Bên bờ hạnh phúc

Người ta thường nói đi bắt rắn chớ ai lại đi câu rắn, ấy vậy mà anh Năm Tín ở Long Hồ lại đi câu rắn, mà lại câu rất giỏi. Theo anh, tỷ lệ câu được rắn trong một vùng rất cao, vì vậy không nên câu nhiều lần ở một vùng để rắn còn có thể phát triển trở lại.

Trước ngày giải phóng, nhiều vùng ở Vĩnh Long bị hoang hóa, lắm ao, bưng rậm rạp nên trăn rắn phát triển nhiều. Còn có lý do khác là cá tôm dưới sông rạch lúc đó nhiều vô kể nên ít ai chú ý đến bọn rắn, trừ số người thích lai rai thỉnh thoảng muốn đổi món. Những lần như vậy là lúc anh Năm chiều ý bạn bè ra tay câu rắn để chế biến thành mồi nhậu.



Câu rắn

 

Thời ấy, số cán bộ thường phải di chuyển theo yêu cầu công tác, để cải thiện bữa ăn hàng ngày, có người cẩn thận mang theo trong ba lô một tay lưới bén nhỏ, đơn giản nhất là một cuộn dây gân và một ít lưỡi câu. Anh Năm Tín là một người trong số đó. Câu là “nghề” của anh, vừa đến nơi ở mới chỉ cần tìm được mồi câu là bữa cơm của anh em có cá, chuyện tát cá, mò tôm là chuyện của hồi sau…

Chuyện câu cá hồi đó cũng đơn giản, quan trọng là ở mồi câu, vì gần như mương rạch nào cũng đầy cỏ lác mặc cho cá sinh sôi nên cần câu không quan trọng lắm, chỉ cần một khúc sậy dài khoảng 2 gang tay rồi cột ở giữa một đoạn dây gân có lưỡi câu là có ngay một cần câu, mà sậy thì nơi nào chẳng có.

Cần câu có cấu tạo như thế không hiểu từ lúc nào nó được đặt tên là cần câu thả để phân biệt với cần câu cắm (cắm xuống đất). Với cần câu thả, dù con cá lóc hay con lươn lớn cả ký lô cũng khó lòng thoát khỏi khi mắc câu. Vì khi mới mắc câu, chúng còn rất khỏe nên cố lôi cần câu đi và kéo chìm xuống nước, tức thì cần câu sẽ vướng vào cỏ lác trì lại, cá đuối sức thì cần câu sậy lúc này như cái phao lại nổi lên.

Cứ như vậy, con cá dù khỏe đến đâu sau một lúc trì kéo như thế rồi cũng đến lúc kiệt sức nằm phơi bụng chịu chết. Lúc đi thăm câu nhớ nơi thả cứ tìm mấy khúc sậy đó, rất khó bị thất lạc. Còn như không thấy khúc sậy đâu thì mừng đi, một là đã giúp được ông bạn nào đó đang lúc thắt ngặt thức ăn đã “mượn” tạm, hai là cần câu đang dính một con cá lớn, nó lôi cần câu mắc vào cỏ rác kẹt sâu dưới nước, cứ dùng chân rà rà quanh nơi thả cần câu là phát hiện ra ngay.

Việc câu rắn của anh Năm Tín cũng với các cần câu thả tương tự như vậy, có khác đi là ở mồi câu và cách thả câu mà thôi. Anh cho biết rắn rất khỏe, nhất là các con rắn lớn, khi mắc câu chúng thường xoắn mình làm “cóc” dây câu nếu là dây gân (xoắn dây câu) để dây câu đứt mà thoát thân, không như các con lươn thường chỉ biết trì xuống.

Nhưng nếu thay dây gân bằng dây chỉ ny- lông có cỡ dùng để kết viền chài thì con rắn dù lớn cũng chào thua nếu lưỡi câu không gãy. Khi thăm câu thấy đứt dây câu biết là đã sẩy một con rắn lớn, anh hay tếu táo cho rằng rắn lớn có thể là rắn độc gặp nó thì nguy hiểm, mà rắn lớn thì thịt dai nhách, chẳng ham…

Mà rắn lớn thì có khi chẳng ham thật, số là có lần nhóm công tác chúng tôi về đóng trên một cái gò giữa đồng thuộc xã Mỹ Lộc (Tam Bình). Một buổi sáng sớm đi thăm lưới chúng tôi mới hay lưới của mình đã dính một con rắn hổ bướm (còn gọi là con nưa) to cỡ 7- 8kg.

Con nưa đã chết ngộp do mắc lưới khá lâu, nhưng cái đầu của nó với cái mũi vênh lên thù lụ trông vẫn còn ghê ghê, nên chúng tôi bàn nhau chặt bỏ đầu nó trước khi đem về trại để mọi người đỡ thấy ngán. Thật ra, con nưa ngoài cái đầu như kể trên, người ta thường kháo với nhau là nó có tới 9 lỗ mũi và có cái đuôi có vẻ hơi dài hơn con trăn một chút, chớ toàn thân nó trông phớt qua chẳng khác nào một con trăn gấm rất đẹp.

Vì biết là “con nưa”, nên buổi cơm sáng hôm ấy gần phân nửa người trong nhóm không dám ăn thịt nó, nên chúng tôi chỉ chặt nhỏ một phần gần đuôi con nưa để xào với gốc hành. Đúng là rắn lớn mà chế biến qua loa như thế thì quả là không ham, số người hưởng ứng đã ít mà thịt của nó có cả da nên rất dai, chúng tôi đành trệu trạo cho qua bữa.

Rút kinh nghiệm, buổi cơm chiều anh em chế biến các món đúng điệu hơn, nên món rắn có chuyển biến lớn về chất lượng cũng như số người tham gia, do có thêm số người từ sáng đã “án binh” giờ thấy chúng tôi ăn thịt con nưa vẫn mạnh giỏi nên không còn ngại nữa. Buổi ăn thịt con nưa hôm ấy là một kỷ niệm vui nhớ đời về kinh nghiệm ẩm thực của chúng tôi.

Trở lại chuyện câu rắn, theo anh Năm Tín mồi để câu rắn là “bí quyết” của anh, nhưng dù vậy anh vẫn không giấu được ai vì mồi câu được chế biến rất đơn giản: Chúng được làm từ một con lươn nhỏ cỡ ngón tay trỏ người lớn.

Con lươn được cắt thành những khoanh cho vừa miếng ăn của một con rắn không lớn lắm, các khoanh lươn lúc đó trông chẳng khác nào các khoanh lươn mà các bà nội trợ chuẩn bị để… kho sả ớt. Có điều phải chú ý khi làm mồi câu là nên cắt phần chót đuôi lươn trước để lấy máu rồi dùng chính máu này tẩm vào các khoanh mồi trước khi đem phơi nắng cho heo héo thì mồi mới nhạy.

Hỏi anh học được “chiêu” này từ đâu, anh mắng người hỏi là đồ ngốc rồi bật mí: “Ông Trời dạy!” Anh giải thích đơn giản: “Bộ chưa từng thấy mấy con rắn trung cố nuốt trọng con lươn sao?”

Bí quyết của anh cũng nằm ở cách thả câu, kinh nghiệm của anh là rắn ban đêm hay ra đường đi để tìm mồi, nên cứ theo các con đường mà lựa thế thả câu, các con đường có nước xăm xắp luồn lách giữa các bãi lau sậy hay các bụi ráng là hết ý.

Có điều kiểu thả câu của anh thường chỉ bắt được các loại rắn hiền như rắn trung, rắn ri cá, ri voi, rắn nước, rắn bông súng, rắn hổ hành,… Tuy vậy, anh vẫn nhắc kỹ là khi đi thăm câu cũng phải kiên nhẫn đợi trời sáng tỏ và nhớ đem theo cây hay dao mác để đề phòng gặp rắn độc…

Rắn anh câu được chủ yếu bằng ngón chân cái trở lại nên rất dễ chế biến, ít tốn thời gian, nhất là món nướng mọi, đặc biệt là món rắn này chẳng cần tẩm gia vị gì. Bẻ một khúc rắn nướng thơm phưng phức, chấm vào chén muối hột đâm với mấy trái ớt hiểm thêm một chút nước cốt trái chanh để “đưa cay” là các bạn nhậu có thể kể khối chuyện trên đời.

Cầu kỳ hơn có thể dần cho mềm xương rồi bầm nhuyễn thịt rắn đem xào với lá cách, món này làm mồi nhậu rất bắt mà để ăn cơm cũng rất hao cơm. Nếu được rắn to hơn một chút hay có vài chú hổ hành thì nấu cháo đậu xanh, nhậu xong là ngủ mát trời ông địa.

Nhưng các bạn nhậu của anh Năm thích nhất vẫn là nồi rắn hầm sả “tạp bí lù” với nhiều loại rắn của anh. Theo họ, hình như mỗi khúc rắn khác nhau trong nồi có mùi vị cũng khác. Lại nữa, đây là món nhậu có nước, đang nhậu được húp một muỗng nước hầm thịt rắn nóng hổi và ngọt thấu xương sẽ như dằn được mấy ly rượu không chịu nằm yên trong bao tử.

Tuy vậy, vẫn thường nghe anh Năm than rằng bạn nhậu thì nhiều, nhưng ít người chịu học nghề câu này để thỉnh thoảng làm mồi nhậu mời bạn bè. Lại còn có thằng bạn sau khi được nhậu quắc cần câu với mồi rắn còn lớn tiếng dạy đời, khuyên anh nên từ bỏ việc câu rắn để tránh có cái ngày “sinh nghề tử nghiệp”. Thằng khác thì cho rằng câu như thế là “đản hậu” vì rắn sẽ tuyệt chủng, là có tội với con cháu…

Nghe lũ bạn này nói, có lần tuy đã say líu cả lưỡi anh cũng cố nhướng mắt lên xua tay chống chế: “Tao đội ơn các cha, nếu ai cũng chỉ nói mà vẫn khoái nhậu thịt rắn như các cha thì rắn cũng tuyệt chủng thôi!”.

Theo Báo Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *