Bên bờ hạnh phúc

Sự cố chung quanh chiếc bánh giày khổng lồ ở Lễ hội Đền Hùng đầu 2008 (thiu, bánh mốc, bánh có ruột làm bằng mút xốp) ít nhiều có làm cho chuỗi các vụ bê bối trong đời sống hàng ngày ở xã hội ta kéo dài thêm và là một  ví dụ… cười ra nước mắt.

Mùa xuân nước mình từ Nam ra Bắc khí hậu mỗi nơi một khác. Riêng miền Bắc, trời đất ở thời điểm giao mùa đỏng đảnh lúc hanh khô lúc nồm nóng… Bảo quản các thứ lương thực bình thường đã khó, huống chi lại còn phải qua mấy ngày ròng rã chuyên chở trên xe. Làm sao có được chiếc bánh với hương vị cổ truyền của nó?!

Trong hoàn cảnh ấy mà cứ cố bảo nhau làm bằng được bánh, và cố làm mỗi năm một to hơn, cho vậy mới là thành kính – tôi cho là chuyện ảo tưởng.

Về phía những người quản lý văn hóa, chỉ động viên nhau các địa phương khôi phục lễ hội và người đi hội thật đông là hoàn toàn không đủ. Đã đến lúc phải nghiên cứu lại  tình hình lễ hội của người Việt và cung cách cần thiết nếu muốn làm sống lại nó trong hoàn cảnh xã hội hiện đại. Đóng khung vào việc thuần túy tái diễn những cuộc trảy hội người xưa trong thực trạng đời sống hiện nay tức là chúng ta đẩy đám đông con người vào cảnh chen chúc hỗn loạn và làm hỏng cảm giác thiêng liêng ở họ.

Khi khuôn khổ những cuộc hành hương đã lên tới quy mô  lớn – có lúc lên tới cả triệu người – thì cách làm ăn kiểu hội làng là không thể tiếp tục. Nội một việc như sẽ mang chiếc bánh ra chia đều cho khách hành hương về thụ lễ cũng không đơn giản chút nào. Nên chăng là tìm cho cách thụ lộc ấy một sắc thái hiện đại.

Trở lại với chi tiết ruột bánh bằng mút xốp. Nên chú ý tới cách giải thích của Công viên Đầm Sen : Đây là khối bột nếp, mang ý nghĩa tượng trưng cho một lễ vật truyền thống dâng cúng nhân ngày giỗ Quốc tổ Hùng Vương hơn là để phục vụ người dân thưởng thức. Ở đây có vấn đề “ngôn ngữ của lễ hội“. Dưới góc độ đó thì giữa người làm bánh của Ban Tổ chức   của công chúng nói chung có sự lệch pha hoàn toàn, và gặp nạn là chuyện tất nhiên.

Tuy vậy, những người làm bánh cũng không vô can. Tạm thời có thể bắt mạch  những suy nghĩ ngấm ngầm chi phối con người trong việc này :

– Trước tiên, lấy cớ rằng đang cần làm một việc tử tế, người ta cho phép mình dùng cách nào cũng được, biện pháp gì cũng xong, kể cả gian manh dối trá trắng trợn.

– Vội vàng nông nổi được coi là cách làm ăn nhạy bén khôn ngoan. Làm bừa không cần tính toán khoa học… Chơi trội, cốt tạo sự độc đáo rồi vào Guiness và gây ấn tượng đậm… Làm mà không lường trước hậu quả ra sao. Cùng lắm đi đêm có ngày gặp ma thì lại cười trừ với nhau và bận sau vẫn thế.

Kinh nghiệm cuộc sống hôm nay khiến cho chúng ta có thể ngờ rằng ai ở địa vị ấy rồi cũng làm vậy. Và trong thực tế đã có nhiều chuyện tương tự, mà bị bỏ qua.

Bởi vậy, không khó khăn gì khi từ cái hành động trên đọc ra một vài ý nghĩa chung.

Cảm giác thiêng liêng là một cái gì cần thiết cho đời sống. Mặc dù trong xã hội hiện đại, bề ngoài sự thiêng liêng có phai nhạt đi, nhưng thực chất, nó mãi mãi là tình cảm quan trọng, giữ mọi hành động con người trong trạng thái nhân bản. Tiếc thay ở ta hiện nay, tình trạng hả hơi mất thiêng xảy ra trên phạm vi quá rộng. Chữa bệnh cứu người từ xưa đến nay được coi là việc nhân đức, nay đang trở nên thực dụng trần trụi một cách đáng sợ.

Tình trạng phổ biến ở các lễ hội là đáng báo động. Vấn đề không chỉ ở các ban tổ chức. Thực ra, cả những người di dự chúng ta cũng có trách nhiệm. Hội diễn “đến hẹn lại lên“ hàng năm, năm nào người về cũng kêu là tổ chức luộm thuộm, phục vụ kém, nặng về chặt chém khách về hội. Nhưng năm trước kêu vậy rồi sang năm ta lại cứ đi. Luôn luôn, ta nhẫn nại chấp nhận thực tế, bằng lòng với những gì mình có, chỉ sợ không làm như mọi người là thiệt thòi.

Đó là cái môi trường tốt “ấp ủ” cho cách tổ chức cẩu thả nhếch nhác và mục  đích thực dụng chi phối các sinh hoạt công cộng hiện nay.

Văn hóa lễ hội tự nó không đứng riêng ra, mà chỉ là một biểu hiện rộ lên theo mùa của văn hóa sống. Tình trạng mất thiêng không chỉ mở đường cho bao tệ nạn, mà còn làm mất vẻ quyến rũ chân chính của đời sống. Và lớp người thiệt thòi nhất là lớp trẻ. Họ sẽ rất khó khăn khi bước vào một cuộc sống mà thiếu đi sự thiêng liêng thành kính. 

Vương Trí Nhàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *