Bên bờ hạnh phúc

Đến thăm vùng đất biên giới xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang lần này chúng tôi xin gửi đến quý khán giả câu chuyện nhiều nước mắt của gia đình bà Nguyễn Thị Lệ, người phụ nữ đã phải 1 mình lận đận nuôi cháu con bằng bằng tất cả những cố gắng suốt 1 đời gian khó. 

Video chương trình Chắp cánh ước mơ – Kỳ 365: Bà Nguyễn Thị Lệ

"Con là máu, cháu là mủ" câu nói từ bao đời của ông bà xưa để lại thật đúng với hoàn cảnh của người phụ nữ nghèo này khi bấy lâu nay, chính bà là người thay các con nuôi cháu từ những ngày còn đỏ hỏn.

Hết Cảnh, rồi đến Cạnh, đến Ngân, 3 đứa trẻ cút côi lần lượt được bà cưu mang đùm bọc mà hơn ai hết bà biết chính sự nghèo khó đã đẩy các con mình vào cảnh sống khó khăn phải tha phương lập nghiệp, để rồi vì cuộc mưu sinh phải để lại núm ruột nơi quê nhà cho bà chăm sóc.

Trên bước đường mưu sinh vất vả và đầy nước mắt ấy, bao năm nơi mái ấm nghèo chỉ có tình thương bà dành cho các cháu mình là liều thuốc xoa dịu bao nặng nhọc, mệt mỏi hằng ngày. Đối với bà, khi tự trách bản thân càng nhiều vì người làm mẹ chẳng thể gầy dựng cho các con 1 tương lai vững chắc, thì sự quyết tâm nuôi các cháu khôn lớn, nên người càng mạnh mẽ hơn, xem đó là sự bù đắp mà người làm mẹ có thể thực hiện cho cháu con mình ở những phút giây cuối đời.

Một ngày mới bắt đầu bên góc nhà xiêu vẹo, trống trước hở sau là bữa cơm giản dị để các cháu được no lòng trước khi đến lớp. Tình thương nơi trái tim người bà vẫn như ngọn lửa tí tách bền bĩ sưởi ấm tâm hồn những đứa trẻ sớm chịu nhiều mất mát, thiếu thốn.

Góc nhà nhỏ vẫn ê a tiếng Ngân học bài và những tiếng đánh vần quen thuộc mà bà Lệ dạy cháu. Từng có những ngày sống giữa đạn bom bà nghĩ, tương lai sẽ như ngọn đuốc sáng được thắp lên xua tan những tháng ngày tăm tối nếu chúng ta biết trân trọng từng cơ hội đổi thay cuộc đời bên trang sách. Chính điều này thôi thúc bà kiên trì học lõm từng con chữ ở cái tuổi xế chiều để về dạy lại cho cháu con, 1 điều mà không phải ai cũng có thể làm được trong sự vây bám triền miên của cái nghèo.

Sống lạc quan, tin tưởng vậy nhưng có lẽ ở cái tuổi xế chiều này, sự lo lắng trong lòng về 1 mái nhà trú mưa, trú nắng đã nặng lòng hơn cả trong những suy nghĩ của bà Lệ. Những cái cột, cái kèo tạm bợ hoặc được tận dụng từ những ngôi nhà cũ lối xóm thương tình cho, dường như đã không đủ sức chống chịu với những cơn nắng oi ả, khắc nghiệt của vùng biên giới.

Vách ván trở thành chỗ trú cho mối mọt, còn sàn gỗ sau bao lần chắp vá thì nay cũng trở nên yếu ớt, gãy đổ trong khi điều kiện gia đình chẳng thể nào sửa sang.

Mùa đến, khi việc thu hoạch của những chủ ruộng đã hoàn tất, thì cũng là lúc hai bà cháu lại lui cui trên đồng mót từng bông lúa còn sót lại mang về. Cái bỏ đi của người ta lại là sự sống của gia đình 4 miệng ăn, chính vì vậy mà dù cho tuổi cao sức yếu phải ròng rã dưới những cái nắng khắc nghiệt, đôi tay chăm chỉ, nhẫn nại của người bà nghèo đầy tình thương cho cháu vẫn bền bỉ, tỉ mẫn nhặt lấy cái ăn. Từng hạt gạo đượm nồng vị mặn của những giọt mồ hôi cần lao mà không biết đến bao giờ, tuổi già của bà sẽ tìm thấy chút thảnh thơi ở chuỗi ngày còn lại?

Lớn lên trong gia đình không không có hạnh phúc vẹn tròn, tuổi thơ của Cảnh và hai đứa em nhỏ, Ngân và Cạnh đã lay lắc trôi qua trong những tháng ngày thiếu thốn tình thương chỉ có ngoại là chỗ nương tựa. Tạm dừng ước mơ học tập để nhường lại cơ hội cho 2 em, ở cái tuổi 17 nở rộ những ước mơ, cậu trai trẻ này đã có hơn 5 năm lặn lội với đủ việc thuê mướn đỡ đần cho ngoại.

Tương lai tươi đành buông xuôi, thả trôi theo cái nghèo. Giữa lúc đó, tình thương của ngoại trở thành động lực lớn giúp em có thể tìm lại niềm tin cho bản thân và những điều tươi đẹp cho gia đình trong chuỗi ngày sắp tới. Thương ngoại sớm hôm vất vả, Cảnh lại ra sức làm lụng mặc cho đôi chân vẫn còn đau nhức vì lần té ngã 2 năm trước. Dường như với em, mỗi ngày miệt mài tích cóp dù chỉ là những điều nhỏ nhặt thì em vẫn tin thành quả ngày mai mình gặt hái sẽ thêm lớn lên. Suy nghĩ đó cứ thôi thúc em không ngừng cố gắng và tìm thấy sự lạc quan, nguồn động lực vươn lên mỗi ngày.

Như những bông hoa tỏa hương giữa cuộc đời còn lắm nhọc nhằn, vất vả, tấm lòng hiếu thảo của Cảnh bao ngày qua đã giúp bà Lệ có thêm động lực vượt qua những lo toan khó nghèo, vơi đi bao lo âu nơi người bà đáng thương khi cuộc sống còn nhiều bí bách.

Khi những cánh đồng xa hết mùa thu gặt hái, thì đó cũng là lúc bà lặn lội đi dặm lúa thuê, hái sen mướn cho bà con kiếm lấy chút tiền đắp đổi  miếng ăn qua ngày. Bà biết những giọt mồ hôi mình đổ ra rồi sẽ tưới mát tuổi thơ con cháu, để những đứa trẻ thiếu thốn tình thương của mẹ cha sẽ vơi đi tuổi cực trong vòng tay đùm bọc, yêu thương của mình. 

Chúng tôi tin, từ trên mảnh đất khô cằn này, những mầm xanh mơ ước sẽ sớm ngày đâm chồi nảy lộc, như chính cái oi ả, nóng bức của thiên nhiên là điều kiện để những bông hoa thơm tỏa hương, khoe sắc giữa bùn sình lầy lội.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Bà Nguyễn Thị Lệ – ấp Tân Biên, xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. ĐT: 0706 250 555

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long.

Phương Thảo – Ngọc Anh Thư

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *