Bên bờ hạnh phúc

Hàng loạt hoạt động đã và đang diễn ra sôi động trên khắp thế giới trong đợt cao điểm kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du – người đã nâng ngôn ngữ văn học dân tộc lên đỉnh cao chói lọi và là thi hào Việt Nam đầu tiên đi vào lịch sử văn hóa nhân loại, tự hào sánh ngang cùng các "cây đại thụ" lớn khác trên thi đàn thế giới.

Tượng Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du tại Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du. (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam/TTXVN)

 

 

Nguyễn Du (1765-1820) – tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên – sinh ra tại kinh thành Thăng Long trong một gia đình đại quý tộc có truyền thống khoa bảng, quan lại thuộc loại danh giá bậc nhất lúc bấy giờ. 

Có bố quê Nghệ Tĩnh và mẹ xuất thân từ xứ Kinh Bắc, bản thân nhà thơ cũng là sự giao hòa giữa hai vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn vật nổi tiếng với các làn điệu dân ca ví giặm sâu nặng tình người và quan họ Bắc Ninh duyên dáng, trữ tình được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Tuy nhiên, gia cảnh phong túc, đầm ấm nói trên không kéo dài được lâu. Nguyễn Du mồ côi cha năm lên 9 tuổi và mất mẹ 3 năm sau đó. Cuộc đời của ông cũng gắn liền với những biến cố lịch sử lớn của dân tộc. Trong giai đoạn giao thời giữa hai thế kỷ XVIII và XIX, chế độ phong kiến Việt Nam lâm vào khủng hoảng trầm trọng trong khi phong trào nông dân nổi lên khắp nơi mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn dẫn tới sự cáo chung của triều đình Lê-Trịnh thối nát, mục ruỗng.

Cơn phong ba lịch sử ấy đã đẩy dòng họ Nguyễn lừng lẫy, hiển vinh một thời vào cảnh ly tán, suy tàn. Bản thân Nguyễn Du đã phải trải qua cuộc sống cơ cực, bần hàn, nhiều lúc rơi vào cảnh đói không cơm, rét không áo, ốm không thuốc, phải ăn nhờ ở đậu tại quê vợ ở Thái Bình. 

Song cũng chính điều này đã giúp ông có cơ hội trực tiếp chứng kiến, tiếp xúc với những cảnh đời cơ cực, lầm than của các kiếp chúng sinh thời loạn và cảm nhận được sự bất công tàn bạo của xã hội phong kiến. 

"Cuộc bể dâu" và "những điều trông thấy" đó đã làm thay đổi căn bản ý thức hệ tư tưởng của nhà thơ. Từ một người trung quân ái quốc, mang tư tưởng lập công danh, nuôi mộng trả thù nhà và khôi phục nhà Lê, Nguyễn Du buộc phải chấp nhận sự đổi thay của thực tế lịch sử. Ngay cả khi được triều đình nhà Nguyễn mời ra làm quan và trọng dụng, ông cũng cảm nhận công danh chỉ là thứ phù du và không mấy mặn mà với chốn quan trường.

Những biến động lớn lao của gia đình và xã hội nói trên cũng tác động sâu sắc tới sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Từ một nhà quý tộc, ông trở thành một nhà nhân đạo chủ nghĩa và là một nhà văn có cảm hứng hiện thực chủ nghĩa. Những trải nghiệm thực tế, cảm xúc rung động, cảm thông và chia sẻ trước những cảnh đời bất hạnh, kết hợp với tài năng cá nhân thiên bẩm đã tạo nên Nguyễn Du – người "có con mắt nhìn thâu sáu cõi, tấm lòng cảm tới nghìn đời."

Với 55 năm tồn tại trên cõi đời, Nguyễn Du đã để lại một di sản thi ca đồ sộ, trong đó có ba tập thơ chữ Hán "Thanh Hiên thi tập," "",Nam Trung tạp ngâm," "Bắc hành tạp lục" với tổng cộng gần 250 bài, và đặc biệt là tập thơ chữ Nôm "Đoạn trường tân thanh" theo thể lục bát truyền thống của dân tộc thường được biết đến dưới cái tên "Truyện Kiều" – kiệt tác được mệnh danh là thi phẩm tiếng Việt được đọc nhiều nhất mọi thời đại và nổi tiếng nhất trên toàn thế giới. 

Sáng tác của Nguyễn Du là một phần quý báu nhất và đặc sắc nhất trong di sản văn học của dân tộc Việt Nam, một trong những phần không thể thiếu làm nên sự phong phú tâm hồn và trí tuệ cho mỗi người Việt Nam. 

Vượt qua mọi biên giới không gian và thời gian, "Truyện Kiều" và Nguyễn Du đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của nhiều thế hệ người Việt, đồng thời không ngừng lan tỏa, được tìm hiểu và khám phá bên ngoài dải đất hình chữ S. 

Kể từ khi Nguyễn Du qua đời cách đây 195 năm, công lao, sự nghiệp của nhà ngoại giao, nhà văn hóa, nhà ngôn ngữ bậc thầy lão luyện này không những được cả dân tộc Việt Nam trân quý và tự hào mà còn được thế giới suy tôn, vinh danh.

Năm 1965, ông đã vinh dự được Hội đồng Hòa bình thế giới đề xuất kỷ niệm cùng với 8 danh nhân văn hóa thế giới, qua đó ghi nhận với những cống hiến của Đại thi hào Nguyễn Du cho nền văn học Việt Nam và sự phát triển của văn hóa nhân loại. Đặc biệt, tại phiên họp Đại hội đồng lần thứ 37 tổ chức cách đây hai năm tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức quyết định vinh danh 93 danh nhân văn hóa thế giới, trong đó có Nguyễn Du. 

Ngày 15/8/2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã chính thức có ý kiến chỉ đạo, đồng ý chủ trương tổ chức Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm ngày sinh của Nguyễn Du vào năm 2015. 

Một lần nữa, đây là dịp để khẳng định Nguyễn Du có mặt trên bản đồ văn hóa thế giới và là một phần của tinh hoa nhân loại. Các hoạt động này còn nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc, đồng thời khơi dậy niềm tự hào và cổ vũ trên con đường hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng./. 

Nguồn: HỮU CHIẾN (VIETNAM+) 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *