Bên bờ hạnh phúc

Nói đến món ăn dạng sợi thì người Việt Nam rất tự hào với hàng loạt biến thể từ phở đến bún, miến, mì… Nhưng nếu đến Malaysia mà không xuýt xoa cùng tô “bún” Asam Laksa thì cũng coi như chưa chạm đến cái hồn Mã Lai

Asam Laksa có thể coi như “phở” của người Mã Lai, hầu như đi đến đâu bạn cũng có thể gọi một tô nóng hổi, đậm đà và cay nồng. Nhưng cũng giống như phở là phải đến Hà Nội thì món Asam Laksa ngon nhất là thưởng thức ở Penang (hay còn gọi là Pinang), được xem như Thủ đô ẩm thực của châu Á, một thánh địa ẩm thực đường phố. Nếu là ở Georgetown nữa thì càng tuyệt.

Nasi Lemak (cơm nước cốt dừa) được xem là món truyền thống đặc trưng cho người Mã Lai, nhưng Laksa sẽ thôi thúc bạn quay trở lại đất nước này để được thưởng thức một lần nữa.

Asam nghĩa đen là “me”, cũng có thể đọc như Assam (một loại trái cây vị chua vốn được dùng nhiều trong món súp). Nó cũng hiện diện khá thường xuyên trong ẩm thực Ấn Độ để làm nên món tương ớt chua và tạo vị chua cho các món ăn.

Laksa là từ chỉ chung cho món “bún Mã Lai”, nhưng đó là còn tùy thuộc vào nơi mà bạn gọi “Laksa”. Chẳng hạn, ở Kuala Lumpur, nếu gọi Laksa mà không “chú thích” gì thêm, bạn sẽ nhận được tô Laksa cà ri – gồm mì sợi, chả cá, tôm, sò huyết, giá đỗ thái nhỏ và nước cà ri cốt dừa cay cay.

Nhưng nếu gọi một Laksa ở Penang, bạn sẽ được ăn Asam Laksa (hay còn gọi là curry mee), một trong những món ăn đường phố đặc trưng nơi đây, và có phần hơi giống với Laksa cà ri, nhưng ít sền sệt hơn và sợi mì “beehoon” mỏng hơn. Nói là mì, nhưng dưới góc độ của người Việt thì trông chẳng khác gì loại sợi bún tròn dày. Nhưng sợi ngắn, thành ra dùng dĩa có phần khó, chứ không phải như sợi spaghetti, cuốn vài vòng rồi đưa vào miệng (Người Mã Lai không dùng đũa, họ chỉ dùng dao, dĩa, thìa như phương Tây). Chủ yếu phải dùng kết hợp với thìa, nhưng do sợi to, lại trơn, nên thành thử người mới ăn có thể khá chật vật.

Laksa cà ri và Asam Laksa là phổ biến nhất ở Malaysia, nhưng thực tế Laksa có khá nhiều phiên bản khác, với sự khác biệt giữa sợi mì, nước dùng, độ đậm nhạt, độ cay. Cũng không phải đến Malaysia mới có Laksa. Singapore cũng là một địa chỉ lý tưởng, nhưng đến với đảo quốc sư tử thì hẳn nhiều người vẫn khoái cháo ếch hơn, sau đó mới bắt đầu nghĩ đến Laksa.

Nếu như ca sĩ Inohara Yoshihoko của Nhật Bản lúc đầu hết hồn với món phở Việt Nam vì nhìn màu nước “ngăm ngăm” mà tưởng… bẩn (nhưng sau này thì anh lại cực khoái phở) thì những người chưa quen với món Thái Lan chắc cũng sẽ phát hoảng khi nhìn thấy màu đỏ đặc trưng của Laksa.

Nấu Asam Laksa đòi hỏi sự kiên nhẫn, bởi quá trình nấu phải có độ từ từ để món cá (thường là loại cá nhiều dầu như cá thu) mềm đến mức gần như tan ra, tạo nên nước dùng cay nồng xen lẫn vị chua chua, đôi khi có phần gắt, của người Mã Lai. 

Các thành phần thêm vào nghe thì có vẻ kỳ lạ, hẳn nhiều người sẽ nghĩ chúng chẳng đời nào đi với nhau được. Ấy vậy mà, nghệ thuật nấu nướng, cũng như khẩu vị riêng của vùng đất Malaysia, đã chứng minh không gì là không thể. Mắm tôm cay belacan và hạt nêm được cho thật đậm hòa vào nước tạo thành nước dùng đặc biệt. Thứ nước dùng ấy, cùng sợi mì, cá, thêm ít hẹ tây xát mỏng, ớt tươi, dưa chuột, dứa thái sợi cùng lá bạc hà tươi, vậy là món Asam Laksa ra đời và được đưa ngay vào danh sách những món ăn tuyệt nhất thế giới.

Nếu ai thích ăn chua thì có thể thêm ít chanh calamansi. Có vẻ người Mã Lai thích các món có độ chua nhất định. Ngay cả đĩa kem và bánh ngọt tráng miệng bên cạnh cũng có thể thêm mấy miếng dâu tây chua chua, với thứ nước đo đỏ chỉ có tác dụng trang trí cũng chua nốt.

Không phải không có lý mà Laksa của người Malaysia được tôn vinh đến thế. Từng miếng đưa vào miệng đều khiến vị giác của bạn phải hoạt động ở mức độ cao nhất. Nếu chịu khó ăn trọn cả tô, mồ hôi sẽ túa ra đẫm áo, miệng toàn vị cay nóng bừng thấm dần như muốn thổi bay tâm trí bạn.

Nhưng bên cạnh vị cay, bạn cũng nên cẩn thận với món Laksa vì nó có thể hơi mặn, đặc biệt với khẩu vị tương đối thanh đạm của người Hà Nội. Nhưng điều này cũng tùy người nấu. Bởi người Mã Lai có cách làm du lịch rất tinh tế.

Với Malaysia, chinh phục khách du lịch hãy chinh phục từ những món ăn. Đồ ăn của Mã Lai giờ đã được quốc tế hóa nhiều, dù có là món ăn nồng gia vị như Ấn Độ hay tương đối thanh nhẹ như người Việt Nam đều có thể thưởng thức món ăn Mã Lai như những đặc sản quê mình.

Theo vanhoaamthuc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *