Bên bờ hạnh phúc

Cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông từ khi còn là một vị Thái tử đến lúc lên ngôi vua, rồi truyền ngôi cho con trai Trần Anh Tông để đi theo con đường tu hành sẽ được tái hiện trên sân khấu cải lương qua vở diễn “Vua Phật.”

Vở diễn sẽ chính thức ra mắt khán giả tối 23/11. (Ảnh: BTC)

 

Tác phẩm sẽ chính thức ra mắt công chúng Thủ đô vào buổi tối các ngày từ 23-25/11 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội).

“Vua Phật” do tiến sỹ Bùi Hữu Dược viết kịch bản văn học, nghệ sỹ ưu tú Triệu Quang Vinh chuyển thể cải lương và nghệ sỹ ưu tú Triệu Trung Kiên đạo diễn. Nhạc sỹ Giáng Son phụ trách âm nhạc.

Bên cạnh các nghệ sỹ thuộc Nhà hát Cải lương Việt Nam, vở diễn còn sự góp mặt của sinh viên Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội, đoàn múa Khám Phá…

“Êkíp thực hiện ‘Vua Phật’ muốn góp phần đưa đến cho khán giả những hiểu biết sâu sắc, đa diện hơn về một danh nhân văn hóa, một vị anh hùng dân tộc; để từ đó, hậu thế, mà đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay biết trân quý, giữ gìn và phát huy những giá trị, tư tưởng mà vị vua anh minh, có nhiều điểm khác biệt trong tư tưởng so với những vị quân vương khác trong lịch sử phong kiến này để lại,” tác giả kịch bản chia sẻ.

Theo tiến sỹ Bùi Hữu Dược, “Vua đời-Vua đạo” Trần Nhân Tông là một nhân cách sáng ngời, nổi bật ở nhiều mặt: một nhà lãnh đạo tài ba, một chính trị gia kiệt suất, một nhà văn hóa lớn, bậc Tổ sư của dòng Thiền Trúc Lâm riêng có ở Việt Nam còn tồn tại đến ngày nay.

Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết, anh không đưa nhiều thủ pháp sân khấu vào “Vua Phật” như các vở diễn về hình tượng Phật hoàng (thuộc các loại hình tuồng, chèo) đã làm truớc đây. Thay vào đó, đạo diễn lựa chọn lối dàn dựng giản dị, đi theo mạch và các tình tiết chính trong kịch bản để nhân vật hiện lên sống động và đời nhất.

Tác phẩm có sự hòa nhịp của nhiều loại hình nghệ thuật khác như múa, âm nhạc, mỹ thuật… (Ảnh: BTC)

 

Gương mặt đạo diễn tài năng của làng cải lương phía Bắc gọi “Vua Phật” là bữa tiệc nghệ thuật với sự hòa nhịp của nhiều loại hình nghệ thuật khác như múa, âm nhạc, mỹ thuật…

Thông tin từ Nhà hát Cải lương Việt Nam cho hay, Vua Phật được dàn dựng với nguồn vốn 100% từ kinh phí xã hội hóa. Sau khi ra mắt tại Hà Nội, vở diễn sẽ được biểu diễn tại các trung tâm văn hóa Phật giáo trên cả nước nhân dịp kỷ niệm 707 năm (1308-2015) ngày nhập niết bàn của Phật hoàng Trần Nhân Tông 1/11 (Âm lịch)./.

Vua Trần Nhân Tông (sinh năm 1258) có tên húy là Trần Khâm. Ngài được lập làm Hoàng Thái Tử năm 16 tuổi và lên ngôi Hoàng đế năm 21 tuổi.

 

 

Khi giặc Nguyên Mông sang xâm lược nước ta, Vua Trần Nhân Tông đã hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh tan quân giặc (năm 1285 và năm 1288).

Năm 1293, Vua Trần Nhân Tông truyền ngôi lại cho con trai là Trần Anh Tông, lên ngôi Thái Thượng Hoàng. Đến năm 1299, ngài xuất gia tìm con đường giúp dân, giúp nước qua tu đạo để cố kết nhân tâm, vun bồi trí đức theo phương châm "dựng Đạo, tạo Đời." Ngài tu hành ở núi Yên Tử rồi lập ra Thiền phái Trúc Lâm.

Phật hoàng Trần Nhân Tông qua đời vào năm 1308, Tôn hiệu là Ðại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Ðầu đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Ðiều Ngự Tổ Phật.

Nguồn: VIETNAM+

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *