Bên bờ hạnh phúc

Hai huyện Hương Khê và Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh), nơi thiệt hại nặng nhất trong trận “đại hồng thủy” hồi tháng 10/2010 những ngày cuối năm, hai bên đường chồi non, lộc biếc vươn cao, báo hiệu một mùa xuân mới đang về.

Sông Ngàn Sâu đã trở lại với vẻ yên bình, thơ mộng vốn có. Thấp thoáng bên sườn đồi, mùi khói lam chiều tỏa khắp trên những ngôi nhà mới dựng, người dân vùng rốn lũ Hương Khê, Vũ Quang đang rạo rực đón xuân.

Sức sống nơi rốn lũ

Đường vào xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, còn thơm mùi đất mới của con đường vừa được khắc phục sau lũ, uốn lượn quanh những đồng lúa, nương ngô phấp phới màu xanh.

Sức xuân đang về ở Hương Khê. Ảnh: internet.

 

Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân ở xóm 1, xã Ân Phú, nói: “Chỉ mấy tháng trước đây, nhà cửa đều bị chìm sâu trong nước lũ. Nhưng được sự giúp đỡ kịp thời của các cấp chính quyền, cùng những nỗ lực không mệt mỏi của người dân chúng tôi, giờ đây, sức sống mới đang hồi sinh trên vùng rốn lũ đấy các chú”.

Chị Nguyễn Thị Thủy ở xóm 1, xã Ân Phú, thoăn thoắt tay cuốc khẩn trương chăm sóc ngô đông để dành thời gian cho vụ đông xuân sắp tới. Chị Thủy cho biết, cơn lũ vừa qua gia đình chị bị cuốn trôi tất cả, từ lương thực, lúa giống đến trâu bò… Căn nhà gia đình vừa mới xây xong cũng bị hư hỏng nghiêm trọng. Nhưng, nay, cuộc sống của gia đình chị đã trở lại bình thường sau những ngày gian khó. “Gia đình tôi được hỗ trợ toàn bộ giống, phân bón nên ngay sau khi lũ rút, chúng tôi nhanh chóng khắc phục sản xuất vụ đông, sau lũ phù sa được bồi đắp thêm nên cây cối cũng nhanh tươi tốt”, chị Thủy vui vẻ nói.

Chính quyền cùng dân vượt khó

Chủ tịch UBND xã Hương Thuỷ, huyện Hương Khê, Nguyễn Văn Phú cho biết, ngay sau khi lũ đi qua, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để ổn đinh đời sống dân sinh. Ngoài việc tiến hành công tác cứu đói kịp thời cho các hộ dân vùng lũ, xã Hương Thủy đã phát huy nội lực, tổ chức khắc phục, sửa chữa ngay hệ thống trạm xá, trường học, nhà ở bị lũ làm hư hỏng để học sinh được đến trường và đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho người dân.

Phong trào ra quân làm thủy lợi nội đồng, khắc phục hệ thống điện, giao thông được người dân hưởng ứng nhiệt thành nên chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục km đường liên thôn, liên xã, hệ thống kênh mương đã được tu sửa, phục vụ có hiệu quả đời sống sản xuất. Ngoài ra, tranh thủ thời tiết thuận lợi bà con nông dân đã nhanh chóng làm đất, gieo trồng các cây vụ đông, tiến hành tiêm phòng cho gia súc, gia cầm kịp thời.

Chủ tịch UBND xã Hương Thuỷ khẳng định: “Người dân vùng lũ hiện không còn phải lo thiếu ăn trong dịp tết cũng như khi giáp hạt, một phần do có cứu trợ lương thực kịp thời của các cấp, các ngành, một phần trong thời gian tới người dân cũng có thể thu hoạch được những loại cây ngắn ngày khác như: ngô, rau cải, khoai lang…”.

Trên đường đến các miền quê từng bị ngập lụt, từng tốp học sinh tung tăng đến trường. Còn nhiều khó khăn do thiếu thiết bị dạy học nhưng các thầy cô, các em học sinh vùng lũ đang nỗ lực dạy và học để bù lại chương trình. Niềm vui đến trường đã sáng lại trên mỗi khuôn mặt trẻ thơ.

Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang Phạm Hữu Bình cho rằng, 10 năm thành lập, thiên nhiên dường như muốn thử thách lòng người, nên chặng đường phát triển, người dân huyện Vũ Quang đã không ít lần phải oằn mình chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết. Như cách nói của ông Bình, ngay từ lúc chào đời, những đứa trẻ sinh ra nơi đây đều phải học cánh thích ứng và chống chọi với thiên tai. Chính vì lẽ đó, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người dân Vũ Quang vẫn “gượng dậy”.

Sau lũ, được sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương và địa phương, huyện Vũ Quang đã khắc phục được gần 600 nhà dân bị mưa lũ làm hư hỏng; sửa chữa, dọn dẹp khuôn viên, nơi làm việc của tất cả các công sở, trường học trên địa bàn. Huyện đã ưu tiên và đẩy nhanh công tác khắc phục sản xuất sau mưa lũ, khẩn trương bổ cứu sản xuất vụ đông và triển khai kế hoạch sản xuất đông xuân 2010 – 2011. Ngoài ra, Vũ Quang còn phát động phong trào ra quân làm giao thông, thủy lợi nội đồng, tu sửa, nạo vét 33 km cống rãnh, tuyến giao thông nông thôn và 12 km tuyến kênh mương nội đồng bị sạt lở bồi đắp. Có thể nói những thời điểm khó khăn vừa qua, sự quan tâm giúp đỡ của các đơn vi, cá nhân trong và ngoài nước là động lực mạnh mẽ giúp người dân vượt qua cơn hoạn nạn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết, năm 2011, để chủ động đối phó với sự khắc nhiệt của thiên nhiên, cùng với việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tỉnh sẽ có chính sách ưu tiên đầu tư, mua sắm phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống, ứng cứu như: phao bơi, thuyền máy, xây dựng nhà chống lũ có quy mô lớn ở các thôn, xóm. Đó là giải pháp hữu hiệu giúp đồng bào vùng lũ hạn chế thiệt hại thiên tai, ổn định cuộc sống để phát triển bền vững.

Theo Đất Việt
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *