Bên bờ hạnh phúc

Vì gánh nặng áo cơm, bệnh tật mà nhiều mảnh đời phải bươn chải mưu sinh để có tiền lo cho gia đình và trong đó có cả hình ảnh những em học sinh, sinh viên đang độ tuổi cắp sách đến trường. Và với nghề chạy bàn mà các em gắn bó, chúng tôi nhận thấy đâu đó không chỉ là mơ ước có chút tiền xoay sở tập sách, học phí mà còn là mong mỏi giúp gia đình qua cơn khốn khó.

Video chương trình Vượt qua thử thách – Kỳ 230 (27/05/2016)

Hoàn cảnh gia đình em Nguyễn Thị Thanh Tiền, xã Phước Lập, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang.

Bước chân vào giảng đường đại học là niềm mơ ước lớn lao của tất cả sĩ tử sau 12 năm miệt mài đèn sách. Và đối với em Thanh Tiền – cô sinh viên ngành kế toán của trường đại học Tiền Giang không chỉ là niềm vui mà còn là nỗi trăn trở, lo toan khi mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai em vì mẹ cha đều lâm bệnh nặng.

Vậy là để có tiền trang trải cho 4 năm đại học, Thanh Tiền đã làm quen với công việc chạy bàn ở căn tin, quán ăn hay các nhà hàng từ những ngày đầu bước chân trở thành sinh viên mới. Đôi tay vốn quen nắn nót từ con chữ, giờ đây em lại càng chăm chỉ hơn trong việc bày biện, lau chùi bàn ghế, cố gắng bưng dọn thật nhanh từng món ăn, thức uống để làm hài lòng thực khách.

Thế nhưng, công việc bán thời gian này chỉ mang về số tiền công khoảng 5 – 6 chục ngàn không đủ xoay sở chi phí sinh hoạt và thang thuốc cho cha mẹ nơi quê nhà nên em còn nhận rửa chén thuê để có thêm thu nhập, mặc cho những mỏi mệt vẫn còn hằn sâu nơi khóe mắt.

Cố gắng chắt chiu từ những đồng tiền công ít ỏi mong duy trì sức khỏe cho người mẹ yếu đau vậy mà, cách đây 2 tháng, mẹ Tiền đã vĩnh viễn ra đi vì căn bệnh ung thư với nhiều biến chứng. Chưa vơi nỗi bàng hoàng thì mới hơn 3 tuần nay, đứa em út của Tiền cũng đột ngột qua đời vì căn bệnh viêm não cấp để lại trong ngôi nhà nhỏ người cha vừa trải qua hai lần tai nạn giao thông thẫn thờ trong tận cùng của niềm đau xót.

Có quá nhiều mất mát đã bủa vây lấy gia đình nhỏ thế nhưng, Tiền vẫn gắng gượng vượt qua nỗi đau để làm chỗ dựa cho những người thân yêu bên cạnh.

Đôi tay sớm quen nhọc nhằn chạy bàn, phụ quán thì giờ đây, em lại càng cố chăm chút, quán xuyến việc nhà nhiều hơn để xoa dịu bớt nỗi thiếu vắng khi không còn mẹ cận kề.

Bởi em hiểu rằng khi đứng trước khó khăn thì chỉ có những cố gắng hôm nay mới giúp Tiền thực hiện được trọn vẹn ước mơ mà gia đình luôn khao khát kiếm tìm.

Hoàn cảnh gia đình em Huỳnh Thị Thu Hương, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Có chứng kiến Tiền trải qua những bất hạnh mới thấu hiểu hết nghị lực và bản lĩnh vững vàng của cô sinh viên nhỏ bé. Em luôn cố gắng chạy bàn để duy trì việc học của bản thân vừa lo phần nào cuộc sống gia đình. Cùng với ý chí ấy, ở trường đại học Tiền Giang còn có một câu chuyện về em sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ đã phải tự bươn chải bằng nghề chạy bàn để nối dài việc học ở tương lai.

Một đời vất vả làm thuê, tài sản mà cha em Thu Hương dành dụm được chỉ là ngôi nhà nhỏ được cất tạm bằng mớ gạch vụn, ít cây lá cũ kỹ để cho các thành viên có chỗ tá túc mỗi khi mưa tạt gió lùa. Vậy mà, giữa cảnh chật vật, khó nghèo, mẹ Hương đã lặng lẽ bỏ đi khi em vừa học xong lớp 1, đứa em trai thì còn ẵm trên tay. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai nơi tâm hồn thơ trẻ thì cách đó 2 năm, cha em qua đời để lại các con chơi vơi trong nỗi nhớ thương không gì có thể khỏa lấp được.

Một mình bươn chải giữa dòng đời khi không còn vòng tay ấm, có biết bao khó khăn đã bủa vây lấy đứa trẻ mồ côi nhất là lúc Hương bước chân vào giảng đường đại học với nhiều chi phí. Vậy là như nhiều bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, Hương làm quen với công việc chạy bàn ở các quán ăn để có tiền trang trải việc học và gửi về lo cho đứa em trai nhỏ ở quê nhà.

Tất bật với bày biện, bưng dọn từng món ăn, Hương luôn tự nhủ phải lấy sự nhanh nhẹn, chu đáo để làm vừa lòng thực khách.

Không chỉ là người phụ quán giỏi, em còn cẩn thận, tỉ mỉ rửa thật sạch từng cái chén, đôi đũa dính nhiều dầu mỡ để những bữa ăn luôn được đảm bảo hợp vệ sinh theo đúng yêu cầu của người thuê mướn.

Cuộc sống xa nhà với nhiều thiếu thốn thế nhưng, cô sinh viên năm nhất ngành công nghệ thực phẩm của trường đại học Tiền Giang vẫn luôn miệt mài bên từng trang sách, những mong kiến thức bổ ích sẽ giúp em vơi bớt phần nào buồn tủi. Và nhất là để cho Phi Hùng – đứa em trai đang học lớp 8 nơi quê nhà có thêm động lực để nối bước chị hướng đến tương lai bằng con đường tri thức.

Tin rằng dẫu cuộc sống còn đó những mất mát, gian truân nhưng bằng ý chí và quyết tâm sẵn có Hương sẽ sớm khép lại những kí ức đau buồn để đón chào một tương lai tươi sáng hơn.

Kim Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *