Bên bờ hạnh phúc

Thời Pháp thuộc, nhiều loại hàng vải được nhập từ Pháp, Thái Lan, Trung Quốc… bán khá rẻ so với thời giá lúc ấy. Người bình dân ở Vĩnh Long thường dùng các loại vải như vải tám tây, vải “xe lửa” (trên đầu vải in nhãn hiệu chiếc xe lửa), vải ú… Phụ nữ thích diện những chiếc quần hàng Mỹ A dày, bóng, không có hoặc có in hoa văn bông chanh, hột é…

Người tầng lớp trung lưu, khá giả ưa thích mặt hàng lụa Tân Châu, lụa Tây, lụa “crêpe de Chine” đen bóng, mềm và mịn, mặc vào mát rượi, hoặc hàng cẩm nhung, gấm Hòa Châu, Thượng Hải…

Ngày nay, ta còn có thể tìm lại được vài nét về hình ảnh, trang phục của người dân Vĩnh Long thời xưa qua sự lục lọi, tìm về trong ký ức của những cụ già, nhất là ký ức về những kỷ niệm đáng nhớ của người đời, cụ thể như đám cưới. Qua trang phục mặc vào dịp cưới hỏi ngày xưa mà hiện nay, ta có thể biết được các loại mặt hàng, kiểu dáng y phục, quan niệm thẩm mỹ về màu sắc và các loại trang sức thời đó.

Tìm hiểu trang phục trong lễ cưới của nhiều gia đình khá giả, trung lưu Vĩnh Long mới thật sửng sốt về mức độ phong phú, đa dạng của quần áo, nữ trang dành cho cô dâu. Phải chăng điều đó cũng nói lên sự trù phú, phong lưu của cư dân vùng “miệt vườn” này?

Có thể đó là một cô dâu trẻ trung, rụt rè, con gái một điền chủ tại cù lao Bình Hòa Phước của Vĩnh Long. Cô súng sính trong chiếc áo dài hàng tơ tằm Sang-gai màu đỏ, bên ngoài mặc chiếc áo rộng hàng gấm màu xanh nhạt, mặc quần lĩnh trắng, chân đi hài màu cánh sen thêu cườm. Mái tóc đen bóng của cô chải láng, được búi gọn, cài chiếc trâm vàng. Cô đội nón cụ quai tơ, bên ngoài nón trùm chiếc khăn điều lụa mỏng, dài và rộng phủ quá vai, chung quanh diềm khăn kết các bông tua cũng màu đỏ, đong đưa nhẹ nhàng theo bước chân khép nép của cô dâu (10). Phong tục cô dâu trùm khăn điều che mặt vốn là một phong tục rất cổ xưa, dễ có đến hàng mấy trăm năm tại đất Nam bộ. Không rõ tục này có liên quan gì với tục trùm khăn đỏ của các cô dâu Trung Quốc không.

Thời trang “mặc áo cặp” của các cô dâu Vĩnh Long do quan niệm bất kỳ thứ gì vào hôn lễ cũng phải “đủ đôi đủ cặp”. Do đó, nhiều trường hợp họ cũng mặc quần cặp. Áo cặp là áo may hai lớp, hòa sắc với nhau theo gam màu tương phản, ví dụ áo lụa ở trong màu sáng tươi như màu trứng sáo, bên ngoài là lớp áo the màu tím thẫm. Tập quán mặc áo cặp còn do ảnh hưởng trang phục đài các của các mệnh phụ vùng Thuận Hóa trước đây. Đó là kiểu mặc áo hai lớp bên trong, ngoài ra còn mặc thêm áo khoác, áo rộng bằng gấm hoặc bằng lụa the mỏng bên ngoài vào những dịp long trọng. Tập tục mặc từ hai áo trở lên cũng có liên quan đến “áo mớ” là nhiều chiếc áo dài được người mặc cùng một lúc của phụ nữ Bắc bộ và Trung bộ. Có cô dâu Vĩnh Long xưa mặc “áo mớ năm” gồm 5 chiếc áo dài lụa với 5 màu khác nhau, bên ngoài khoác áo tằng tiến (một loại áo xuyến) mỏng, đẹp, màu đen nhẹ. Tóc cô bới bánh lái, giắt 3 con bướm bằng vàng ròng (11). Nhiều gam sắc màu lạ lùng của “áo cặp” mà cô dâu Vĩnh Long mặc như áo dài nhung màu xanh ve chai với áo rộng bằng gấm bên ngoài màu hồng phấn dệt bông to; áo trong màu hồng, áo rộng màu tím hoa cà; áo trong màu xanh nhạt, áo rộng hàng cẩm nhung màu tím than; áo trong gấm Hòa Châu màu nâu đỏ, áo rộng bằng gấm màu xanh dương dệt hoa văn to; áo trong màu xanh đọt chuối, áo rộng ngoài là gấm Hòa Châu màu hồng v.v… Phổ biến nhất là áo dài trong màu hồng, áo rộng ngoài màu đỏ ửng, xanh dương có vân hoặc áo rộng bằng xuyến đen.

Thời xưa, việc cô dâu Vĩnh Long cũng như vùng Nam bộ mặc áo dài đen là điều bình thường vì xưa kia người Á Đông, trong đó có Việt Nam, quan niệm màu đen là màu lành, màu trắng mới là màu tang tóc.

Áo rộng đúng nghĩa với từ rộng. Nó rộng thùng thình, ống tay và cửa tay áo rất rộng. Nếu đứng buông thõng tay, tay áo có khi dài gần chấm đất. Nhờ tay áo rộng nên cô dâu thường dùng tay để che mặt mỗi khi thẹn thùng.

Về các món trang sức của cô dâu Vĩnh Long nhà giàu xưa mới thật là điều thú vị. Lộng lẫy nhất là bộ dây chuyền ren. Đó là bộ dây chuyền đánh nhiều vòng, nhiều tua bằng vàng, được chạm bằng tay các dãy hoa văn tinh tế tỷ mỷ như ren. Các sợi dây ren bằng vàng ấy kết nối vào một con bướm to bằng vàng trên hai cánh bướm xòe rộng được cẩn các hạt ngọc và đá quý nhiều màu tỏa ánh sáng rực rỡ, lóng lánh. Bộ dây chuyền ren sang trọng, lộng lẫy ấy chỉ con gái nhà giàu, quý phái mới có được. Như một cô dâu quê ở Mỹ Tho (Tiền Giang) được nhà chồng tại huyện Tam Bình – Vĩnh Long (12) tặng bộ dây chuyền ren và bộ dây chuyền nách. Vào thời Pháp thuộc, dây chuyền nách là vật trang sức thời thượng rất được các mệnh phụ, tiểu thư nhà giàu tại Nam bộ ưa chuộng. Ngoài ra, sính lễ cưới của nhà trai còn tặng cô dâu này đôi bông hột xoàn và đôi khoen vàng cùng hai chiếc neo (vàng quấn xoắn) đeo hai bên cổ tay, bộ vòng vàng đeo tay mười chiếc từ mỏng đến dày, mỗi tay cô dâu đeo 5 chiếc, một chiếc cà rá lá hẹ nhận hột xoàn. Cô dâu này lên xe hoa về nhà chồng với chiếc hộp cẩn xà cừ đầy ắp đồ trang sức ấy. Thêm vào đó, cô còn được cha ruột tặng một cặp kiềng vàng, trong đó có một chiếc chạm rồng tinh xảo, khéo léo, một chiếc kiềng trơn búp bông sen bằng vàng… Tất cả những điều đó cho thấy thêm nếp sinh hoạt xưa của tầng lớp nhà giàu tại Nam bộ.

Một phụ nữ khác cũng ở Tam Bình (13) kể lại, vào lễ cưới, cô dâu được nhà chồng là gia đình giàu có tặng nhiều nữ trang gồm kiềng vàng chạm rồng, bộ sợi dây chuyền nách, hai chiếc neo quấn những chuỗi hột vàng, nhẫn hột xoàn, bông tai hột xoàn…

Trường hợp khác là một cô dâu quê ở Hựu Thành theo chồng về Trà Ôn (14), các món trang sức của cô được nhà chồng tặng trong ngày cưới gồm :

– một bộ dây chuyền nách (15)

– một đôi hoa tai bằng vàng chạm hình hoa mẫu đơn. Hai cây kiềng neo bằng vàng (neo quấn hai, ba mối, ở ngoài quấn hột vàng, cả thảy hai thiên (16) hột) (200 hột vàng).

– một cái bông cổ ghim 3 sợi dây chuyền và dây chuyền nách có cài một miếng vàng để giữ cho dây chuyền dính vào áo…

– một bộ nhẫn Cửu Long (chạm 9 con rồng) gồm 3 chiếc đeo 3 ngón tay (ngón giữa, áp út và út).

Ngoài các món trang sức kể trên, nhà trai còn tặng thêm cô dâu nguyên một cái ô tròn, nhỏ bằng đồng thau, bên trong để vàng.

Từ những chi tiết về trang phục, vật trang sức đắt tiền, “vàng bạc đựng cả ô, cả hộp” tặng cho các cô dâu nhà giàu tại Vĩnh Long thời xưa cho thấy vùng đất này đã từng có một tầng lớp cư dân sống khá giả, đã từng ảnh hưởng ít nhiều phong cách sống của tầng lớp thượng lưu nơi đất Thuận Hóa xưa. Điều này vốn cũng không khó giải thích vì đa số cá dòng họ giàu sang tại Vĩnh Long đều có gốc gác ở Thuận Hóa xưa…

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

—————————————-

(10) Theo lời kể của ông Mai Phùng Võ, TPVL

(11) Theo lời kể của bà Đỗ Thị Cưu, 89 tuổi, quê ở Hựu Thành – Trà Ôn

(12) Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Hường, 90 tuổi, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, Trà Ôn

(13) Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Huê, 84 tuổi, xã Loan Mỹ, Tam Bình, Vĩnh Long

(14) Theo lời kể của bà Đỗ Thị Cưu, 89 tuổi tại Trà Ôn, Trà Ôn. Xưa kia, gia đình của bà và chồng “môn đăng hộ đối” vì đều giàu có, vừa là điền chủ, vừa có chức sắc trong làng (Hương cả).

(15) Theo bà Cưu kể, xưa kia, gia đình chồng định tặng bà bộ dây chuyền ren nhưng bà đề nghị xin đổi dây chuyền nách vì nó hợp thời trang lúc bấy giờ hơn

(16) Vùng Nam bộ thường dùng từ thiên để chỉ một trăm (thay vì thiên là một ngàn). Ví dụ cây thiên tuế (100 năm), một thiên lúa (100 giạ lúa), một thiên hột (100 hột)…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *