Bên bờ hạnh phúc

Chưa từng học hội họa cũng chưa một lần gặp Bác Hồ, nhưng ông Trần Hòa Bình (Ninh Bình) lại là người truyền thần về Bác nổi danh ở Ninh Bình với 700 bức hoạ.

Về thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn, Ninh Bình) hỏi thăm họa sĩ Hòa Bình ai cũng biết. Tiệm tranh của ông nằm khiêm tốn ven quốc lộ, rộng chưa đầy chục mét vuông, song lại là nơi gìn giữ tâm huyết nghệ thuật của một gia đình 3 thế hệ gắn bó với nghề vẽ tranh truyền thần.

 

Họa sĩ Trần Hòa Bình gần 50 năm vẽ tranh truyền thần Bác Hồ. Ảnh: Phương Vy.

 

Đã qua tuổi 60 nhưng đôi tay ông vẫn mềm mại, đặc biệt tình yêu hội họa vẫn mãnh liệt như thuở mới vào nghề. Tình yêu ấy được hun đúc bởi cha ông – cố họa sĩ Nam Phong.

Họa sĩ Nam Phong là người làm nghề có tiếng trong nước và trên thế giới. Bức tranh Đức mẹ Việt Nam của họa sĩ đang được trưng bày tại Tòa thánh Vatican (trong lòng nước Italy). “Cha tôi cũng chính là người định hướng con đường hội họa cho các con. Ông dạy con những bài học vỡ lòng về tranh, đó là bố cục, màu sắc, ánh sáng, cách cầm cọ vẽ nét thanh, nét đậm”, ông Bình nhớ lại.

Lên 8 tuổi, cậu bé Hòa Bình đã thể hiện tố chất hội họa. Những nét vẽ đầu tiên dù không xuất sắc nhưng rất có hồn nên được họa sĩ Nam Phong dành nhiều tâm huyết dạy dỗ, uốn nắn. “Mới học vẽ, tôi chỉ được cha dạy những cái đơn giản, vẽ tranh Bác thì cha tôi tuyệt đối cấm, ông nói khi nào vẽ thật giỏi hãy cầm bút vẽ Người”.

Năm 1971, Trần Hòa Bình vẽ bức tranh truyền thần đầu tiên về Bác Hồ (khi ấy ông mới 16 tuổi). Bức tranh này đã đem lại cho ông giải thưởng hội họa của huyện Kim Sơn lúc bấy giờ.

“Nhìn đứa con tinh thần đầu tiên thành hình hài lòng tôi vui sướng khó tả. Vui nhất là được cha cũng như các họa sĩ ở tỉnh Ninh Bình lúc ấy đánh giá bức tranh không những giống Bác mà còn toát lên được thần thái của một vị lãnh tụ ”, ông nói trong niềm vui như lại ùa về.

Bức tranh Bác mặc bộ quần áo kaki, ngồi nghiêng trên ghế sofa được họa sĩ Bình tâm đắc và vẽ lại nhiều nhất. Ảnh: Phương Vy.

 

Từ đó đến nay, nghề vẽ tranh truyền thần như cái nghiệp ăn sâu vào máu thịt. “Dù gần 50 năm làm nghề có những lúc khó khăn, thiếu thốn về vật chất tưởng chừng phải bỏ, nhưng nghĩ tới lời Bác: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” tôi lại có thêm động lực tiếp tục đến bây giờ”, họa sĩ nói.

Những bức tranh đã vẽ được ông ghi chép lại trong một cuốn sổ, giấy đã úa vàng. Tính đến năm 2010, ông đã vẽ 520 bức chân dung Bác, còn hiện tại là gần 700 bức. Nhưng ông nói rằng không quan tâm việc mình vẽ được bao nhiêu bức mà cốt thiết làm sao mỗi bức tranh phải thật hoàn chỉnh, có hồn, trau chuốt… để xứng đáng làm một họa sĩ truyền thần về Người.

“Vẽ tranh truyền thần về Bác thì dễ, nhưng vẽ làm sao để có hồn và sinh động là điều vô cùng khó. Người họa sĩ phải lột tả được thần thái, khí chất của Người lãnh tụ qua từng đường nét và từng bộ phận trên cơ thể”, ông nói.

Suốt mấy chục năm vẽ Bác, ông vẫn trung thành với bức ảnh gốc chụp Người mặc bộ quần áo kaki màu xám, ngồi trên ghế sofa, râu tóc bạc phơ, khí chất ung dung tự tại. Bức ảnh này được một phóng viên người Nga chụp nhân dịp bác sang thăm, làm việc tại xứ sở Bạch Dương. Tranh ông vẽ Bác chủ yếu là khổ trung bình (66cm x 88cm), bằng chất liệu sơn dầu.

“Một bức tranh hoàn chỉnh như vậy tôi phải mất 3 ngày vẽ. Dù tranh truyền thần là trung thành với ảnh gốc nhưng khi vẽ tôi phải mường tượng. Vẽ đến đôi mắt, tôi nghĩ đến lúc Bác đang lo việc nước, ánh mắt vừa sáng vừa tinh anh và kiên nghị. Đôi môi, chòm râu như đang cười với thiếu nhi. Toàn thân toát lên vẻ uy nghi của một lãnh tụ xuất chúng nhưng cũng rất đỗi gần gũi”, ông Bình nói.

Khi họa sĩ Nam Phong mất, họa sĩ Trần Hòa Bình được thừa hưởng phòng tranh tại thị trấn Phát Diệm. Trong không gian chưa đầy 10 m2 ấy còn lưu giữ những bức tranh truyền thần mà ông tâm huyết (gồm 2 bức tranh vẽ Bác, bức tranh nàng Molise…) ông bảo sẽ không bán mà giữ làm kỷ niệm cho cuộc đời làm nghề.

Phòng tranh chưa đầy 10 m2 ở thị trấn Phát Diệm là nơi lưu giữ truyền thống nghệ thuật của gia đình ông Bình. Ảnh: Phương Vy.

 

Họa sĩ Trần Hòa Bình có ba người con thì cả ba đều nối nghiệp ông, cha theo nghệ thuật. Các con ông cũng là những họa sĩ chuyên vẽ tranh truyền thần tại Hà Nội. “Cái quý là các cháu cũng vẽ tranh truyền thần về Bác như gìn giữ một nét đẹp truyền thống của gia đình”, ông Bình tự hào.

Ông Phạm Văn Tăng, Phó phòng Văn hóa huyện Kim Sơn cho biết, họa sĩ Trần Hòa Bình là người làm nghệ thuật có tiếng ở Kim Sơn và tỉnh Ninh Bình. Những bức tranh truyền thần ông vẽ về Bác Hồ rất có hồn, có đường nét riêng biệt và chứa đựng trong đó cả cái tài, cái tình và cái tâm.

Nguồn: Phương Vy ( VnE )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *