Bên bờ hạnh phúc

Từ vài chục năm nay, vào những dịp tết nhất hoặc có lễ lạt, chung quanh Bờ Hồ thường vẫn thấy dựng lên nhiều quán nhỏ để bán các loại hàng. So với hồi bao cấp, những quán này được dựng tạo công phu hơn, nhưng nhìn kỹ vẫn quá cổ lỗ. Điều thấy rõ nhất : không gian quanh hồ tối sầm đi, như một bãi cỏ đầu làng nào đó. Hàng loạt loa truyền thanh được mắc nối tiếp, có khi đứng một chỗ nghe loa nọ lẫn với loa kia.

Chính báo chí gần đây viết về du lịch cũng bật mí : các tua du lịch có nghề thường khuyên khách nước ngoài không đi vào những ngày hội. Vì đó là thời gian lộn xộn, không xem được gì. Sự dự đoán của họ không thừa. Sự ồn ào đã là đặc tính của một đời sống thật ra không mấy năng động.

Trên báo Phong Hoá số ra 14/9/1934, nhà văn Thạch Lam kể lại cuộc diễn thuyết của cô Nguyễn Thị Kiêm về Thơ mới ở Hội Khai trí Tiến Đức với một nhận xét tổng quát : “Người ta đến như một cuộc vui chơi“, “Không ai nghe rõ được cái gì“. Thậm chí, cô Kiêm (diễn giả) muốn nghe lời mình cũng không được vì “đám đông quá ồn, bắt nguồn từ một óc xếp đặt quá thiếu thốn“. Và Thạch Lam, người nổi tiếng có một tình yêu sâu xa với sự yên lặng, nhận xét khái quát : “Mà nói cho đúng nữa, người mình không bao giờ có biết cách xếp đặt một buổi hội họp cho được hoàn toàn. Hễ đâu đông người là hỗn độn, ồn ào rầm cả lên“.

Lại nhớ hồi có Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp, Tổng thống Pháp – trong lời trò chuyện với nhân dân thủ đô – không quên ngỏ lời xin lỗi là họp như thế này là khiến cho một thành phố nổi tiếng yên tĩnh như Hà Nội bị ồn mất ít  ngày.

Chung quanh sự yên lặng, người ta là khách mà trân trọng quá, còn mình là chủ lại không thấy quý.

Chả lẽ cứ hội hè thì nhất thiết phải ồn ĩ, như đã xây dựng thì nhất thiết phải bụi bậm, độ ô nhiễm lên tới năm mười lần mức được phép?

Bằng một cách khá kiên nhẫn, nhiều tờ báo ở ta đã đăng những bài than phiền về các loa phường. Có những tiết học đúng vào giờ loa hoạt động, thày trò chỉ còn có cách gấp sách bất lực nhìn nhau. Có những người nước ngoài đến thuê nhà, vừa thuê xong thì bỏ chạy vì nhà ngay dưới chân loa, hàng ngày, loa chõ ngay vào phòng. Tiếng loa áp chế ngay trên đầu người ta. Tiếng loa dai dẳng không dứt. Mà thường toàn là những giọng đọc vô cảm.

Nhưng theo chỗ tôi biết thì cả thành phố Hà Nội, cái chuyện khá chướng ấy chưa phường nào bỏ. Lý do nhiều lắm và đây là một hiện tượng dịp khác ta sẽ bàn. Nhưng có lần, tôi nảy ra cái ý định vui vui là thử cãi hộ cho các ông phường ra sao. Và lời cãi của tôi như thế này : “Các vị thử nghĩ xem, chung quanh có yên ả lặng lẽ gì cho cam? Không có loa phường thì mọi cuộc đi lại, rượu chè mua bán, xoay sở kiếm chác… cũng đã ồn ĩ quá rồi. Tiếng loa chỉ hoàn chỉnh thêm cái đời sống nhộn nhạo sẵn có“.

Trong các sách Quốc văn giáo khoa thư học hồi còn nhỏ, tôi vẫn nhập tâm một lời khuyên, khi qua đường gặp đám ma phải ngả mũ chào. Mỗi người nằm xuống là một dịp để ta cùng nghĩ thêm về sự hư vô của cuộc đời. Vậy mà gần đây, đang đi ngoài đường thấy chỗ nào có đám là tôi lảng ngay ra phố khác. Tôi sợ gặp đám ma bởi ở đó quá ồn. Người ta lo khóc sao cho cả phố cùng nghe được mới thôi. Sự thương xót, khi được phóng to lên trong những chiếc loa hiện đại, mang tính cách một cuộc trình diễn ép buộc và đi sát tới giả dối. Tôi không có chỗ để làm cái hành động tử tế mà tôi vốn muốn làm. Tại sự ồn ào tất cả. Có Trời Phật chứng giám cho lòng tôi vậy!  

Vương Trí Nhàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *