Bên bờ hạnh phúc

Tìm đến miền quê nghèo thuộc xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An những ngày cuối tháng 10, cũng như những địa phương nằm trong vùng ngập nước của Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều thửa ruộng nơi đây vẫn đang ngập chìm trong nước. Trước khi bắt tay vào vụ mùa mới, cuộc sống của không ít bà con nơi đây chỉ phụ thuộc vào chút cá, chút rau kiếm được từ thiên nhiên trong mùa nước này.

Video clip chương trình Chắp cánh ước mơ – Kỳ 337: Anh Trương Văn Tiến

Xuôi theo dòng kênh nhỏ, vợ chồng anh Trương Văn Tiến và chị Nguyễn Thị Diện vẫn luôn loay hoay với những tay lưới quen thuộc chuẩn bị cho công việc kiếm cá mỗi ngày. Người vợ với dáng người nhỏ nhắn, yếu ớt đang cố dồn sức vào mái dằm, còn người chồng thì 1 tay tỉ mẩn gỡ từng đoạn lưới thả xuống sông. 

Câu chuyện gia đình bắt đầu từ sự kết duyên của hai mảnh đời nghèo khó, tuổi thơ của anh Tiến và chị Diện gắn liền với những thiếu thốn, bất hạnh. Anh thì sớm chịu cảnh mồ côi mồ cút, còn chị thì trí nhớ chẳng được đủ đầy sau lần tai nạn sông nước thuở lên 3. Vậy mà giờ đây, chị vẫn từng ngày cùng chồng bám víu cái nơi đầy nguy hiểm ấy để mưu sinh, mặc cho những rủi ro chờ chực khi tay chân anh Tiến đã không còn lành lặn sau cơn tai biến cách đây 2 năm. Thế nhưng, từ ngày về chung sống dưới một mái nhà, anh chị đã dành trọn tình thương và sự cảm thông chia sẻ cho nhau, xem đó là niềm an ủi lớn nhất để cả hai có thể vượt qua những bất hạnh mà vun đắp cho mái gia đình.

Chưa bao giờ từ bỏ sự cố gắng dù biến cố, bất hạnh cứ ập đến với gia đình mình, trong thâm tâm anh Tiến, bằng mọi cách phải nỗ lực cùng vợ con vun đắp cho tương lai.
Lần theo những bước chân khập khiễng, khó nhọc của anh với công việc câu ếch, chúng tôi cảm nhận được nhiều hơn về những cố gắng, nỗ lực ấy của anh để luôn ấp ủ ước mơ, hi vọng cho người thân dù đang trong giai đoạn khó khăn nhất của đời người. Dưới cái nắng như đổ lửa, đôi tay co quắp, khó nhọc trong việc cầm nắm của anh lại kiên nhẫn với kế mưu sinh quen thuộc, như bao năm qua anh vẫn bền lòng trước những gian nan.

Làm vợ, rồi làm mẹ, có lẽ tình thương của chồng và con gái là động lực lớn nhất để chị Diện thêm vững tin đối mặt với chuyện thiếu hụt trong nhà, khi là lọ nước mắm, khi là hủ muối hay những bữa cơm mà vợ chồng phải chạy đong gạo thiếu. Dù sức khỏe, tinh thần không được như bao người phụ nữ khác, nhưng quen rồi với mùi vị của nghèo khó, ai trong cảnh nhà như chị cũng thấm thía nỗi cơ cực ngày ngày vây lấy gia đình mình. Theo chị em lối xóm lặn lội đi dặm lúa thuê, thi thoảng cắt chèo dưa, công sức bỏ ra chỉ kiếm được vài chục ngàn tiền công mang về cho con gái mua thêm quyển tập cây viết, với chị, bao nhiêu đó là cả niềm hạnh phúc của người làm mẹ.

Tận mắt chứng kiến mái nhà rệu rã của anh Tiến, chị Diện, chúng tôi càng thêm xót xa khi nghĩ đến những lúc cả gia đình phải chật vật trong cảnh mưa tạt gió lùa. Gần 20 năm có được chỗ ở riêng tư, chút cây chút lá ngày trước chòm xóm thương tình góp lại dựng nhà cho anh chị cũng theo đó thời gian mà mục nát, bạc màu. Trong không gian ẩm mốc, cũ kỉ, mùi vị của khó nghèo len lỏi trong từng ngóc ngách của căn nhà.

Đến một góc bếp tinh tươm sạch sẽ để chuẩn bị cho chồng con những bữa cơm cũng chỉ là ước mơ của chị Diện. Đắng lòng cho cảnh sống chật vật, tạm bợ bao năm qua cứ phủ trùm lên mái nhà mình, thế nhưng buồn đó rồi lại quên đó khi mỗi ngày thức dậy là chị phải lao vào cuộc mưu sinh. Đôi tay chị lại nhóm lên ngọn lửa hi vọng cho cuộc sống ngày mai tươi sáng hơn của gia đình.

Thương mẹ cha ngày đêm vật lộn với cuộc sống mới có được cái ăn, cái mặc trong nhà, thế nên càng lớn, Cẩm Thúy- đứa con gái duy nhất của anh Tiến, chị Diện càng hiểu hơn về sự kỳ vọng mà mẹ cha trông đợi ở mình bằng con đường học tập. 14 tuổi trong dáng vẻ nhỏ nhắn, đen đúa chẳng đủ đầy như bạn bè, đôi lần mặc cảm với những thiếu thốn của bản thân nhưng mỗi khi nghĩ đến những cố gắng của mẹ cha, cô trò nhỏ lại dốc tâm vào việc học. Mỗi ngày đến trường, với em là một niềm vui nhỏ được chắt chiu tích cóp để có thêm cơ hội chạm tay vào ước mơ trở thành cô giáo.

Về lại mái nhà – nơi chỉ có tình thương là đủ sức lắp đầy những khoảng trống thiếu hụt, những giờ rảnh rỗi Thúy lại cặm cụi ngồi gỡ từng con ốc nhỏ, phụ mẹ chăm sóc cho đàn cá lóc mới bắt về. Tuổi nhỏ thì làm việc nhỏ, tận sâu trong cô bé hiền lành ngoan ngoãn này, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng của đứa con hiếu thảo, chăm chỉ, luôn dành trọn tình thương cho mẹ cha bằng những cố gắng của chính mình.

Lận đận hơn nửa đời người mới gầy dựng được tổ ấm nhỏ, anh Tiến thấm thía lắm nỗi cơ cực của đứa trẻ mồ côi chẳng được học hành như mọi người. Tương lai dang dở, một chữ bẻ đôi với anh cũng thành ra xa lạ khi quanh năm chỉ lẩn quẩn nơi vùng quê nghèo kiếm lấy cái ăn. Chính vì vậy, dù khó khăn anh vẫn nung nấu quyết tâm vun đắp tương lai con thêm phần tươi sáng. Từ những thứ tưởng chừng như hư hỏng, bỏ đi, anh vẫn biết tận dụng để làm phương tiện mưu sinh cho mình, như trân trọng từng cơ hội mới cho cuộc sống bằng đôi tay lao động và sự nỗ lực không ngơi nghỉ của người trụ cột gia đình.

Cuộc sống sẽ không từ bỏ những ai luôn vững vàng niềm tin vào những điều tốt đẹp. Cùng bước qua những chặng đường gian truân thử thách, tình yêu thương mà vợ chồng anh Tiến dành cho nhau vẫn trọn vẹn đong đầy. Mong rằng trên bước đường mưu sinh còn lại, đôi vợ chồng nghèo sẽ thêm vững tin sát cánh cùng nhau để chăm lo cho đứa con thơ, sẵn sàng bước vào cuộc sống mới khi ước mơ về 1 mái nhà lành lặn sẽ thành hiện thực.

Quý khán giả có lòng hảo tâm giúp đỡ, xin liên hệ theo địa chỉ:

1/ Anh Trương Văn Tiến, ấp Trung, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An

2/ Chương trình “Chắp cánh ước mơ”Đài PT-TH Vĩnh Long, số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long.

3/ Tài khoản huy động ủng hộ các chương trình nhân đạo

– Tên đơn vị : Đài Phát thanh – Truyền hình Vĩnh Long

– Địa chỉ: số 50, Phạm Thái Bường, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long

– Số tài khoản: 102010000638667 tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương – Chi nhánh Vĩnh Long

Phương Thảo
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *