Bên bờ hạnh phúc

Nghề sơn son thiếp vàng là tổng hòa của nhiều nghề khác nhau, đòi hỏi tính thẩm mỹ cao và cả năng khiếu bẩm sinh của người thợ.

Tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) đang diễn ra cuộc trưng bày các tác phẩm sơn son thiếp vàng, một nghệ thuật cố truyền độc đáo của người Việt. Tại đây, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng nhiều câu đối, hoành phi, bình phong, hộp đựng sắc phong sơn son thiếp vàng… có tuổi đời từ thời nhà Nguyễn, thuộc sở hữu của các nhà sưu tập trong CLB Những người yêu cổ ngoạn Hà Nội. Cuộc trưng bày sẽ diễn ra đến hết ngày 25/2.

Sơn son thiếp vàng là một nghề cổ, đã có tuổi đời trên dưới 1.000 năm của người Việt. Nghề này đã từng trải qua nhiều thăng trầm, có lúc tưởng chừng đã mai một nhưng ngày nay đã được hồi phục phát triển tốt. Giống như tên gọi, nghề này có hai công đoạn chính là sơn son và thiếp vàng. Trong đó, sơn son là sơn một lớp sơn ta màu đỏ tươi và thiếp vàng là dát những lá vàng mỏng lên bề mặt đồ vật.

Nghề sơn son thiếp vàng là tổng hòa của nhiều nghề khác nhau, người thợ phải am hiểu về chạm khắc gỗ, sơn, khảm… và có kiến thức về mỹ thuật theo phong cách của từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Nghề này đòi hỏi tính thẩm mỹ cao và cả năng khiếu bấm sinh của người thợ.

Trước kia, các gia đình, dòng họ có địa vị thường mời thợ đến nhà làm những bức hoành phi, cuốn thư, câu đối, bình phong sơn son thiếp vàng để dựng trong phòng thờ, phòng khách, nhưng cũng có khi được dùng để mừng những sự kiện quan trọng như tân gia, khi nhận chức, nhận sắc phong…

Cái quý giá của những cổ vật này trước hết phải nói đến kỹ thuật sơn son thiếp vàng truyền thống. Màu sơn ta đẹp và độc đáo, không thể nhầm lẫn với bất kỳ loại sơn nào. Hình trang trí quanh những tấm hoành phi được thiếp vàng tinh xảo vừa mang giá trị nghệ thuật vừa mang nhiều ý nghĩa tượng trưng như lưỡng long chầu nguyệt, tứ linh (thể hiện sự cao quý), hoa lá, bút kiếm (thể hiện văn võ song toàn)…

Những món đồ sơn son thiếp vàng quý giá như vậy nên gia chủ phải cẩn thận, tỉ mỉ khi lưu giữ, bảo quản. Theo các nhà sưu tầm cổ vật, không bao giờ được dùng khăn ướt để lau chùi đồ sơn thiếp mà chỉ được dùng khăn khô hay phất trần, mỗi khi lau phải thật chăm chút, nhẹ nhàng.

Dưới đây là một số hiện vật sơn son thiếp vàng tiêu biểu tại Nhà triển lãm, hình ảnh PV ghi nhận:

Nhiều hiện vật liên quan đến cung đình nhà Nguyễn đã được quy tụ, trong đó đồ sộ nhất là chiếc long sàng (giường ngủ của vua) sơn son thiếp vàng.
Bức bình phong sơn son thiếp vàng cao 1m, một mặt có chữ, mặt kia có hình con cá này đã được các quan lại Bắc Kỳ đã dâng vua Bảo Đại khi ông lên ngôi.
Bức bình phong Bách Phúc với 100 chữ Phúc được viết theo lối khác nhau với ý nghĩa sẽ mang hạnh phúc đến cho gia chủ.
Cuốn thư sơn thiếp vàng ghi 4 chữ Quốc Hộ Tề Danh có niên đại từ thế kỷ 19.
Bát bửu (8 vật quý, thường được bày thành 2 hàng bên ban thờ) sơn son thiếp vàng có từ thời Nguyễn.
Những họa tiết được chạm khắc rất tinh xảo trên một bức bình phong cổ.
Một góc của bức tranh sơn thiếp cách đây 2 thế kỷ.
Một chiếc đỉnh đồng được thiếp vàng ở các họa tiết rồng nhằm nhấn mạnh quyền lực vua chúa.
Một bức tượng thờ được sơn son thiếp vàng.
Kỹ thuật thiếp vàng cũng được ứng dụng trong điêu khắc hiện đại.

 

 

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *