Bên bờ hạnh phúc

B. TÔN GIÁO Ở VĨNH LONG

Cũng như các tỉnh ĐBSCL, do nhiều hoàn cảnh lịch sử nên tỉnh Vĩnh Long có nhiều tôn giáo : đạo Phật, đạo Thiên chúa, đạo Cao đài, đạo Tin lành và đạo Hòa hảo.

Riêng về Nho giáo, tuy có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của người địa phương nhưng chỉ thiên về tập tục, lễ nghi… Nói một cách nào đó, họ chỉ chú trọng đến phần triết lý (hình nhi hạ) chứ không xây dựng được hệ thống giáo quyền và cũng không có các cấp hành đạo như tôn giáo khác. Ở Vĩnh Long, mặc dù Nho giáo không phát triển mạnh như ở miền ngoài, nhưng so với Nam bộ thì cũng khá trội. Do đó, bộ mặt văn hóa của tỉnh nhà cũng có phần sâu đậm không thua kém các địa phương khác.

ĐẠO PHẬT

Theo thống kê năm 1997, trong toàn tỉnh Vĩnh Long :

– Người Khmer có 13 chùa, khoảng 180 – 200 sư sãi (con số thường biến động do xuất gia hoàn tục) và khoảng 20.000 tín đồ.

– Người Việt có :

+ 117 tự viện hệ phái Phật giáo Bắc tông

+ 3 chùa hệ phái Phật giáo Nam tông (người Việt và người Khmer)

+ 17 tịnh xá hệ phái Du tăng khất sĩ (còn 7 tịnh thất khất sĩ chưa được xác nhận)

– Trong tỉnh có 468 tăng ni, khoảng 3.000 tín đồ thuần thành. Số không qui y nhưng thường đến chùa tham gia Phật sự khoảng 12.000 người. Ngoài ra còn khoảng 100.000 người có ảnh hưởng của đạo Phật (nhà có thờ Phật, thường ăn chay, niệm Phật nhưng không qui y Tam bảo).

Nhìn chung, đạo Phật ở Vĩnh Long mang nhiều tính chất tín ngưỡng hơn tôn giáo. Trong chùa, ngoài việc thờ Phật và các vị Bồ tát, đôi khi còn thờ các vị thần theo tín ngưỡng dân gian. Trong sinh hoạt vào các ngày lễ thuần túy, đạo Phật lại ít người đến chùa hơn vào các ngày lễ dân gian như ngày cúng sao hội (mùng 8 tháng Giêng), ngày Tam nguyên (rằm tháng Giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng Mười). Các ngày lễ này gốc của đạo Lão, được đạo Phật đưa vào chùa, mang tính cầu phúc, cầu an.

Đạo Phật ở Vĩnh Long có nhiều hệ phái, nhiều nguồn gốc.

I. HỆ PHÁI PHẬT GIÁO BẮC TÔNG

1/ Đại Nam nhất thống chí cho biết, vào khoảng đầu thế kỷ XIX, có một vị cao tăng là Huỳnh Đức Hội xây dựng chùa Di Đà tại Vĩnh Long để hoằng dương Phật pháp. Đây là một đại già lam đầu tiên ở Vĩnh Long, được xếp vào hạng thắng tích. chùa Di Đà ở bãi Tiên, cảnh đẹp như cảnh Tô Châu nên còn gọi là chùa Tiên Châu hay chùa Tô Châu. Qua nhiều tài liệu, chúng ta biết Hòa thượng Đức Hội còn có pháp danh Tánh Minh, đời thứ 38 dòng Lâm Tế thuộc chi phái Liễu Quán. Dòng thiền này xuất phát từ kinh đô Huế nhưng bổn sư của Hòa thượng Đức Hội là Hòa thượng Khánh Long, người khai sáng chùa Hội Sơn (Thủ Đức) và chùa Khánh Long (Biên Hòa). Hòa thượng Đức Hội là vị trụ trì từ đời thứ ba của chùa Hội Sơn trước khi xuống vùng Vĩnh Long. Có lẽ Hòa thượng là người Biên Hòa – Gia Định.

Sau Hòa thượng Đức Hội có Hòa thượng Giác Nguyên (tức Hòa thượng Tế Triệt) đến chùa Tiên Châu hành đạo trước khi về Cao Lãnh xây dựng chùa Tân Long. Hòa thượng Giác Nguyên là đệ tử của Hòa thượng Liễu Đạt (tức Tăng Cang Liên Hoa), trụ trì chùa Sắc tứ Từ Ân (Gia Định) và được vua Minh Mạng triệu ra trụ trì nhiều quốc tự tại kinh đô.

Do đó, trong giai đoạn đầu, chùa Tiên Châu truyền thừa theo dòng thiền Lâm Tế (chi phái Liễu Quán và chi phái Vạn Phong, thời Lý). Mãi đến đầu thế kỷ này mới có một số nhà sư ở chùa Bắc Lâm hoặc chùa Vĩnh Tràng (Mỹ Tho) đến hành đạo và truyền thừa theo dòng thiền Lâm Tế (chi phái Tứ Thắng, Bích Dung). Trong giai đoạn này, chùa Tiên Châu được trùng tu, mang nhiều dấu ấn rõ nét.

2/ Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một dòng thiền Lâm Tế khác (thuộc chi phái Nguyên Thiều từ Tổ đình Giác Lâm, nay ở đường Lạc Long Quân – quận Tân Bình – TPHCM) cũng bắt đầu phát triển xuống Vĩnh Long. Nguyên vào các thế kỷ trước, Phật giáo vùng Vĩnh Long còn sơ khai, số lượng chùa chiền và tăng ni ít nên chỉ hoạt động trong lĩnh vực tín ngưỡng. Đến năm Nhâm Thân (1782), chùa Tiên Châu (Vĩnh Long) đầu tiên thiết lập đàn truyền giới. Đến những năm 20 đầu thế kỷ XX, do nhiều thí chủ ủng hộ vật lực tài lực, các chùa Bửu Long (Vũng Liêm), Long Quang hoặc Long Khánh (ở Vĩnh Long) đủ điều kiện tổ chức siết hạ an cư kéo dài nhiều ngày. Theo tục lệ, các phật sự quan trọng này phải có các cao tăng trong long môn chứng minh, thuyết giảng hoặc tổ chức quản lý. Do đó tại Vĩnh Long sau này có nhiều cao tăng : Hòa thượng Giác Tâm (chùa Long Quang), Hòa thượng Phước Minh, Đại đức Bửu Quang (ở Vũng Liêm), sau này có Hòa thượng Pháp Bảo (ở chùa Long Khánh, Vĩnh Long)… đều là đệ tử một thế hệ hay nhiều thế hệ của chi phái Nguyên Thiều từ Tổ đình Giác Lâm. Thí dụ như một số ngôi chùa lớn tại Vĩnh Long là chùa Giác Thiên (thành lập năm 1906). Ngay tên hiệu đã hàm ý ít nhiều liên quan đến ngôi Tổ đình vừa kể.

Song song với sự phát triển đạo pháp, pháp môn ứng phú cũng được phát triển (ứng phú nói nôm na là sự đi đàm phán. Ứng có nghĩa là mời, phú (phó) có nghĩa là đến). Nguyên vào thời Nguyễn, Hòa thượng Hải Tịnh trụ trì chùa Giác Lâm được triều đình phong Tăng Cang và mời ra làm trụ trì nhiều quốc tự tại kinh đô. Thấy xã hội đòi hỏi, dùng kinh nghiệm học hỏi được ở vùng ngoài, Hòa thượng Hải Tịnh dùng chùa Giác Viên (một chi nhánh của chùa Giác Lâm) để mở lớp đào tạo kinh sư theo nghi lễ ứng phú với mục đích “dĩ huyển độ chân”, vẫn dụng cơ duyên để hoằng hóa quần chúng. Trước kia, khi nói đến lĩnh vực này, nhiều nơi còn nhắc đến tài nghệ của các thầy Bửu Võ, Bửu Khương…

Một chi phái Lâm Tế khác thuộc ảnh hưởng Tổ đình Chúc Thánh (cụ thể là Hòa thượng Hoàn Chỉnh) từ chùa Thiên Ấn (Quảng Ngãi) từ thập niên đầu thế kỷ này đã vào chùa Phước Hậu (Trà Ôn) hành đạo. Sau Hòa thượng Hoàn Chỉnh có Hòa thượng Khánh Anh kế thế. Hai vị hòa thượng này đào tạo rất nhiều tăng ni, đệ tử tài đức như Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Hòa Phú… Đối với sự nghiệp truyền bá và phát triển Phật pháp, tông môn Phước Hậu đóng góp rất nhiều công sức đáng kể.

Bên cạnh các chi phái Lâm Tế vừa kể, tại Vĩnh Long vừa nhen nhóm một hạt giống mới là Thiên Thai giáo Quán Tông. Đây là một dòng phái Phật giáo có từ đời Đường, nhưng chỉ phát triển mạnh tại Nhật Bản. Ở Trung Quốc thì đơn độc và yếu ớt, còn ở Việt Nam trước nay chưa mấy ai biết tiếng.

Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tại Vĩnh Long đã xuất hiện một số tín đồ đạo Minh Sư. Đây là tôn giáo bắt nguồn từ nguyên lý “Tam giáo đồng nguyên” nhưng cốt lõi là đạo Lão. Lúc bấy giờ có lão sư Trần Quốc Lượng (một người Hoa sinh trưởng tại Cần Giuộc) đã trở về quê học đạo, nhưng rồi ông đã qui y tông phái Thiên Thai Phật giáo và được tôn làm Tổ sư của tông phái này. Vào năm 1928, Tổ sư Hiền Kỳ của tông Thiên Thai đã nhiều lần ẩn triệu tập các tu sĩ Minh Sư gốc là đệ tử mình sang Trung Quốc để cải giáo. Trong đợt đi đầu tiên này, tại Vĩnh Long có lão sư Nguyễn Đạo Cần (tục gọi là ông lão Hai) trụ trì chùa Pháp Hoa (Long Hồ) đã đi theo thầy mình và trở thành Liễu Đàn Hòa thượng. Sau thời gian học đạo, Liễu Đàn Hòa thượng trở về nước, cùng nhiều tăng ni khác phát triển tông phái Phật giáo mới này. 

Nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *