Bên bờ hạnh phúc

Ngay giữa phố phường Hà Nội, nếu để  ý, thỉnh thoảng, người ta vẫn bắt gặp những ngôi đền nhỏ. Từ 1986 về trước, loại đền này thường coi như bị bỏ quên và thoi thóp sống trong cái vỏ mốc meo. Gần đây, nhiều đền miếu loại đó được sang sửa. Tường quét vôi vàng. Hàng chữ trên cổng được tô lại cẩn thận. Bạn có biết người ta viết gì không? Toàn những Tối linh từ  (ngôi đền linh thiêng hạng nhất) với lại Thượng đẳng từ  (ngôi đền loại cao cấp).

Lại nhớ có lần xem TV, thấy nhà đài đưa máy đến quay một ngôi đền lâu ngày đã hoang vắng và chỉ vừa mới được tu sửa lại. Máy quay cảnh phóng viên trò chuyện với người dân địa phương. Hỏi đền xây tự bao giờ ? Không ai biết. Hỏi đền thờ ai? Cũng  không biết nốt. Chỉ có điều, hai vị lão nông suýt soa, với giọng có vẻ bí hiểm :

– Nhưng mà đền chỗ chúng tôi linh thiêng lắm. Từ bao đời nay, các cụ chúng tôi vẫn truyền tụng lại như vậy.

Tôi cứ nhớ mãi chuyện này vì nó đang là một cách nghĩ phổ biến : Nhiều người bị cái danh vị nó ám. Tức là trước một sự việc, ta thường chỉ thạo cái khoản ý nghĩa. Còn như chính cái việc ấy ra sao thì ta không biết và giá biết rằng nó hoàn toàn không tương xứng với cái danh kia thì cũng lập tức đánh cho hai chữ đại xá.

Đọc lại tạp chí Tri tân, in ra khoảng 1940 – 1945, có lần, tôi bắt gặp một bài viết cũng liên quan đến thói ưa tiếng hão của dân mình. Thay cho chữ hiếu danh, nhà nghiên cứu Hoa Bằng gọi đó là cái óc hiếu thượng. Ông viết : "Cái hiếu thượng của số đông người mình đã lộ rõ ở từ ngôn ngữ đến cử chỉ, từ hành vi trong gia đình đến động tác ngoài xã hội. Người ta chơi câu đối? Phần đông không phải vì thích chữ tốt – yêu văn hay, nhưng vì muốn sĩ diện ở mấy cái lạc khoản có chức tước. Người ta in danh thiếp? Không phải vì cốt thông tính danh – tỏ địa chỉ, song hình như chỉ cốt trưng những chức sắc, tước trật, và phẩm hàm.  Người ta đăng cáo phó? Có lẽ ít vì cốt để báo tang, nhưng phần nhiều cốt để lợi dụng cái chết của ông bà cha mẹ mà quảng cáo cái danh phận của con cháu… ”.

Thế mới biết cái tiếng hão nó tác oai tác quái ở mọi nơi mọi chỗ!

Trong sinh hoạt hàng ngày thì thói ưa tiếng hão có vẻ là một căn bệnh dễ tha thứ. Người ưa tiếng hão vốn hiểu mình chẳng ra sao, nên phải bịa ra một tí danh tiếng cho cuộc sống đỡ tủi.

Điều đáng buồn là đã có những lúc, nó ăn vào trong tâm lý của những con người chịu trách nhiệm cả những việc phải gọi là đại sự.

Dư luận gần đây bàn tán nhiều về cái  đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ của ngành giáo dục. Đề án được tung ra trong hoàn cảnh cả xã hội đang phát sốt về tình trạng lạm phát tiến sĩ rởm thời gian qua. Người ta tìm thấy ở đó một kết luận khái quát rằng, chắc chắn, năng lực của ngành không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của hội nhập và phát triển trong thời gian tới.

Tại sao đã biết không thể làm rồi mà vẫn tính chuyện chạy theo mục đích quá cao như vậy? Thật dễ thông cảm với tâm lý người trong cuộc. Phải trình ra cho mọi người thấy mình có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Phải chứng tỏ là tình hình ngày mỗi sáng sủa hơn. Rồi lại còn nhu cầu đối ngoại nữa chứ. Thời buổi hội nhập này lúc nào chẳng phải đón đủ các loại khách quốc tế. Phải làm thế để cho thiên hạ thấy mình cũng đang rất bảnh. Anh có tiến sĩ ư, tôi cũng tiến sĩ, kém cạnh gì đâu? Ở chỗ riêng tư, nhiều người hẳn biết cái tiếng hão này cũng hấp dẫn lắm và do đó khó cưỡng lắm!

Có điều hãy thử cùng nhau nghĩ lại : Thế tức là nhân danh những mục đích tốt đẹp, chúng ta bằng lòng với việc làm hàng giả, và mở đường cho những sự giả mạo khác tiếp tục phát triển.

Đến đây thì cái sự ham tiếng hão không vô can và đáng thông cảm nữa!  

Vương Trí Nhàn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *