Bên bờ hạnh phúc

Doanh nghiệp đồng hành cùng người tiêu dùng để người tiêu dùng gắn bó sâu sắc với mình.

“Điều cốt lõi nhất để người Việt ủng hộ hàng Việt nằm ở sự nỗ lực của chính từng DN Việt. Nếu không thay đổi mẫu mã, cải tiến kỹ thuật để phục vụ người tiêu dùng những sản phẩm mới thì DN Việt sẽ đẩy người tiêu dùng Việt đến với hàng ngoại”. Đây là chia sẻ của bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, tại buổi giao lưu các đơn vị điển hình trong buổi sơ kết một năm thực hiện cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam tại TP.HCM tổ chức sáng qua 15-2.

Bình ổn giá, đồng hành với người tiêu dùng

Bà Bùi Hạnh Thu cho biết khi mới thành lập vào năm 1995, hệ thống Co.op Mart chỉ phân phối khoảng 10% hàng Việt, 90% còn lại là hàng ngoại nhập. Trong chiến lược kinh doanh, Saigon Co.op đã dần nâng tỉ lệ hàng Việt qua từng năm. Kể từ năm 2009, hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tỉ lệ hàng Việt đã tăng lên đến 90% trong hệ thống phân phối 50 siêu thị Co.op Mart và gần 20 cửa hàng Co.op food.

Tỉ lệ hàng Việt trong các siêu thị đã tăng mạnh sau cuộc vận động Người Việt dùng hàng Việt. Ảnh: THANH HẢI

 

“Chúng tôi luôn tạo điều kiện để hàng Việt trưng bày trong những vị trí quan trọng và tốt nhất trong hệ thống phân phối. Từ năm 2010, Saigon Co.op tổ chức riêng tháng khuyến mãi Tự hào hàng Việt. Trong năm tổ chức khoảng 1.000 chuyến hàng Việt lưu động về phục vụ công nhân và lao động có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa” – bà Thu cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm tận dụng cơ hội, thực hiện chủ trương để tăng thị phần tốt trong năm 2010 và tết 2011 vừa qua, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết trong năm qua, nguyên liệu đầu vào đã tăng từ 16% đến 33%. Tuy nhiên, Vissan vẫn giữ nguyên giá đầu ra cho đến hết quý I-2011. Vissan buộc phải cải tiến công nghệ và nâng cao năng suất lao động để bù đắp chi phí sản xuất. Kết quả, tổng sản lượng tăng đến 51% so với năm 2009 nhưng doanh số chỉ tăng 16%.

“Nếu không tham gia bình ổn giá thì doanh số và lợi nhuận có thể tăng rất cao. Tuy nhiên, chúng tôi lựa chọn đồng hành cùng người tiêu dùng để người tiêu dùng gắn bó sâu sắc với mình. Chính điều này đã giúp cho thị phần của Vissan tăng mạnh, chiếm 35% thực phẩm chế biến của cả nước, 30% thị phần thực phẩm tươi sống tại TP.HCM. Trong khi đó, trước đây, chỉ chiếm từ 15% đến 20% thị phần” – ông Mười tâm sự.

Lập bản đồ phân phối từng địa phương

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng hiện nay các DN nhỏ và vừa chưa giành được ưu thế của DN Việt, sức cạnh tranh còn yếu. Tuy nhiên, bà Hạnh cũng tỏ ra mừng khi chính các thương hiệu quốc tế đang sản xuất tại Việt Nam đã góp phần quan trọng giúp tăng sức cạnh tranh cho các DN Việt.

Sau thời gian thử nghiệm, cuối năm 2010, Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã chính thức hoàn thành kế hoạch vẽ bản đồ phân phối của tỉnh Trà Vinh. Ngay trong năm 2011, tiếp tục mở rộng ra năm tỉnh, thành thuộc đồng bằng sông Cửu Long và sau đó mở rộng ra các tỉnh, thành khác trên cả nước. Bản đồ này sẽ hỗ trợ các DN nắm tốt nhất đường đi của sản phẩm cũng như các đặc điểm thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng từng địa phương. Qua đó sẽ giúp các DN Việt lựa chọn hình thức phân phối, bán hàng tốt nhất để giữ và mở rộng thị phần.

Bà Hạnh cho biết hiện nay trăn trở lớn nhất là làm thế nào để đưa càng nhiều hàng Việt phục vụ người tiêu dùng Việt càng tốt. Trong đó, mục tiêu nhắm đến là giữ được lòng chung thủy của người tiêu dùng nông thôn.

Kết quả sau một năm thực hiện cuộc vận động cho thấy sự lạc quan khi hàng Việt đã giành được niềm tin yêu của người tiêu dùng Việt thông qua những con số. Tuy vậy, vẫn không giấu nỗi lo khi cuộc chiến sống còn của DN Việt Nam trong năm 2011 sẽ vô cùng khắc nghiệt khi thời điểm mở cửa thêm những ngành hàng quan trọng theo lộ trình cam kết WTO đã đến.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *