Bên bờ hạnh phúc

Là nguyên liệu không thể thiếu khi xây dựng Vạn Lý Trường Thành, có thể lưu giữ trong 30 năm… là những sự thật không phải ai cũng biết về "hạt ngọc trời".

Trong suy nghĩ của nhiều người Việt, hạt gạo không chỉ là lương thực mà còn kết tinh của trời đất, là "hạt ngọc trời" cô đọng mồ hôi công sức người nông dân đổ trên đồng ruộng.

Mặc dù nhỏ bé như vậy nhưng ít ai ngờ rằng, hạt gạo lại có lịch sử lâu đời từ khoảng 2.500 năm TCN. Không những thế, các nhà khoa học còn tìm ra vô vàn những lợi ích ẩn chứa trong từng hạt gạo. Một vài sự thật dưới đây hẳn sẽ khiến bạn bất ngờ về "hạt ngọc trời" này.

1. Vạn Lý Trường Thành được xây bằng gạo nếp với vôi

Vạn Lý Trường Thành là một trong những công trình kỳ vĩ nhất từng được con người xây dựng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, gạo nếp chính là một trong những nguyên liệu góp phần trong sự bền vững, trường tồn của Vạn Lý Trường Thành.

Cụ thể, các chuyên gia thuộc ĐH Chiết Giang (Trung Quốc) đã phát hiện thấy đoạn tường thành của Vạn Lý Trường Thành xây dựng trong thời nhà Minh (cách đây khoảng 600 năm) có chứa một loại vữa đặc biệt – được làm từ gạo nếp trộn với vôi.

Theo tiến sĩ Zhang Bingjian – người tham gia nghiên cứu, loại vữa cổ xưa này là một hợp chất đặc biệt giữa các chất hữu cơ và vô cơ. Thành phần hữu cơ là chất amylopectin – có rất nhiều trong bột gạo nếp.

Chất này kết hợp với calcium carbonate (vôi) tạo thành một loại vữa đặc biệt có độ kết dính rất tốt – giúp Vạn Lý Trường Thành giữ được sự ổn định và vững chắc hơn.

2. Gạo trắng có thể lưu trữ trong 30 năm

Cần phải khẳng định rằng, không phải mọi loại gạo đều giống nhau. Nhiều người cho rằng, gạo nâu (gạo lứt) và gạo trắng có hạn dùng như nhau nhưng do gạo lứt chứa dầu tự nhiên nên chỉ lưu trữ được 3 – 6 tháng mà thôi. Lý do là bởi lớp phủ cám của gạo lứt dễ bị oxy hóa trong môi trường. Ngược lại, gạo trắng có thể bảo quản trong 10 – 30 năm trong điều kiện tối ưu – hút chân không và để ở nhiệt độ 4,5 độ C. Nếu không đặt trong điều kiện như vậy thì bạn cũng có thể sử dụng gạo được trong vòng vài năm.

3. Tất cả gạo trắng đều bắt đầu từ gạo nâu

Chúng ta biết rằng, gạo trắng chính là sản phẩm từ gạo nâu "biến hình". Hay nói đơn giản thì gạo trắng chính là kết quả của việc gạo nâu lột bỏ lớp cám bên ngoài và được đánh bóng.

Sở dĩ, gạo trắng cần được đánh bóng nhằm giúp bảo quản trong thời gian lâu hơn và cũng giúp hạt gạo trắng, đẹp mắt hơn.

Khi hạt gạo chưa được đánh bóng, lớp bột cám sẽ làm cho gạo mau chóng bị ẩm mốc, mối mọt tấn công. Còn khi được đánh bóng, thời gian bảo quản gạo sẽ lâu hơn.

4. Gạo được trồng trên khắp các châu lục khác nhau, trừ châu Nam Cực

Theo Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) một nửa dân số thế giới đã và đang chọn gạo là lương thực thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của mình.

Gạo là một trong những loại cây dễ trồng, dễ thích nghi và cho năng suất cao (1 hạt gạo có thể "sản sinh" ra 3.000 hạt gạo khác) nên sẽ không quá bất ngờ khi có tới 40.000 giống lúa gạo được trồng trên khắp thế giới, ở các châu lục khác nhau – trừ châu Nam Cực.

5. Số lượng gạo tiêu thụ mỗi năm ở một vài quốc gia lên tới 200kg/người

Bạn cho rằng, người Mỹ tiêu thụ hơn 9kg gạo mỗi năm là nhiều ư? Điều đó có vẻ nhiều nhưng nó lại chưa thấm vào đâu so với phần còn lại của thế giới.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất gạo Mỹ, người dân châu Á mỗi năm tiêu thụ 136kg gạo và cư dân của các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất có mức tiêu thụ là khoảng 204kg. Tuy nhiên, cũng có những quốc gia tiêu thụ cực ít gạo hoặc hầu như không sử dụng như người Pháp – chỉ ăn khoảng 4,5kg/ năm mà thôi.

Theo Trí Thức Trẻ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *