Bên bờ hạnh phúc

PHẦN IV : PHƯƠNG TIỆN ĐI LẠI

I. Phương tiện vận chuyển đường thủy

Vĩnh Long là một trong số những tỉnh nằm trên địa bàn sông nước với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt như mạng nhện. Do đó, cư dân trong tỉnh ngay từ xưa đã quen sử dụng ghe xuồng và xem đường thủy là phương tiện giao thông chủ yếu, nhà nào cũng có ghe xuồng.

Vào thời Pháp thuộc, khoảng từ 1920, chính quyền thuộc địa đã ra một “bài chỉ” ghe ở các tỉnh Nam bộ, quy định mỗi tỉnh có một số ghe riêng để dựa vào đó mà đăng ký phương tiện. Nam kỳ lúc ấy gồm 20 tỉnh. Người ta lấy chữ đầu tên các tỉnh ghép lại thành vần cho dễ nhớ để đặt số :

“Gia, Châu, Hà

Rạch, Trà, Sa, Bến

Long, Tân, Sóc, Thủ, Tây, Biên

Mỹ, Bà, Chợ, Vĩnh, Gò, Cần, Bạc” (39).

Như vậy, ghe Vĩnh Long thời đó theo thứ tự có ký hiệu là 17, mũi ghe in chữ VP17 (có nghĩa là Vinh Long province 17).

Ghe bầu

Nói đến ghe xuồng ở Nam bộ là cả một hệ thống phức tạp về loại hình nên không dễ dàng chút nào để phân biệt các tên gọi, chức năng của nó, đặc biệt là do mỗi địa phương ở Nam bộ lại có cách gọi riêng, thậm chí việc chế tạo, cải biến và đặt tên cho các loại ghe xuồng cũng không nhất quán.

Cư dân tại Vĩnh Long căn cứ vào các loại ghe hoạt động tại chỗ mà tạm phân biệt như sau :

Về trọng tải : Muốn được gọi là ghe phải có khả năng chuyên chở trên 1 tấn, tức là có thể chở khoảng 25 giạ lúa.

Vĩnh Long có 3 loại ghe :

+ ghe chài : tức ghe vận tải, có tải trọng trên 100 tấn, tức là có thể chở từ 400 – 500 giạ lúa

+ ghe lớn như ghe lườn, ghe cà-vom có tải trọng trên 5 tấn

+ ghe nhỏ như ghe tam bản, có tải trọng nhẹ, chỉ chuyên chở dưới 5 tấn

Cách nay khoảng 30 năm, Vĩnh Long có ghe lườn, ghe cà-vom nhưng nay không còn. Ghe lườn được chế tác khoét ruột từ nguyên một thân cây gỗ tốt như cây sao, cây căm-xe. Ghe này có dáng thuôn dài, tương tự gho ngo của người Khmer, nhưng chức năng của nó không phải dùng để đua ghe, mà nó là một loại ghe chở hàng, đặc biệt là chở lúa. Ghe này có thể di chuyển nơi các rạch hẹp, nhưng do mũi nhọn nên ghe dễ lật, dễ chìm. Ghe cà-vom dài khoảng 15 mét, chức năng của nó là ghe tải chở hàng hoặc làm tàu chở khách, trọng tải ghe khoảng 20 – 30 tấn (41).   

Ghe tam bản thuộc loại ghe nhỏ, trọng tải dưới 1 tấn, chở được khoảng 25 giạ lúa.

Ghe tam bản tại Vĩnh Long không phải được ghép bởi 3 miếng ván như tên gọi của nó, mà là nhiều miếng ván. Tại Vĩnh Long, ghe tam bản có loại mũi bằng và loại mũi hơi nhọn, hơi cất lên. Còn lái của nó tròn trĩnh chứ không có góc cạnh như ghe tam bản ở các vùng khác. Ưu điểm của ghe này là di chuyển ra vào kênh rạch rất dễ dàng dù chở nhiều đồ đạc trên ghe.

Tuy cùng một tỉnh Vĩnh Long nhưng ghe thuyền tại huyện Tam Bình hơi khác ở chỗ ghe tam bản nơi đây có loại hai chèo và cách đóng ghe (mũi bằng), lái và độ âm dưới nước cũng khác.

Ở Vĩnh Long, ghe tam bản còn có thể dùng để đi câu tôm, câu rổi, hoặc dùng làm ghe cào, cào tôm, cá.

Ghe tam bảntại Vĩnh Long thường be 2 tấc, đóng mỗi bên 7 miếng gỗ thành 14 miếng ghép lại, ở giữa ghe là tấm đáy (còn gọi là tấm tiếp), bề ngang độ 2,5 – 3 tấc, be hai đầu vót lại nhỏ dần.Ghe tam bản đáy bằng rất tiện lợi cho việc chở hàng, nhất là chở heo vì heo có giãy giụa mạnh, ghe cũng không bị lật. Bánh lái xưa kia bằng gỗ, gắn ở vị trí phía sau. Dần dần qua sử dụng, người ta thấy rằng vị trí này cồng kềnh nên khoảng chừng 10 năm trở lại đây, người ta đưa vị trí bánh lái lên trên và làm bằng sắt, đặt máy tự hành ở trong. Trước đây, hai người xỏ tay lái ở trên và lái volant hai tua mới ăn, nhưng bẻ chậm và yếu. Sau này, để cải tiến, người ta chế tạo volant ba tua.

Vòng quành của ghe tam bản là 1,6 mét, dài 6 mét (trung bình chỉ dài 5,5 mét). Nếu chế tác bằng cây sao núi, ghe có thể sử dụng được 20 năm, còn bằng cây “sao vườn” thì tuổi thọ của ghe tam bản chỉ chừng 10 năm.

Vùng sông nước Vĩnh Long có nhiều trại đóng ghe nổi tiếng. Các huyện ở đây đều có xóm mộc chuyên nghề đóng ghe thuyền như tại huyện Trà Ôn có hàng chục trại ghe nổi tiếng như trại ghe Năm Danh, trại Phước Thành, trại Năm Sên…

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

——————————————-

(40) Về ghe tải ở miệt “kinh nước mặn” có ghe Cần Đước là loại ghe mũi nhọn, dựng lên cao có thể chịu được sóng nên ghe này còn dùng đi biển và chuyên chở trọng tải cao. Xưa kia, Vĩnh Long cũng dùng ghe Cần Đước. Hiện nay, người dân Vĩnh Long cải tiến, sửa lại làm mũi ghe chài.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *