Bên bờ hạnh phúc

PHẦN II : TRANG PHỤC

Trang phục của cư dân Vĩnh Long phản ánh những giai đoạn lịch sử – kinh tế – xã hội của vùng Nam bộ và phong tục tập quán, nếp sống tại đây.

Vào thời kỳ khẩn hoang, do cuộc sống lao động nhọc nhằn, cư dân nghèo nam giới ở Vĩnh Long cũng như Nam bộ phục trang rất đơn giản khi làm việc : áo không tay, vải thô, cổ đứng mềm, cài cúc giữa cùng với quần rộng ngắn hoặc lửng kiểu lá nem, dây lưng rút. Nhưng khi có việc đi xóm, giỗ, cưới… họ đều mặc rất chỉnh tề, dù đơn giản, mộc mạc : bộ áo dài the đen, đội khăn đóng đen.

Trang phục của phụ nữ Nam bộ xưa

Trang phục của phụ nữ Vĩnh Long cũng như Nam bộ từ thời khẩn hoang cho tới ít ra là nửa đầu thế kỷ XX đã đạt được một chuẩn mực tốt đẹp, đó là sự ý tứ, kín đáo, tề chỉnh của một chiếc áo dài mặc thường nhật. Khi có việc bước chân ra khỏi nhà như đi xóm, đi chợ, buôn bán, đi thăm viếng ai… hoặc ngay cả lúc lao động nặng nhọc như gánh lúa, gánh nước, dệt vải, xay lúa, đi cấy… những người phụ nữ đều mặc áo dài. Chiếc áo dài của phụ nữ giới bình dân, lao động hoặc ở nông thôn thường bằng vải ta dày màu đen hoặc màu sậm. Còn với phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu trở lên thì chất liệu vải mịn, mỏng hơn và màu sắc cũng tươi sáng hơn, vì họ không phải lao động nặng nhọc.

Việc mặc áo dài trong mọi sinh hoạt thường nhật của phụ nữ Nam bộ thời ấy gắn liền với ý thức và quan niệm về đạo đức. Như khi đi cấy, người phụ nữ phải lao động ở tư thế cúi khom, phần mông nhổm cao, do đó, vạt áo sau của chiếc áo dài rất cần thiết, bởi vì trên đồng ruộng không phải chỉ có phụ nữ lao động, mà còn có nam giới. Vì vậy thời ấy, người phụ nữ nào đi cấy mà không mặc áo dài sẽ bị cộng đồng chê bai, đánh giá thấp về tư cách đạo đức. Có thể nói, phụ nữ Nam bộ mặc áo dài thường ngày, kể cả khi lao động là bắt nguồn từ các quan niệm thuộc về phong cách lễ nghĩa, thẩm mỹ, đạo đức của xã hội đương thời. Chính vì vậy mà người nước ngoài thời đó đã có những nhận xét đầy trân trọng :

“ … Nông dân Nam kỳ dù nghèo hay giàu đều chú ý đến trang phục. Ngay người nghèo cũng mặc kín từ đầu đến chân, và vì thế, dân ở đây có một vẻ bề ngoài đáng kính hơn các dân tộc khác ở phương Đông… ”

Vào mùa cấy trong năm, phụ nữ nông thôn Vĩnh Long đều chuẩn bị cho mình y phục mặc đi cấy gồm ít nhất hai bộ quần áo dài đen bắng vải xiêm thô, dày để mặc thay đổi hàng ngày vì làm ruộng ướt át, bùn sình. Qua mùa cấy, họ giặt kỹ, may vá lại những chỗ rách, nhuộm lại cho đen sậm rồi xếp cất để dành cho mùa cấy năm sau. Còn áo dài mặc thường xuyên trong ngày thì họ chọn loại vải tốt hơn, mềm hơn và hay treo sẵn nó nơi chiếc cột nhà bếp để tiện khoác vào khi đi ra ngoài. Nhiều cô gái ở Vĩnh Long khi về làm dâu ở nhà chồng hàng ngày cũng đều mặc áo dài trong nhà, loại áo dài rộng, vạt có thể ngắn ngang gối cho gọn gàng, miễn sao che kín mông. Điều này thuộc nề nếp gia phong nhằm để giữ lễ, ý tứ với cha mẹ chồng, nhất là khi trong nhà còn có anh, em trai của chồng cùng sống chung (8).

Qua di ảnh của các thế hệ trước được thờ trong số gia đình tầng lớp bình dân, trung lưu và giàu có tại Vĩnh Long, ta có thể hình dung được một số nét chung về cách phục trang của cư dân Vĩnh Long vào cuối thế kỷ XIX cho đến khoảng nửa đầu thế kỷ XX. Nhìn chung trong giai đoạn này, phụ nữ Vĩnh Long mặc áo dài rộng, cổ áo vuông và cao khoảng 3 phân, thường là áo màu sậm. Riêng phụ nữ gia đình trung lưu trở lên, cổ áo dài của họ thời này thường gồm hai lớp : lớp ngoài cùng thường màu áo sậm, cổ bên trong màu trắng, ló cao hơn độ nửa phân so với cổ áo ngoài. Tay áo dài của phụ nữ trẻ và trung niên thường bó chặt ở cổ tay và cánh tay, còn tay áo của phụ nữ lớn tuổi thường rộng.

Kiểu tóc thời trang phổ biến chung của phụ nữ Vĩnh Long cũng như Nam bộ thời này – không phân biệt giàu nghèo – là kiểu tóc “bánh lá ba vòng một ngọn” : tóc phía trước chải lật hết ra sau, để thật dài và bới cao thành ba vòng, đùm tóc phía sau như cái cổ gà và cuối cùng là một chòm ngọn tóc được kéo cong vút lên như cái bánh lái ghe. Những mái tóc đen này được gội bằng nước trái bồ kết, trái chuối hột hoặc rau đắng đất nấu thành tro rồi hòa trong nước mưa.

Thời xưa, vàng tương đối rẻ, thợ bạc thủ công khéo tay nên nữ trang khá đa dạng. Thời trang phổ biến trước đây của phụ nữ là dây chuyền vàng, nhưng không chỉ đeo một sợi, mà có thể là hai, ba sợi từ ngắn đến dài. Phụ nữ tầng lớp bình dân, khá giả khi có dịp long trọng thường đeo một cặp dây chuyền sợi ngắn sợi dài với hai mặt khác nhau hoặc cùng bộ như nhau. Phụ nữ tầng lớp trung lưu, giàu có thường đeo ba sợi dây chuyền kèm theo dây chuyền nách là sợi dây chuyền rất dài, choàng xuyên qua nách, có thể gắn thêm mặt chiếc đồng hồ vàng nho nhỏ… Món nữ trang phổ biến khác của phụ nữ Nam bộ là bông tai, thiếu nữ thưởng đeo khoen vàng, phụ nữ lớn tuổi đeo bông tai mù u bằng vàng 24.

Cúc áo dài của họ bằng hạt mã não hoặc bằng đồng. Nhà giàu thì kết hạt cúc áo bằng vàng trơn hoặc chạm rồng.

Trang phục nam giới tại Vĩnh Long vào dịp long trọng cũng tương tự phụ nữ, tức là áo dài đen hoặc màu sậm và cổ áo cũng hai lớp, lớp cổ trong màu trắng ló ra so với lớp cổ ngoài, cổ áo cao khoảng 5 phân. Họ dùng loại khăn xếp chữ “nhân”, tức khi đội phải quấn vuông lụa 5 lớp quanh đầu thành hình chữ nhân theo đúng quan niệm của Nho giáo. Người bình dân thường mặc quần vải đen, đi guốc – dép. Người giàu mặc quần lụa trắng, đi giày mã vĩ lót lông đuôi ngựa.

Namgiới lớn tuổi tầng lớp giàu có, phong lưu ở Vĩnh Long thường để móng tay nhọn, sau đó diễu bạc hoặc vàng.

Trước khi Nam bộ thành thuộc địa của Pháp, Vĩnh Long cũng như nhiều tỉnh khác là vùng đất trù phú của Gia Định xưa. Những nhà giàu có với nếp sống phong lưu, quần áo bằng gấm, vóc :

“ … Những lúc bình thường, người ta chuyên chở gạo thóc ra bán tại thành Phú Xuân để đổi chác hay mua sắm những hàng vóc, nhiễu, trừu, đoạn của tàu đem về may mặc, nên quần áo của họ toàn là hàng hóa, màu tươi tốt đẹp đẽ… Ít khi họ dùng quần áo bằng vải trắng… ” (9).

Còn những người bình dân phục trang chỉ bằng các loại vải đơn giản, bền như vải trang đầm, vải xiêm, vải ú… Xưa kia, diện tích trồng bông tại một số vùng ở Nam bộ không phải là nhỏ, nhất là Bến Tre, Vĩnh Long, Châu Đốc… Bông này dùng để dệt loại vải ta dày, chắc, xong nó được nhuộm sang màu dà (từ vỏ cây dà mọc hoang nấu kỹ cho màu nâu sẫm. sau đó dấn bùn thành màu thâm đen), nhưng phổ biến nhất là nhuộm vải và quần thành màu đen bằng vỏ cây cóc, cây trâm bầu, trâm sắn rồi dấn bùn non cho màu đen xỉn… Với loại vải, hàng lụa tơ tằm, lụa cao cấp hơn thì người ta nhuộm bằng trái mặc nưa (markloeur) theo kỹ thuật nhuộm của người Khmer. Hàng tơ lụa mà sau này có loại lụa gọi là hàng Mỹ A nhuộm bằng trái này cho màu đen thẫm, mịn, đẹp, bền…

TS Phan Thị Yến Tuyết – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

—————————————-

(8) Theo lời kể của bà Lê Thị Kiểu, 83 tuổi, xã Tường Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long

(9) Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục (quyển 6, tập II), Lê Xuân Giáo dịch, Phủ QVKTVH, Sài Gòn, trang 440 – 441

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *