Bên bờ hạnh phúc

Hội đền Hùng mùa xuân năm 2002 thường được ghi nhận với việc làm ra một chiếc bánh dày 1,8 tấn. Ngày 9/3 âm lịch, trên đường chuyển đến nơi hành lễ, chiếc bánh bị cả trăm người xúm quanh xô đẩy, giằng xé. Bà con đi hội đã tự tiện “thụ lộc”. Trong khoảng hơn một giờ đồng hồ, từ 10 đến 11 giờ 30, chiếc bánh “bốc hơi” hoàn toàn (Báo Tiền phong ra ngày 22/4/2002).

Tôi chợt nhớ lại đoạn tin này khi đọc tin về những vụ tàn phá mới xảy ra trong năm 2008. Đầu năm là những hành vi thiếu văn hóa tại lễ hội Hoa anh đào được người Nhật tổ chức tại Hà Nội. Ở đó, nhiều thanh niên xông vào bẻ hoa, cướp hoa. Tiếp đó, đến thời gian chuyển sang 2009 lại một vụ bê bối khác : Nhiều thanh niên “xé nát” Phố hoa quanh Hồ Gươm, có người còn xông vào, bê từng chậu hoa mang về nhà.

Có lẽ còn cảnh tượng tương tự đã từng xảy ra mà không ai nói? Điều chắc chắn hơn là những vụ vi phạm nho nhỏ, những thất thoát nho nhỏ, nó làm cho những khung cảnh văn hoá thành nham nhở như những chiếc bánh bị chuột gậm.

Lùi về thời trước, có lần đọc báo Phong hóa, tôi đã thấy các nhà văn Tự lực văn đoàn kể chuyện đám công tử Hà Nội đi Hội Lim Bắc Ninh toàn lo chuyện đánh nhau và giở trò gỡ gạc kiếm chác – chữ hồi ấy gọi là chim gái.

Bởi vậy, trước những diễn biến nhức nhối – mà điển hình là  vụ hoa anh đào ở Triển lãm Giảng Võ – tôi không lấy làm lạ. Những gì xảy ra ở đây chỉ là một thứ đỉnh lũ của những cơn cuồng vọng hung hãn, tự do quá trớn.

Hàng ngày, ta đã bỏ qua bao sự việc tương tự. Hàng ngày, thấy những mầm mống của nó, ta coi thường và mặc kệ. Theo nghĩa này, không phải chỉ những người đã trực tiếp vào hái hoa bẻ cành, mà tất cả chúng ta đã có lỗi.

Từ dăm năm nay, ở Hà Nội, gần như tôi lảng tránh các hội hè, triển lãm. Ở đó, tôi chỉ thấy những đám đông hỗn tạp, ồn ào. Nó làm tôi buồn thêm về sự xuống cấp của con người.

Từng chi tiết một trong vụ hoa anh đào này đáng để chúng ta dừng lại suy nghĩ. Một thanh niên khi được nhắc nhở đừng làm bậy nữa, chỉ bảo : “Bình thường thôi!”. Một người phụ nữ khi cầm hoa trên tay "bị" chụp ảnh, hồn nhiên nói với con : “Ngày mai, mẹ sẽ lên báo!” (trích từ báo Lao động điện tử). Nếu câu nói thứ nhất nói về tính phổ biến của hiện tượng thì câu nói thứ hai ghi nhận một tình trạng tâm lý đáng lo hơn. Con người hôm nay làm việc xấu một cách có ý thức. Họ đã trở nên chai lì. Đối với họ, không còn gì là thiêng liêng nữa.

Ai đọc báo chí phương Tây hẳn thấy những biểu hiện này không phải là quá hiếm hoi với con người trong xã hội hiện đại. Nhà văn Italia U. Eco từng cảnh báo : Bên cạnh con đường nhân bản, con người đang phát triển theo cái hướng phi nhân. Trên tờ Tin nhanh ở Pháp 1991, nhà triết học A. Gluckman nhận xét : “Không gì không thuộc về con người mà lại xa lạ với con người hôm nay cả!“.

Tuy nhiên ở xứ mình, mọi chuyện như có gì đặc biệt hơn. Ba mươi năm, cuộc chiến tranh khủng khiếp bòn rút trong con người gần hết điều tốt đẹp và để lại bao mầm xấu. Tiếp đó lại là ba chục năm vật lộn để sống, mà một trong những nội dung chủ yếu là cuộc truy tìm mọi sự chơi bời, hành lạc, hưởng thụ lâu nay không được hưởng. Nhiều chuẩn mực sụp đổ, trên nhiều lĩnh vực, xã hội rơi vào tình trạng mà các nhà xã hội học gọi là loạn cương (anomia). Thiếu lý tưởng, mất lòng tin vào tương lai, từng người tự thả lỏng mình. Chúng ta nuông chiều chúng ta một cách vô lối. Mọi biểu hiện tha hóa, biến chất xảy ra hàng ngày sẵn sàng được tha bổng nếu giả vờ hối hận. Tất cả đã chuẩn bị cho những Đền Hùng 2002, Giảng Võ 2008.

Không việc gì phải quá hoảng hốt. Cần thiết là nhân đây, cả xã hội cùng đặt lại vấn đề về chính mình. Tôi biết Nhà xuất bản Trường Đại học Bắc Kinh từ đầu 2000 có cả một xê-ri sách hướng tới đại chúng Trung Hoa đông đảo mang tên “Giáo dục tố chất nhân văn“. Dân mình cũng đến lúc phải lo vấn đề có tính đại cục đó. 

Vương Trí Nhàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *