Bên bờ hạnh phúc

Miền Tây mến khách từ bao đời nay, cứ mỗi độ tết đến xuân về thì nhà nhà lại đỏ lửa bên những làng nghề làm bánh truyền thống, mong mang đến một cái tết tròn vị, đậm đà bản sắc cho thực khách bốn phương. Cùng chịu thương chịu khó bên từng mẻ bột, vỉ bánh với nghề làm bánh tráng mưu sinh, chị Ruộng và chị Phấn đã chưa bao giờ thôi cố gắng để vun vén cho gia đình từ khi mái ấm thiếu vắng đôi bàn tay người đàn ông trụ cột.

Video clip chương trình Vượt qua thử thách – Kỳ 209 (01/01/2016)

Gia đình chị Nguyễn Thị Ruộng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ 

Về làng bánh tráng Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ vào thời điểm đầu đông, bà con tất bật bên những mẻ bánh cho kịp hoàn thành trong những ngày nắng ấm. Hòa vào không khí nhộn nhịp đó, chị Ruộng luôn tay bên từng thau bột vỉ phơi, cái nghề làm thuê đã nuôi sống gia đình hơn 10 năm khi chị về gắn bó cùng quê hương.

Đã quen với khói bếp cay nồng từ tờ mờ sáng đến tối mịt, những trầy trật ngày đầu tập tành tráng bánh với biết bao lần bỏng rát đôi tay đã qua đi để giờ đây những chiếc bánh tròn, thơm nứt mùi gạo mới xay là minh chứng cho tay nghề nhuần nguyễn của người thợ cần cù như chị.

Vài chục ngàn mỗi ngày không đủ chi tiêu và chỉ mỗi dịp cuối năm mới rộ hàng bánh tráng, nhưng chị Ruộng vẫn luôn cố gắng làm việc cẩn thận, đếm từng chiếc bánh, buộc từng xấp bánh sao khéo léo, đẹp mắt chuyển đến tay người dùng, như là cách tạo cơ hội mưu sinh cho gia đình nhỏ.

Không ruộng vườn, căn nhà gom góp cất tạm trên đất người thân từ ngày chồng qua đời vì căn bệnh ung thư gan đến nay đã hơn 10 năm chỉ một mình thân cò lặng lẽ sớm hôm chăm lo cho con cái. Người con lớn không may bị xơ gan, thiếu máu, bao lần nhập viện điều trị đến gia đình không còn khả năng xoay sở. Người con trai thứ 2 đi làm ăn xa gửi lại đứa cháu nội cút côi cho bà chăm sóc. Niềm tin và mong mỏi còn lại chị Ruộng dành hết cho đứa con trai út – Phạm Văn Nhân khi em đang viết tiếp ước mơ của gia đình bằng những trang vở lớp 9.

Nén những buồn tủi vào lòng vì lắm lúc mệt mỏi giữa dòng mưu sinh khó nhọc, nhưng người phụ nữ này luôn bám lấy nghề để tiếp tục chăm lo cho con cháu được suôn sẽ ở bước đường tương lai. Từng vỉ bánh được nâng niu như chính chị dồn hết tình yêu thương của mình vào tổ ấm. Bao mùa bánh tráng đi qua là bao mùa chị xây dựng cho mình niềm tin rằng bằng nghị lực mạnh mẽ của hôm nay sẽ là bước đệm cho một mai không còn khốn khó.

Gia đình của chị Nguyễn Thị Phấn, xã Mỹ Thạnh huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre 

Làng bánh tráng Mỹ Lồng những ngày đầu năm quyến rũ bước chân thực khách gần xa với mùi vị thơm lừng của những vỉ bánh vừa tráng. Chăm chút từng mẻ bột, canh từng con nắng để những chiếc bánh béo thơm, tình người làm bánh càng khiến vị bánh thêm đậm đà, ngây ngất.

Như bao bà con lao động nơi làng nghề này, mỗi ngày chị Phấn – người phụ nữ đơn thân gồng gánh gia đình luôn tất bật bên công việc quen thuộc của mình, sẵn sàng những khâu cần thiết cho một ngày tráng bánh mưu sinh.

Gần 40 năm qua, căn bếp ấm vẫn ngày ngày đỏ lửa để người thợ làm bánh tỉ mẫn bên từng mẻ bột, nước cốt dừa hay gạo nếp mà quên đi những nhọc nhằn do dậy sớm thức khuya khiến đôi mắt nhạt nhòa, không còn nhìn rõ ánh sáng. Để rồi, mỗi ngày nhìn từng chiếc bánh dẻo thơm, đậm đà hương vị được ra lò, trao tận tay đến những thực khách gần xa đổi lấy vài chục ngàn tiền lời ít ỏi, chị như tìm được niềm vui khỏa lấp đi nỗi tủi buồn khi hạnh phúc gia đình tan vỡ.

Lấy tình thương con làm động lực vượt qua sóng gió, từng ngày trôi qua, chị Phấn vẫn luôn cố gắng bên công việc làm bánh để có tiền trang trải gia đình. Tết đến gần kề, chị càng bận rộn hơn với những vỉ bánh, những yêu cầu của khách hàng, nhưng bấy nhiêu sự vất vả là bấy nhiêu những ước mơ của người thợ nghèo mong năm mới sang tương lai sẽ rộng mở hơn với những con người dám đối diện với những chông gai, thử thách. 

Tài Dương – Kim Thơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *