Bên bờ hạnh phúc

Để thích ứng với việc di chuyển tại vùng có nhiều mương nhỏ, Vĩnh Long có loại “xà lạp” hoặc còn gọi là chẹt. Ở ấp Kinh Ngay, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, cư dân cù lao thường dùng chiếc “chẹt” chủ yếu để chở các nông cụ đi lại giữa các mương nhỏ trong vườn cho tiện chăm sóc vườn trái cây. Trước năm 1960, Vĩnh Long đã có loại chẹt này. Người ta dùng chủ yếu để chở máy cày.

Chẹt có kích thước nhỏ, gọn, bề dài chỉ độ từ 1 – 1,5 mét, bề ngang chừng 0,5 mét. Chẹt làm bằng loại ván thường như gỗ cây mù u. Riêng cây chèo, cây sào thì làm bằng gỗ sao để chống ghe cho chắc chắn, có 2 cây dầm bơi bản to, kích thước 1,2 – 1,5 mét. Loại chẹt nhỏ chỉ một hoặc hai người ngồi, thường chở theo máy bơm để ngồi trên chẹt mà vẫn xịt, tưới được cây trồng trên liếp trong vườn. Người ta cũng có thể dùng xà lạp để đi câu, chở trái cây trong rạch nhỏ.

Các tỉnh Nam bộ, trong đó có Vĩnh Long, có một đội ngũ thợ đóng ghe lành nghề, tài giỏi, nhiều sáng tạo. Song thời gian vài năm gần đây, nghề đóng ghe giảm sút, hàng mấy chục cơ sở đóng ghe buộc phải giải tán. Tại Vĩnh Long, mỗi huyện chỉ còn khoảng 5, 7 trại ghe nổi tiếng do cha truyền con nối nhiều đời. Ví dụ trại ghe Năm Danh, Phước Thành, Năm Sên, Thanh Hải ở Trà Ôn; trại ghe Hòa Hiệp tại Cầu Mới; trại ghe ở ấp Thanh Tân và Thanh Khê ở xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm v.v…

Hiện nay, nghề đóng ghe giảm do giá nguyên liệu gỗ dùng để đóng ghe tăng cao vì việc đóng cửa rừng. Ghe tàu trước đây thường đóng bằng gỗ cây sao núi vì tốt và thích hợp, nhưng nếu năm 1996, giá gỗ cây sao núi chỉ khoảng 2,8 triệu đồng/ mét khối thì nay tăng lên 6 triệu đồng mà có khi không đủ gỗ cung cấp. Mặt khác, quá trình hình thành đường giao thông bộ, việc vận chuyển cơ giới bộ rẻ hơn nên việc mua sắm ghe xuồng giảm dần.

Những tàu đánh cá thường đóng bằng gỗ vênh vênh nhưng nay nguồn gỗ này cũng hiếm hoi. Nhiều trại ghe phải chuyển sang đóng tắc ráng để sinh sống tạm bợ vì chính họ cũng đang chịu sự cạnh tranh của vỏ lãi composite. Hiện nay vùng Vĩnh Long, Cần Thơ đóng tắc ráng không còn bằng gỗ sao núi, mà phải dùng gỗ sến, pô-pô mua từ Campuchia sang.

Giá thành chiếc ghe đóng bằng gỗ sến, pô-pô khoảng 1,7 triệu đồng, chỉ bằng 1/3 giá của tắc ráng composite. Nhiều cơ sở phải tháo gỡ bằng cách chuyển sang đóng xuồng tam bản bằng gỗ “cây sao vườn” như cây mù u, cây sầu riêng… là loại cây chỉ làm ra được những chiếc ghe thô sơ, chất lượng không tốt mà dân Nam bộ thường gọi đùa là “ghe năm quăng”, tức là chỉ xài được một năm là đem quăng đi (47).

Chợ nổi miền Tây

Tàu, ghe, xuồng tại Vĩnh Long cũng như toàn Nam bộ đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực hoạt động về quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội… Do địa bàn nhiều sông, kênh, rạch nên sinh hoạt của người dân dựa nhiều vào ghe xuồng. Có rất nhiều xuồng, ghe họp chợ nổi vào mỗi sáng, nơi những khúc sông vùng thị trấn hoặc chỗ giáp nước, nơi thuyền ghe thường neo lại vì ghe buôn xưa nay chỉ chèo tay, đi ngược nước không nổi nên ghé đậu để chờ con nước lên. Các chợ trên sông gần thị trấn sáng nào cũng họp sớm và giải tán cũng sớm. Từ tờ mờ sáng, ghe xuồng khắp vùng tụ tập về buôn bán, sinh hoạt không khác gì một ngôi chợ trên bờ. Có những ghe chuyên buôn bán sỉ và bỏ mối đủ mặt hàng nông sản phẩm, công nghệ phẩm. Có những ghe bán lẻ những hàng được giới thiệu bằng cách treo các “cây bẹo” – ghe bán gì thì treo món đó lên cây để người mua dễ phân biệt. Ví dụ ghe bán thơm thì treo vài trái thơm lên “cây bẹo” cắm cao phía đầu mũi ghe hoặc trên mui ghe. Có những ghe bán thức ăn sáng như mỳ, hủ tiếu, cà-phê. Trên chợ nổi này vẫn có cả ghe chuyên dịch vụ uốn tóc, làm móng tay cho phụ nữ…

Tại những vùng sâu vùng xa, người dân thiếu thốn những sinh hoạt văn hóa tinh thần nên các ban ngành chức năng tìm cách “đưa văn hóa” đến cho đồng bào. Một trong những cách đó được huyện Trà Ôn giải quyết bằng phương tiện đường thủy qua hoạt động của “Thuyền văn hóa”. Gọi là thuyền nhưng thực chất nó là một con tàu nhỏ, loại mũi bằng, đáy bằng. Đây là một chiếc “tàu lai”. Thay vì tàu chở khách phải dài thì ở đây, do để thích hợp với hoạt động văn nghệ, người ta cải tiến cho tàu có bề ngang rộng nhằm mục đích thiết lập sân khấu ngay trên tàu. Trọng tải tàu này khoảng 35 tấn, chở Đội Văn nghệ của huyện chừng 20 người. Những người này có thể phục vụ được mọi loại hình văn nghệ như ca nhạc, ca cổ, tuồng, cải lương, kịch, múa… Vào những dịp lễ lớn, thuyền này tỏa đi khắp các xã, diễn phục vụ người dân vào ban đêm.

Thuyền văn hóa Trà Ôn có cả Phòng đọc sách lưu động phục vụ ban ngày, còn ban đêm diễn văn nghệ, chiếu phim hoặc làm công tác cổ động, tuyên truyền… Mô hình hoạt động văn hóa này phù hợp với môi trường sông nước nên được người dân chấp nhận, ưa thích.

Nhiều sinh hoạt của người dân cũng dựa vào ghe xuồng như đám cưới rước dâu bằng ghe. Ngày xưa, nhà giàu rước dâu bằng “ghe bầu” là loại ghe to được chảm trổ tinh xảo, sơn son thiếp vàng, có hai hàng người chèo. Ghe trang trí cây sắc kỷ, kết bông vải nhiều màu sắc ở mũi ghe và quanh thân ghe. Những ghe bình thường thì chỉ trang trí lá đủng đỉnh, kết quanh ghe và gắn các hoa dâm bụt đỏ, hoa vạn thọ… Sau này, nhiều đám cưới cũng trang trí đẹp như căng ru-băng vải, kết hoa vải to màu hồng…

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

—————————————

(47) Văn Kim Thanh, Nghề đóng ghe xuồng ở Phụng Hiệp trước những thách thức mới, báo SGGP

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *