Bên bờ hạnh phúc

Đạo Cao Đài bắt đầu từ cuộc cầu cơ của giới công chức, thanh niên, trí thức vào những thập niên đầu của thế kỷ XX. Một sự kiện rất quan trọng là cuối năm 1920, ông Ngô Minh Chiêu (một tín đồ đạo Minh Sư, công chức đang làm việc tại Hà Tiên) cầu cơ và gặp đức Cao Đài Thượng đế. Tiếp theo sau, các ông Phạm Công Tắc, Cao Quỳnh Cư, Cao Hoài Sang, Lê Văn Trung… tham gia phong trào và gặp hiện tượng như vậy, số người tham gia ngày càng đông và đến ngày 7/10/1926, họ làm đơn gửi Thống đốc Nam kỳ xin thành lập đạo Cao Đài.

Cao Đài là một tôn giáo mới ở Việt Nam. Tôn giáo này tôn thờ Thượng đế. Giáo lý kết hợp các tôn giáo Phật, Lão, Nho, Thiên chúa, tín ngưỡng dân gian (Thần đạo). Đạo Cao Đài có tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Kinh kệ và giáo lý đều ghi chép bằng chữ quốc ngữ nên tín đồ dễ đọc, dễ hiểu, dễ phổ biến.

Thế nhưng sau khi thành lập, do nhiều nguyên nhân nên nội bộ không đoàn kết, bị chia ra nhiều phái (có tài liệu ghi 12 phái).

1/ Cao Đài Tiên thiên

Phái Tiên thiên Đại đạo Cao Đài thành lập 6 năm sau ngày khai đạo (tức năm 1932) tại Thánh tịnh Thiên Thai (Cai Lậy – Mỹ Tho). Sau đó, Tòa thánh Cao Đài Tiên thiên dời về Sóc Sãi (Bến Tre). Nhưng Cao Đài được truyền bá xuống vùng Vĩnh Long từ năm 1928. Nguyên tại xã Tân Long Hội có Phật đường Kim Linh của ông Trương Như Thị (tu hành theo đạo Minh Sư) nên ông Đốc học Nguyễn Bửu Tài (quê ở Bến Tre), Đốc phủ Nguyễn Văn Ngàn và Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Ca (ở Tân An), ông Phủ bộ Phan Văn Tòng (ở Tam Bình), ông Lê Kim Tỵ (ở Gia Định) thường đến truyền giảng đạo Cao Đài. Số người nhập môn đạo Cao Đài ở vùng này ngày càng đông nên năm 1932 thành lập chi phái Tiên thiên Đại đạo Cao Đài thì cũng xây dựng Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang tại xã này.

Đến năm 1940, thực dân Pháp nghi ngờ đạo Cao Đài nên đóng cửa Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang, cấm hành đạo. Mãi đến sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, tín đồ đạo Cao Đài mới được tự do hành đạo. Trong hai thời kỳ kháng chiến, đa số tín đồ Cao Đài Tiên thiên đều tham gia kháng chiến với danh nghĩa hội viên Hội Cao Đài cứu quốc. Một chức sắc cao cấp của giáo hội như Ngọc Đầu sư Nguyễn Văn Ngợi là Ủy viên Mặt trận Giải phóng miền Nam. Thánh tịnh Ngọc Sơn Quang (Tân Long Hội) là nơi khởi xướng phong trào cầu nguyện vì hòa bình.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo của UBND tỉnh Vĩnh Long (năm 1997), trong toàn tỉnh, chi phái Cao Đài Tiên thiên có 3 Ban trị sự, 25 Thánh tịnh, 441 chức sắc chức việc và 8.191 tín đồ.

2/ Cao Đài Tây Ninh

Đại đạo Cao Đài phổ độ (thuộc Tòa thánh Tây Ninh) là nhóm Cao Đài tại Thánh địa Tây Ninh của ông Hội đồng Quản hạt Lê Văn Trung làm quyền Giáo tông, ông Hộ pháp Phạm Công Tắc, Thượng phẩm Cao Quỳnh Cư, Đầu sư Nguyễn Ngọc Thơ, nữ Đầu sư Lâm Hương Thanh (bà là người Vũng Liêm). Đứng đầu nhóm Cao Đài này là ông Lê Văn Trung, nhưng sau khi ông mất (năm 1934) thì do ông Phạm Công Tắc chưởng quản.

Tại Vĩnh Long, sau năm 1945, những người Cao Đài thuộc Tòa thánh Tây Ninh đã thành lập quân đội, đối kháng lại lực lượng kháng chiến. Từ đó, nhóm Cao Đài này phát triển. Năm 1997, trong toàn tỉnh (theo thống kê của Ban Tôn giáo, năm 1997), có 18 Thánh thất (và 4 đền thờ Phật mẫu), 7 chức sắc, khoảng 10.000 tín đồ.

3/ Cao Đài Ban chỉnh đạo

Đại đạo Tam Kỳ phổ độ dưới quyền ủng hộ của Đức giáo tông Nguyễn Ngọc Tương (tục gọi Cao Đài Ban chỉnh đạo) do ông Đốc phủ sứ Nguyễn Ngọc Tương (Phối sư) và ông Đốc phủ sứ Lê Văn Trung (Phối sư) thành lập năm 1934. Tòa thánh của chi phái này đặt tại Thánh thất An Hội (Bến Tre).

Trong suốt hai cuộc kháng chiến, chi phái này có cảm tình với cách mạng. Nhiều chức sắc đã tham gia cách mạng. Thế nhưng, chi phái Cao Đài Ban chỉnh đạo chỉ phát triển ở vùng Bến Tre, Cần Giuộc. Tại Vĩnh Long hiện nay chỉ có 6 Thánh thất, 3 chức sắc và khoảng 3.000 tín đồ.

4/ Cao Đài phái Chiếu Minh Đàn

Ông Tri phủ Lê Văn Chiêu là người khởi xướng đạo Cao Đài, nhưng ông chủ trương ẩn tu. Lúc thành lập đạo Cao Đài, ông khước từ, không gia nhập. Suốt cuộc đời làm công chức rày đây mai đó nên chi phái Cao Đài của ông không phổ độ. Mãi đến năm 1931, lúc đã hưu trí, ông mới về Cần Thơ truyền bá tôn chỉ của ông. Ông mất năm 1932.

Tại Vĩnh Long, chi phái Cao Đài Chiếu Minh Đàn có khoảng 1.000 tín đồ và 4 Thánh thất tại Bình Minh (do gần Cần Thơ).

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *