vừa đàn áp, vừa vuốt ve nên các lực lượng tổ chức của Năm Lửa bị tan rã. Từ đó, Phật giáo Hòa Hảo tại Vĩnh Long chỉ còn thoi thóp. Mãi đến khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, những người lợi dụng tôn giáo đã vận động tái lập Ban trị sự Giáo hội và Dân xã đảng. Phật giáo Hòa Hảo có tư cách pháp nhân nên lại rầm rộ hơn trước. Thế nhưng nội bộ vẫn bị chia rẽ trầm trọng, chia ra nhiều nhóm.

Tại Vĩnh Long, nhóm Phan Bá Cầm và Trương Kim Cù hoạt động mạnh và cũng chỉ rầm rộ trong tầng lớp lãnh đạo. Đa số tín đồ vẫn mộc mạc, chất phác… không biết mình bị lợi dụng. Trước năm 1975, ở Vĩnh Long có 14.337 tín đồ đạo Hòa Hảo và 83 trụ sở và đọc giảng đường (riêng tại Bình Minh có 45 cơ sở). Năm 1967, trong tỉnh Vĩnh Long có 2 dân biểu đại biểu cho Phật giáo Hòa Hảo, có 30% đại biểu HĐND là tín đồ đạo Hòa Hảo.

Hiện nay, tín đồ Hòa Hảo hành đạo tại gia, còn khoảng 47.000 người. Những tín đồ lớn tuổi vẫn giữ nề nếp cũ : để râu, để tóc, mặc đồ bà ba đen, tu hành cúng lại… Còn con cháu họ lại nhạy cảm với cái mới nên vượt ra khỏi nề nếp gia đình, học hành, lao động và tích cực hoạt động xã hội.

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *